Đề xuất hạn chế xây dựng hình ảnh nhân vật 'người hùng', 'soái ca' trên phim Việt

Đại biểu quốc hội Mai Thị Phương Hoa đề nghị xem xét hạn chế thấp nhất nhân vật thành đạt, "soái ca" trên phim Việt bởi những ảnh hưởng trực tiếp đến người trẻ.

Hashtag: Phim Việt

Chiều 28/10, trong buổi thảo luận trực tuyến của Quốc hội về Luật Điện ảnh (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) đã đề cập đến nội dung và các hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh. Nữ đại biểu cho biết bà nhất trí việc Luật Điện ảnh cần cấm những hành vi kích động bạo lực hành vi tội ác bằng việc thể hiện những chi tiết cách thức thực hiện hình ảnh, âm thanh lời thoại trong phim. Tuy nhiên cũng có thể linh hoạt với những trường hợp các nội dung đó thể hiện không quá phản cảm với mục đích lên án tội ác, đề cao chính nghĩa, nhận diện cái tốt, triệt tiêu cái xấu...

Cũng theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa, cũng cần xem xét, hạn chế đến mức thấp nhất trong các tác phẩm điện ảnh những hình ảnh thể hiện nhân vật những người thành đạt trong xã hội, những người hùng, thậm chí những "soái ca" trên màn ảnh.

Theo bà đây là những nhân vật có ảnh hưởng không tốt đến giới trẻ: "Những người này là thần tượng của nhiều thanh, thiếu niên. Họ thường thể hiện các cảnh hút thuốc lá hoặc uống rượu trong các phim gây cách hiểu lệch lạc cho thanh thiếu niên, gián tiếp cổ xúy cho hút thuốc lá, uống rượu bia".

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Ảnh Quốc hội).

Trong buổi cho ý kiến, đại diện đoàn Bình Dương, ông Phạm Trọng Nhân cho biết mục tiêu của luật Điện ảnh được đưa ra để hài hòa giữa quản lý nhà nước và hoạt động điện ảnh. Mục đích chính hướng đến là không gây "ức chế" sáng tạo của người nghệ sỹ khi đứng trước lằn ranh giữa truyền thống và hiện đại.

Theo ông Phạm Trọng Nhân phản ánh thực trạng thời gian qua, việc nhập khẩu phim nước ngoài có nhiều khác biệt, thậm chí có bất đồng về văn hóa. Chính điều này đã làm thay đổi không nhỏ lối sống của tầng lớp thanh niên. "Vậy điều này có làm tổn hại đến các giá trị và phá hoại truyền thống văn hóa hay không", ông nói.

Cũng trong buổi thảo luận này, bà Trần Thị Vân, đại biểu đoàn Bắc Ninh đề cập đến vấn đề thu hút tổ chức, người nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam. Theo ý kiến của bà Vân thì rất nhiều nhà làm phim đồng ý rằng thiên nhiên Việt Nam giàu đẹp, con người nơi đây khéo léo, thân thiện, hiếu khách. Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Vân họ lại ít chọn đến Việt Nam do chưa có chính sách rõ ràng, minh bạch. 

Vị đại biểu này nêu ra đưa ra trường hợp của Thái Lan về việc thay đổi chính sách với người, tổ chức nước ngoài về việc sử dụng dịch vụ sản xuất phim. Theo đó năm 2018, Thái Lan đã thu hút được 714 đoàn làm phim quốc tế, thu về 98 triệu USD khi áp dụng chính sách ưu đãi từ 15-20% hoàn thuế cho đoàn làm phim nước ngoài.

Bài liên quan

News feed