Điểm danh những quốc gia đón Tết Âm lịch giống Việt Nam
- Huyền Nguyễn
- Đăng lúc: Thứ năm, 11/02/2021 09:46 (GMT +7)
Ngoài Việt Nam, châu Á vẫn còn một số quốc gia ăn Tết Âm lịch như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Campuchia, Thái Lan, Mông Cổ...
Tết Âm lịch (Tết Nguyên đán) là một trong những ngày lễ lớn của Việt Nam nói riêng và nhiều quốc gia châu Á nói chung. Đây là khoảng thời gian mọi người quây quần bên nhau, nghỉ ngơi và thưởng thức những món ăn lấy may trong ngày đầu năm mới.
Trung Quốc
Tết Âm lịch tại Trung Quốc thường bắt đầu từ ngày mùng 8 tháng Chạp cho tới ngày 15 tháng Giêng âm lịch. Đây là một trong những kỳ nghỉ lớn và được coi là thời điểm "xuân vận", di dân lớn nhất Trung Quốc. Trong những ngày này, những người đi học tập, làm ăn xa sẽ trở về quê hương để quây quần và ăn mừng cùng mọi người.
Trong ngày năm mới, ở mọi tỉnh, thành phố của Trung Quốc đều tổ chức biểu diễn nghệ thuật, bắn pháo hoa. Song song với đó đây cũng là dịp gia đình, đại gia đình ngồi lại với nhau để cùng đón mừng những điều tốt đẹp sẽ đến.
Đài Loan
Đối với người dân Đài Loan, việc sum họp trong dịp Tết Âm lịch quan trọng đến nỗi nếu có 1 thành viên trong gia đình về trễ hoặc không về được thì vẫn luôn có một chỗ ngồi dành cho họ. Cũng giống nhiều quốc gia khác, vào ngày này, mọi người sẽ quây quần bên mâm cơm truyền thống và chia sẻ những điều mà họ đã làm được trong một năm vừa qua.
Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc, Tết Âm lịch còn được gọi là ngày lễ Seollal (Eumnyeok Seollal). Thông thường sẽ được tổ chức trong 3 ngày: trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán. Trong thời gian này, người dân Hàn Quốc sẽ tổ chức các nghi lễ cúng tổ tiên và quây quần bên gia đình. Ngoài ra, họ cũng mặc trang phục truyền thống Hanbok và tham gia một số trò chơi dân gian.
Triều Tiên
Những năm gần đây, Triều Tiên đã đổi ngày ăn Tết từ tháng 10, tháng 11 hàng năm sang ngày 1/1 âm lịch. Trong thời gian này, người dân Triều Tiên sẽ đến chân tượng đài Chủ tịch Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) để dâng hoa. Ngoài ra, họ cũng thưởng thức món bánh gạo Songpyeon truyền thống và "cơm thuốc" - món ăn được dùng để đãi khách với ý nghĩa mang lại cuộc sống sung túc, đủ đầy.
Mông Cổ
Ở Mông Cổ, Tết Âm lịch thường được gọi là Tết Tháng Trắng (Tsagaan Sar), tức là thời điểm báo hiệu kết thúc mùa đông và bắt đầu một mùa xuân mới. Vào dịp này, người dân Mông Cổ sẽ dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa những bộ trang phục mới và chuẩn bị các món ăn truyền thống. Ngoài ra, vào trước đêm giao thừa, những người nam giới thường thực hiện nghi lễ đi lên một ngọn núi hoặc đồi để cầu nguyện. Sau đó, họ sẽ chọn hướng phù hợp với tuổi của mình để xuất hành xuống núi.
Singapore
Đảo quốc sư tử này có số lượng người Hoa và người Malaysia đông đúc. Vì vậy, Singapore là một trong những quốc gia đón Tết Âm lịch giống Việt Nam. Trong thời gian này, họ thường tổ chức 3 lễ hội lớn nhất là: lễ hội hoa đăng, lễ hội Singapore River Hongbao và lễ hội đường phố Chinay. Kỳ nghỉ lễ thông thường sẽ kéo dài từ ngày mùng 1 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch nhưng hiện nay, những người đi làm hầu hết chỉ nghỉ 2 ngày đầu năm. Từ mùng 3 âm lịch sẽ bắt đầu đi làm bình thường.
Malaysia
Với 1/4 dân số là người Hoa, Tết Âm lịch là một trong những ngày lễ quan trọng đối với Phật tử, Khổng giáo, Đạo giáo và những người cầu nguyện. Vào những ngày này, người dân Malaysia sẽ tổ chức nhiều hoạt động truyền thống. Đặc biệt là chương trình bắn pháo hoa vô cùng hoành tráng tại Petronas Twin Towers. Ngoài ra, trong 2 ngày mùng 4 và mùng 5 Tết, người ta sẽ viết những điều ước năm mới vào một tờ giấy rồi dán lên đèn lồng.
Thái Lan
Tương tự Việt Nam, người dân Thái Lan cũng đón Tết Nguyên đán theo Phật lịch. Ngày lễ này còn được gọi là lễ hội té nước Songkran - lễ hội lớn nhất trong năm của xứ sở chùa Vàng, thường được diễn ra từ ngày 13/4 đến 15/4. Lễ hội này sẽ được diễn ra trên đường phố, người trẻ sẽ té nước vào những người lớn tuổi để thể hiện sự kính trọng. Qua đó, người già cũng muốn bày tỏ sự biết ơn khi con cháu đối xử tốt với mình ở độ tuổi "xế chiều".
Ấn Độ
Tết Nguyên đán tại Ấn Độ còn được biết đến với tên gọi là lễ hội Holi hoặc "lễ hội của màu sắc". Người Ấn Độ cho rằng, nắng ấm của mùa xuân sẽ xua đi cái lạnh giá rét buốt những ngày đông, tương tự như việc cái thiện đẩy lùi cái ác. Bên cạnh đó, trong ngày lễ Holi sẽ diễn ra sự kiện thoa bột màu lên quần áo và gương mặt của tất cả mọi người, bất kể quen hay không, để chúc mừng một năm mới hạnh phúc.
Bhutan
Ở Bhutan, Tết Nguyên đán (Tết Losar) là ngày lễ quan trọng nhất trong năm, thường được diễn ra trong vòng 15 ngày. Trong thời gian này, người dân thường cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mâm cơm để cúng tổ tiên và cảm tạ thần linh đã ban cho họ sức khỏe và cuộc sống ấm no trong năm vừa qua.