Dù mọi thứ trong cuộc đời đều có thể thay đổi, ta vẫn còn gia đình
- Sky
- Đăng lúc: Thứ sáu, 02/10/2020 10:14 (GMT +7)
Có những điều chẳng bao giờ thay đổi, như khoảng trời mãi xanh, như nắng mãi vàng... Và như tình yêu của gia đình!
Sau Covid, công ty mở một khoá học “Quản trị sự thay đổi”, yêu cầu toàn bộ nhân viên tham gia, để chuẩn bị trước tinh thần cho việc sẽ có hàng tá những thay đổi diễn ra trong thời gian sắp tới, có thể yêu cầu nhân viên cật lực làm việc hơn để “sống mái” cùng công ty. Những lý thuyết của giảng viên về sự thay đổi giống như thúc giục người ta phải chấp nhận những cú sốc, choáng của cuộc sống, chứ không chỉ những thay đổi tốt đẹp.
Bài dạy nói rằng “Không có thứ gì là bất biến, ngoài sự thay đổi”.
Nhưng thật ra, có những điều sẽ chẳng bao giờ thay đổi
Là món quà sáng hàng ngày bố tôi đặt sẵn trên bàn ăn cho con gái, trăm ngày như một, trừ khi con mở miệng yêu cầu “Mai bố đổi món nhé!”, còn không ông cứ đinh ninh con vẫn yêu thích món ăn ấy, đến nỗi ngày nào cũng ăn mà chẳng chán.
Là câu hỏi thăm “phiền phức” của mẹ mỗi ngày, “Hôm nay ở chỗ làm con ổn không?”, rồi khi con cái than vãn, lúc nào cũng tỏ ra khách quan và bênh người ngoài. Muôn đời vẫn vậy!!!
Là những lúc cả nhà liên hoan ăn vịt quay, bố lúc nào cũng ăn xương xẩu, để phần cho các con phần đùi đầy thịt mềm mướt, và tuyên bố “Ăn thịt nhiều chỉ tổ giắt răng”.
Là những buổi tối trước khi đi ngủ, mẹ vẫn tận tuỵ mắc màn, lo con bị muỗi đốt, rồi lèm bèm mãi về việc con “có lớn không có khôn”, và những tác hại, nguy cơ của sốt xuất huyết.
Là cảm giác nhẹ nhõm kỳ lạ mỗi khi bước chân vào nhà. Rõ ràng khi ở chỗ làm, rồi trên đường về, cái lưng đau buốt, cái vai nhức nhối. Vậy mà về tới nơi, mở tủ lạnh nhón miếng táo bố bổ sẵn mát ngọt, lại cảm thấy thư thái, thả lỏng thoải mái vô cùng.
Có lẽ điều duy nhất thay đổi là thái độ của con trước những hành động ấy
Khi trước kia con luôn phàn nàn “Sao ngày nào cũng một món thế này. Ai mà ăn được”. Nhưng bây giờ, đôi khi ăn hoài món ấy mà chỉ thấy thật hạnh phúc, chẳng hề chán. Mỗi lần mở lồng bàn nhìn thấy chiếc bánh mỳ đầy nhân quen thuộc, lại chỉ thấy ấm lòng.
Khi trước kia luôn vặc lại mẹ “Ngày nào cũng hỏi làm gì? Mẹ chẳng hiểu gì!”, thì nay đã biết bật cười trong lòng mỗi khi câu hỏi quen thuộc được lặp lại, và học được cách tận hưởng sự khó chịu mỗi khi mẹ làu bàu khuyên giải, lý luận hộ cho người ngoài. Đôi khi cũng vẫn tranh luận lại, nhưng vậy thì có sao. Cãi cọ đôi khi cũng là một loại hạnh phúc.
Khi trước kia luôn hồn nhiên ăn hai cái đùi vịt mỡ màng, thì nay cũng biết nói dối “Ngấy lắm, con chả thích đâu”, hoặc hôm nào nền tính, thì còn biết gắp miếng ngon cho bố mẹ.
Khi trước đây luôn hục hặc vì “Mắc màn bí bỏ xừ đi”, thì nay đã quen với mùi thơm vương trên chiếc màn, cái mùi đặc biệt chỉ có ở nhà mình, dù muôn ngàn người cũng dùng loại nước giặt ấy. Tối tối ngoan ngoãn chui vào màn, còn biết vén góc màn lại, sung sướng đi ngủ trong cảm giác thích thú.
Khi cuối cùng, sau bao năm tháng, con đã lớn khôn và biết trân trọng sự bình yên giản dị nhưng trân quý biết bao ở trong ngôi nhà của mình.
Đấy, đâu phải mọi thứ đều thay đổi. Có những điều chẳng bao giờ đổi thay, như bóng lưng của bố mỗi khi đèo con trên xe máy, lời hỏi han phiền phức của mẹ, những tiếng phàn nàn về thói quen ăn vặt của con nhưng rồi nhà vẫn chất đầy bánh trái.
Góc bình an chẳng bao giờ đổi thay ấy trong tâm hồn con, giống như khoảng trời rồi sẽ mãi một màu xanh dù sóng gió có lớn bao nhiêu, hạnh phúc, an yên...