Gia Studios: Bản Haiku của thời trang
- Hoàng Hồng
- Đăng lúc: Thứ tư, 05/07/2023 12:18 (GMT +7)
“Dưới ánh sáng mặt trời, tất cả trần trụi, cái đẹp hiển lộ” (Lâm Gia Khang, thời trang minimalism)
Hồi đầu năm, Gia Studios có một cú Big Hit, đó là chiếc túi Croissant Pouch. Ra mắt lần đầu tiên trong bộ sưu tập SS18, tái xuất với diện mạo hoàn hảo hơn trong Pre-fall 19, và trở thành hiện tượng khi trang WhoWhatWear đưa vào danh sách xu hướng phụ kiện của năm 2020, đứng cạnh thương hiệu nhà mốt đình đám Bottega Veneta.
5000 chiếc là con số bán ra của mẫu túi có gam màu trung tính đậm chất tối giản này.
Croissant Pouch là đại diện tiêu biểu cho tinh thần thời trang của Lâm Gia Khang: Less is More (Tối giản là tối đa)
Tôi thích những gì được phơi bày dưới ánh sáng tự nhiên
Ngay từ khi xuất hiện lần đầu trên sân khấu Belve 2012 với bộ sưu tập Le Blanc mang phong cách thập niên 50 và sau đó là Project Runway Vietnam 2013, Lâm Gia Khang đã thể hiện sự trung tính đến cực đoan. Cực đoan ở đây là sự trung thành tuyệt đối với con người bên trong của mình, ngay cả khi ý thức rằng, tính cực đoan có thể sẽ cản trở con đường xây dựng một thương hiệu lớn.
Khang bảo, thần số học của anh có ba con số thì cả ba con số đều cực đoan, là: 0, 1, 9. Khang có ba số 1, nên sự độc đáo, độc tôn, duy nhất, khác biệt bị lũy thừa 3. Khang có hai số 9, nên sự duy mỹ luôn bình phương. Nhưng Khang cũng có hai số 0: con số nằm giữa âm và dương, án ngữ vị trí trung tâm của trục cân bằng; con số trống rỗng, không chứa gì cả mà lại chứa tất cả; con số khởi đầu cũng là con số của sự kết thúc; con số không thể chia nhỏ thêm nữa, cũng không thể dung nạp thêm nữa.
Nhưng vốn dĩ màu sắc trung tính cũng thuộc về một hình thái cực đoan. Đen là màu tiếp nhận, “nuốt” mọi ánh sáng và vì thế nó là sự vắng mặt của các màu. Ngược lại, Trắng là màu chứa toàn bộ các màu của quang phổ. Song cả Đen và Trắng đều có giá trị màu sắc bằng 0.
Khi Lâm Gia Khang theo đuổi neutral và chủ nghĩa minimalism trong thời trang ở tuổi 20, chỉ đơn giản là anh theo đuổi cái mà con người mình thôi thúc và mong muốn. Không dự đoán, không bắt trend, không đón đầu xu hướng. Trung tính hay tối giản vốn dĩ đều đã có từ lâu trong làng mốt, ra đi rồi trở về theo vòng tuần hoàn của thời trang. Nếu chỉ là đón đầu một trào lưu, Khang đã không kiên định với nó như đã và đang.
Chiếc túi Croissant Pouch cũng vậy. Khang làm nó không chủ đích từ rất lâu, nghịch ngợm với những cảm xúc và chơi với miếng da lộn, cho đến ngày một nhân viên nói “Ồ, sao nó giống cái bánh sừng bò”. Croissant, món điểm tâm sáng mà Khang hay ăn vô tình tạo ra thứ cảm xúc mà chính Khang không nhận biết, cũng không dụng ý gắng gượng đưa nó vào những bản nháp ý tưởng. Croissant trở thành “hit” của Gia Studios một cách vô tình và may mắn. Khang bảo, nếu như anh cố tình bắt “trend”, chiếc túi đó có thể vẫn ra đời nhưng không còn là thời trang - theo nghĩa nguyên thủy của nó nữa.
Từ ngày nhỏ, khi tò mò khám phá từng miếng vải vụn trong tiệm may của mẹ và bà, Lâm Gia Khang đã chọn basic. “Basic là cơ bản nhưng là tất cả. Basic là tối giản nhưng không phải đơn giản. Chỉ khi basic, tâm trí mới tự do tưởng tượng và sáng tạo”, Khang nói.
Thành ra, hỏi Khang chọn “tốt gỗ” hay “tốt nước sơn”, Khang bảo Khang chọn “tốt gỗ”. Với Khang, một bộ trang phục trung tính và tối giản không chỉ nằm ở phom dáng mà ở cách xử lý đường may ra sao và mang lại trải nghiệm gì cho người mặc. “Nước sơn” dù khéo đến mấy cũng chỉ giấu diếm, che đậy được với người ngoài, chứ không đánh lừa được người mặc nó.
