3 ĐIỀU khác biệt giữa người đọc sách thường xuyên và người lười không chịu đọc – Càng ngẫm càng đúng
- duongduong
- Đăng lúc: Thứ sáu, 06/10/2023 01:11 (GMT +7)
Đọc sách cung cấp nền tảng để trở thành một người ưu tú, điều này không còn gì để tranh cãi
Việc một người có đọc sách thường xuyên hay không thực sự có thể thấy rõ được khi anh ta cất tiếng nói. Thế nhưng, thói quen đọc sách đang dần mai một trên toàn cầu. Số người duy trì đọc sách mỗi ngày thấp, dự báo sự thiếu hụt các nhà lãnh đạo giỏi. Đọc sách cung cấp nền tảng để trở thành một người ưu tú, điều này không còn gì để tranh cãi.
Nhiều người không coi trọng việc đọc sách, cũng có người viện đủ lý do để trì hoãn việc đọc. Nếu đã lâu bạn chưa đọc trọn vẹn một cuốn sách nào, chưa đủ quyết tâm để duy trì thói quen đọc sách thì hãy tham khảo bài viết dưới đây để hiểu hơn lợi ích của việc đọc.
1. Họ có tính kiên trì, không nóng vội
Trước hết những người đọc sách thường xuyên có tính kiên trì hơn so với những người không đọc sách. Nhiều người nghiện xem video ngắn hay chơi trò chơi vì các hoạt động này cho phép chúng ta nhận được phản hồi kịp thời. Bạn có thể dễ dàng xem các video ngắn trong 2 giờ, bởi các video chỉ trong khoảng 15 giây liên tiếp sẽ mang đến sự kích thích thị giác, thính giác mạnh mẽ và khiến chúng ta phấn chấn.
Tuy nhiên với việc đọc thì khác. Một mặt, hầu hết mọi người đọc chậm. Số liệu cho thấy, năm 2018, lượng đọc bình quân tại Trung Quốc đối với người trưởng thành không vượt quá 8 cuốn sách/người (bao gồm sách giấy và sách điện tử).
Mặt khác, việc đọc sách và áp dụng vào thực tế không mang lại thành công ngay lập tức. Khi bạn chơi game, một khi nắm vững chiến thuật, bạn có thể điều chỉnh sau mỗi trận và mang lại hiệu quả ngay lập tức, tính theo số phút. Nhưng việc đọc sách không như vậy. Muốn áp dụng được kiến thức vào đời sống, bạn cần kiên trì trong khoảng thời gian dài. Đặc biệt là một số tác phẩm văn học kinh điển.
Tuy nhiên, người đọc sách thường xuyên có thể khắc phục được vấn đề phản hồi chậm và sẵn sàng từ bỏ những cám dỗ khác để nhận được phản hồi nhanh chóng. Họ bình tĩnh, kiên nhẫn, không nóng vội.
Hơn nữa, vì đọc sách thường xuyên, họ có thể duy trì sự tập trung vào một dự án dài hạn. Họ ghét sự xao nhãng ngay cả khi họ không phải đọc. Đây cũng là một nhân tố quan trọng cho bất kỳ nhà lãnh đạo nào.
2. Họ có ý thức học tập suốt đời
Nhiều người hầu như không đọc gì kể từ khi rời trường đại học hoặc sau khi tốt nghiệp THPT. Trên thực tế, dù bạn đang ở giai đoạn nào của cuộc đời, đọc sách vẫn là cách rất tốt để chúng ta không ngừng học hỏi.
Nếu bạn đã quen với Kinh Thi, thơ Đường, những tác phẩm văn học bất hủ, bạn sẽ không dễ bị lay động bởi những câu văn giả cổ, giả văn tệ hại.
Nếu bạn đọc một số sách liên quan đến logic, bạn sẽ hiểu rằng những bài viết kích động cảm xúc mắc phải những lỗi logic điển hình.
Nếu bạn đọc một số triết lý, bạn sẽ tìm thấy những giá trị mà bạn tin tưởng trong quá trình suy nghĩ. Và bạn sẽ không bị lung lay bởi những tác động bên ngoài.
Những người đọc thường xuyên có ý thức học tập suốt đời và có tính cạnh tranh mạnh mẽ. Với ý thức này, dù xã hội có phát triển nhanh đến đâu thì người đọc thường xuyên sẽ không bao giờ lo lắng mình bị tụt lại phía sau.
3. Họ thường sống bao dung, có sự đồng cảm lớn
Đối với những người thường xuyên đọc sách, vì đã đọc rất nhiều thể loại nên họ được đắm chìm vào những trang giấy, được đối thoại với tác giả, cảm nhận cuộc đời mỗi nhân vật. Vì vậy, họ biết đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu, cảm thông. Họ hiểu rất rõ sự khác biệt giữa con người với nhau.
Thay vì nhìn thế giới từ một góc phiến diện, người đọc sách thường xuyên có cái nhìn tổng quan hơn. Thông qua đọc sách, họ có thể đi đến nhiều nơi trên thế giới, tham gia vào nhiều cuộc đối thoại và trở thành một phần trong câu chuyện đó. Quan điểm toàn diện không khiến họ bị giới hạn bởi một góc nhìn cụ thể nào. Hơn nữa, họ sẽ thấy thế giới như một vùng đất với những thách thức và khả năng vô hạn.
Đọc chỉ là một hành động, điều thực sự tạo nên sự khác biệt chính là tư duy diễn ra trong quá trình đọc. Đó là sự hỗn độn tư duy với các tư tưởng khác nhau, từ đó tác động đến cách suy nghĩ.