10 dấu ấn Bất Động Sản nổi bật trong năm 2020
- ThanhPham
- Đăng lúc: Thứ sáu, 01/01/2021 09:56 (GMT +7)
Năm 2020 là một năm kỳ lạ của thị trường bất động sản khi giá nhà đất lại tăng mạnh giữa tâm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Năm 2020 chứng kiến một nghịch lý “trái ngược” khi mà khả năng hấp thu của thị trường giảm nhưng giá bất động sản (BĐS) lại tăng liên tục, cung không đủ cầu. Dưới đây là 10 dấu ấn có thể coi là nổi bật nhất của thị trường BĐS năm qua.
1. Thành lập thành phố Thủ Đức
Ngày 9/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức thông qua nghị quyết thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc TP HCM. Thành phố này sẽ có trung tâm là quận Thủ Đức cũ và nhập thêm Quận 2, Quận 9. Sau khi thành lập, Thành phố Thủ Đức rộng trên 211 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn một triệu người.
Với thông tin trên đã đẩy giá nhà đất tại quận Thủ Đức liên tục tăng cao, có nơi tăng tới hơn 50%, tạo thành một cơn sốt thực sự trong giới đầu tư BĐS. Giá căn hộ chung cư có mức giá dao động từ 35 - 67 triệu đồng/m2 tại khu Đông thành phố, một mức giá không hề rẻ so với mặt bằng giá chung cư toàn thành phố Hồ Chí Minh.
2.Giá căn hộ chung cư tăng liên tục trên cả nước
Bất chấp dịch Covid-19, giá chung cư năm vừa qua chứng kiến mức tăng “đột biến”, đến mức đẩy phân khúc bình dân thành trung cấp, phân khúc trung cấp thành cao cấp và hầu như đánh bay khái niệm “căn hộ bình dân hay chung cư giá rẻ”. Tăng mạnh nhất là thị trường căn hộ Bình Dương với số chào bán tương đương TP.HCM, đẩy Hà Nội xuống vị trí số 3. Giá bán trung bình trên cả nước tăng 5% so với năm ngoái.
3. Những cơn sốt đất “kỳ lạ”
Gọi là kỳ lạ vì trong năm 2020 có những cơn "sốt" đất chưa từng có, chỉ kéo dài 1-2 tuần rồi nhanh chóng hạ nhiệt và nguội lạnh, chủ yếu bắt nguồn từ những thông tin bên lề về các dự án siêu đô thị của các tập đoàn lớn ở các vùng như Châu Đức, Vũng Tàu hay Thạch Thất, Hà Tây. Có thời điểm giá đất các khu vực này bị đẩy lên gấp 3-4 lần, nhưng chỉ sau khi chính quyền ra thông tin cảnh báo là lập tức xịt hơi rồi biến mất.
4. Làn sóng BĐS công nghiệp tăng mạnh nhất 25 năm qua, giá thuê liên tiếp tăng kỷ lục
Mặt bằng giá chung tại các thủ phủ công nghiệp phía Nam và phía Bắc đều tăng từ 50-100% so với cùng kỳ năm ngoái. Lý do đến từ nhu cầu tăng cao song nguồn cung mặt bằng lại khan hiếm do quỹ BĐS công nghiệp cũ ngày một được phủ kín, trong khi quỹ đất mới lại gặp khó khăn trong việc mở rộng vì vướng thủ tục pháp lý.
5. Thị trường BĐS xuất hiện những thương vụ M&A "bom tấn"
Dịch bệnh Covid-19 dường như không khiến thị trường M&A sụt giảm khi nhiều thương vụ triệu đô đã được xác lập. Có thể kể đến những thương vụ đình đám như: Quỹ đầu tư Kohlberg Kravis Roberts (KKR, Hoa Kỳ) đã mua lại hơn 200 triệu cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes với giá 15.100 tỷ đồng hay Novaland đã thông báo nhận giải ngân tới 21.293 tỷ đồng trong năm 2020 dùng cho hoạt động M&A và đầu tư phát triển các dự án, đỉnh điểm với thượng vụ Tập đoàn SLP ra mắt liên doanh 1,5 tỷ đô la Mỹ tại Việt Nam.