“Tốt gỗ là phơi bày hết ra. Thời trang minimalist chính là naked, là khi mình tinh giản bộ trang phục về sự vi tế, mọi thứ trần trụi trên lớp vải như cơ thể người khỏa thân, không còn cái gì có thể lấp liếm. Không phụ kiện đính kết, không sắc màu rực rỡ bắt mắt, kỹ thuật cắt may phơi bày ra, từng đường kim, mũi chỉ, nhát cắt, tinh xảo hay khuyết điểm... phơi bày ra. Cũng chính lúc ấy, khả năng, tư duy, tư tưởng, cảm xúc của một nhà thiết kế cũng biểu hiện lên mặt vải.”
Bởi thế, để chọn tối giản và trung tính, nhà thiết kế phải rất tự tin. Khang nói anh tự tin. Nhưng không phải tự tin với cái hoàn hảo mà tự tin với cái khuyết điểm của chính mình.
“Trong thời trang, sự hoàn hảo công nghiệp như vi mạch điện tử là giết chết cảm xúc. Sự tinh giản thường có lỗi, đó là cái lỗi của chân thật, tự nhiên và cũng là cái tạo ra cảm xúc, tôn lên nét riêng của bộ trang phục.
Mỗi khi tôi làm show, tôi luôn cần ánh sáng tự nhiên. Vì dưới ánh sáng tự nhiên, tất cả trần trụi, cái đẹp hiển lộ. Ánh đèn sân khấu thường cung cấp sự che đậy giả dối hoàn hảo. Còn tôi thích khuyết điểm. Trên sàn diễn, có những bộ trang phục tôi lộn trái ra ngoài để phô ra những chỗ chưa may xong. Đó là lý do minimalism rất hấp dẫn.”
Thế giới thời trang của tôi không gồm hai màu đen trắng mà gồm trăm màu trắng và vạn màu đen
Câu Lâm Gia Khang không thích nhất khi ai đó nói về mình là: “Sao chỉ toàn đen với trắng thế!”. Thực tế thì Khang không chỉ làm đen với trắng. Khang vẫn làm màu. Có điều, những màu Khang chọn không rơi ra khỏi quỹ đạo của sự trung tính và chỉ nhấn nhá như gảy chút highlight cho bộ sưu tập thêm phần thu hút, tươi mới mà thôi.
Nhưng ngay cả khi Khang làm đen và trắng, Khang cũng không chỉ dùng hai màu. Bảng màu đen trắng của Khang đa sắc đến nỗi Khang có thể chơi với nó từ năm này qua năm khác mà không sợ trùng lặp. “Sao có thể nhạt nhẽo và đơn điệu, khi mỗi màu đen trắng là muôn ngàn sắc độ đậm nhạt khác nhau, và trên mỗi chất liệu lại ra một tính chất màu khác biệt. Đen trên lụa và đen trên cotton không thể cùng màu, trắng trên gấm và trắng trên linen cũng không thể là một. Sự trung tính khiến cho mỗi người cảm nhận màu sắc một cách tinh tế hơn. Như một bài thơ Haiku vậy, chỉ có 3 câu khúc triết nhưng gói gọn cả 4 mùa xuân hạ thu đông, cô đọng biết bao tầng ý.”
Thế nên, đừng nói với Khang rằng minimalist chính là minimal (tối thiểu). Vì Khang sẽ phản bác ngay. Tư duy thời trang tối giản của anh nhận diện minimalist là maximum (tối đa), một sự maximum được tinh giản. Không chỉ là tối đa ở các sắc độ biến hóa muôn hình vạn trạng của đen - trắng, cách anh xử lý chất liệu, xử lý đường may, hoàn chỉnh thiết kế, đặt trái tim, cảm xúc của mình vào cũng chính là tối đa.
Thời trang của Lâm Gia Khang bởi vậy cực đoan trong hình thái trung tính: đó là cân bằng, nhẹ nhàng, gần gũi, dễ chạm vào, dễ hòa vào mà không sợ lệch tông lệch pha, song cũng dễ tạo nên điểm nhấn riêng biệt mà không sợ nhạt nhòa, buồn tẻ. Những người phụ nữ tìm đến Khang vì thế cũng đa sắc, đa diện, không giới hạn trong một vài nhóm cá biệt. Khang, cực đoan nhưng đủ khiêm nhường và rộng mở để không đặt “pass” cho khách hàng của mình bằng xuất thân, tiền bạc, đi xe gì ở nhà nào hay có phải là tín đồ của neutral hay không.
“Thời trang không chỉ là chuyện cá tính trong ăn mặc. Thời trang là cảm xúc. Phụ nữ mà, ngay cả người maximalist đến đâu cũng có những ngày lắng dịu, muốn thu mình lại, muốn trút bỏ những lấp lánh ồn ào bề ngoài để trở về với bản thể trần trụi của mình. Khi đó họ sẽ tìm đến bộ trang phục neutral mang những gam màu tự nhiên tối giản trải ra khoảng trống để họ thả lỏng tâm trí và nghỉ ngơi”, Khang nói.
Điều đó cũng có nghĩa rằng, nếu ngày mai trào lưu trung tính và tối giản đang thịnh hành này được thay thế (và chắc là sẽ được thay thế sớm thôi), thì thời trang neutral kiểu Lâm Gia Khang vẫn chẳng biết mất khỏi dòng chảy của mốt. Bởi sẽ luôn có những cảm xúc đồng điệu tìm về neutral không phụ thuộc vào ngoài kia đài khí tượng thời trang dự báo neon hay bling bling đang đổ bộ về.