6. Loạt dự án hạ tầng đẩy giá đất nền tăng cao
Các dự án hạ tầng lớn trải dài từ Bắc vào Nam đã có tác động tích cực lên “độ nóng” của thị trường BĐS, đây là cơ sở kéo theo các dự án đầu tư liên hợp hoặc tổ hợp đa dạng trên nhiều lĩnh vực BĐS. Có thể tiêu biểu kể ra như chủ trương đầu tư cao tốc Cao Bằng –Lạng Sơn của chính phủ, dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc…
7. Tình cảnh “muôn vàn gian khó” của thị trường BĐS nghỉ dưỡng
Năm 2020 là một năm thực sự quá khó khăn với ngành BĐS nghỉ dưỡng và du lịch. Đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường suy giảm nghiêm trọng. Công suất lấp đầy ở mảng khách sạn thấp kỷ lúc ở mức 25%. Phân khúc Condotel gần như đóng băng, 2/3 sản phẩm chào bán không phát sinh giao dịch, dù Việt Nam kiểm soát đại dịch rất tốt, nhưng cả thế giới vẫn đang đối mặt với dịch bệnh ngày càng phức tạp khiến lượng khách quốc tế gần như là con số 0, vì vậy thị trường BĐS nghỉ dưỡng vấn tiếp tục trầm lắng.
8. Bùng nổ tình trạng lừa đảo các “dự án ma”
Các vụ lừa đảo bất động sản ngày càng tinh vi và có tổ chức, với thủ đoạn lập ra công ty môi giới bất động sản ảo, liên kết với một vài chủ đầu tư hoặc người có đất bằng nhiều hình thức khác nhau rồi vẽ ra các "dự án ma" nhằm chiêu dụ khách hàng giao dịch trên giấy và thu tiền. Bên cạnh đó các "cò đất" dưới danh nghĩa là đơn vị phân phối với chiêu thức cam kết lợi nhuận cao, "vẽ" ra hàng loạt tiện ích, quảng cáo sai sự thật để dụ khách hàng mua đất nền giá rẻ tại nhiều khu vực trên cả nước. Nhiều nhất là ở Bình Dương, TP.HCM, Hòa Lạc (Hà Nội)...
9.Các doanh nghiệp địa ốc “Vạn lý trường chinh”
Trong bối cảnh tại TPHCM và Hà Nội quỹ đất vô cùng khan hiếm, hàng loạt ông lớn bất động sản đang ồ ạt di chuyển về các tỉnh để phát triển những dự án siêu khủng với quỹ đất còn nhiều tiềm năng. Điển hình như Novaland với 4 dự án hàng nghìn ha trở lên ở Đồng Nai, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu hay ở phía Bắc, những tên tuổi lớn như Vingroup, Sungroup cũng mở rộng về các tỉnh tiềm năng như Hòa Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng…
10. Những chính sách “cởi trói” cho thị trường BĐS
Năm qua, đứng trước tình hình khó khăn của thị trường BĐS, chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Theo đánh giá, các chính sách này sẽ còn có tác động tích cực đến thị trường trong trung và dài hạn. Có thể kể đến các nghị định số 25 về triển khai giao đất, mặt bằng cho nhà đầu tư, nghị định số 41 về gia hạn thời hạn nộp thuế, nghị định 164 tháo gỡ pháp lý cho các dự án, nghị định 148 sửa đổi, bổ sung quy định thi hành Luật Đất đai.. nhằm kỳ vọng giải cứu hàng nghìn dự án và gỡ bỏ nút thắt thiếu hụt nguồn cung, "thổi làn gió mới" vào thị trường bất động sản.