HLV Mai Đức Chung bị đồn thổi, thị phi chỉ vì sự nhiệt thành chẳng giống ai
- Bảo Nam
- Đăng lúc: Thứ hai, 07/02/2022 21:21 (GMT +7)
"Ôi trời, cái gì tốt thì mình cố mà làm thôi, hơi đâu quan tâm người ta nói gì", ông Mai Đức Chung đã từng nói vậy về một lời đồn thổi không hay về mình.
Ông ấy có màu mè gì ngon ăn ở đấy...??!
"Cái việc ấy thì có gì hay ho mà ông ấy nhiệt tình thế nhỉ, hay là ông ấy có màu mè tiền bạc gì ngon ăn ở đấy".
Đó từng là một lời đồn thổi về HLV Mai Đức Chung - người vừa cùng các học trò làm nên chiến tích lịch sử lần đầu ĐT nữ Việt Nam lọt vào World Cup.
72 tuổi, ông Chung đã có quá nhiều những thành công với bóng đá Việt Nam, từ vai trò cầu thủ đến HLV.
Sự nghiệp cầu thủ của ông Mai Đức Chung lừng lẫy khi ông là thành viên đội bóng Tổng cục Đường sắt du đấu Sài Gòn năm 1975 ngay sau khi đất nước vừa giải phóng. Trận đấu diễn ra trên sân vận động Cộng hòa (sau đó đổi tên thành sân Thống Nhất) giữa Tổng cục Đường sắt và Cảng Sài Gòn có kết quả 2-0 nghiêng về Tổng cục Đường sắt. Tiền đạo Mai Đức Chung và tiền vệ Lê Thụy Hải là 2 người ghi bàn ở trận đấu đó. Về sau, đôi bạn già Mai Đức Chung và Lê Thụy Hải vẫn còn gắn bó với nhau trong sự nghiệp huấn luyện.
Cho đến bây giờ, nói đến HLV Mai Đức Chung - với biệt danh ông Chung "xe ca" hay ông Chung "gái", người ta biết đến một vị HLV đặc biệt thành công với ĐT nữ Việt Nam. Ông Chung cũng là nhân vật nhiều lần đóng thế, làm HLV tạm quyền ở các đội nam, là HLV duy nhất từng cùng lúc làm HLV trưởng cả ĐT nam lẫn ĐT nữ Việt Nam. Ông Mai Đức Chung cũng có những thành công nhất định ở cấp câu lạc bộ như việc dẫn dắt đội bóng Bình Dương. Thành công, những đóng góp của ông Chung cho bóng đá Việt Nam là vô cùng lớn.
Và có một điều, ông Mai Đức Chung vô cùng cần mẫn, trách nhiệm, có thể gọi là người đầu tiên khai mở điều này với bóng đá Việt Nam. Cũng chính vì nhiệt tình với việc này, nên mới dẫn đến cái tin đồn thất thiệt nói trên.
Đó là việc cách đây nhiều năm, ông Chung "xe ca" rất nhiệt tình với việc kết nối, chào đón, nhận liên lạc để đưa các cầu thủ Việt kiều về Việt Nam thử sức.
Thời ấy, bóng đá Việt Nam còn chuyên nghiệp nửa mùa, "tranh tối tranh sáng", và người ta cư xử với nhau chưa chắc đã đàn ông, đã lịch sự. Những tin đồn hậu trường liên tục xuất hiện ở bóng đá Việt Nam, nửa thật nửa ảo, từ chuyện cầu thủ "ăn chơi bay lắc" cho đến những khoản tiền "cắt phế", "lại quả" cho HLV mỗi khi cầu thủ kí được hợp đồng với những khoản lót tay béo bở.
Ông Chung thì vốn luôn điềm đạm, nhỏ nhẹ, thân thiện, kiểu "không gây mất lòng ai". Ông Lê Thụy Hải - biệt danh Hải "lơ" thì luôn "bụp thẳng" mỗi khi có gì động chạm đến mình. Nhiều lần có tin đồn ông Hải "lơ" ăn phế đậm của cầu thủ, ông Hải phản ứng: "Đấy, nó bảo tôi ăn tiền đấy, nó bảo tôi ăn cả tỉ bạc đấy. Cầu thủ chúng nó gọi tôi bằng bố mà người ta rêu rao bố ăn tiền của con. Tôi là tôi độp thẳng luôn..."
Cái gì tốt thì chú cố gắng làm thôi
Thời ấy, công nghệ còn kém, thông tin còn ít, ông Chung từ các mối quan hệ của mình đã luôn tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ Việt kiều về nước thử chân. Có những cá nhân tự liên hệ, gửi thư hoặc gọi điện, và ông Chung lại lọ mọ, cất công tìm cách cho họ đá thử, chơi thử ở môi trường bóng đá Việt Nam.
Khổ nỗi, vài cầu thủ về nước, chỉ ở dạng cầu thủ phong trào, cứ nghĩ về Việt Nam là bóng đá còn kém, đá là ngon ăn, có hợp đồng chuyên nghiệp hoặc lên được ĐTQG dễ dàng. Việt kiều có khi lại... tiền nhiều, nên đã có vài lời thị phi từ đâu đó của những người không ưa, không thích về ông Chung rằng "hay ông này có màu mè gì ở đây".
Một ngày đông Hà Nội lạnh giá, ông Chung khi ấy nhiều việc, tất tả, toát mồ hôi chạy từ tận Nhổn lên sân tập ở Mỹ Đình của Hòa Phát Hà Nội (đội bóng đã giải thể) để "xem giò, xem cẳng" một cầu thủ trẻ Việt kiều. Anh này về nước cùng gia đình, không quen biết ai, được ông Chung giới thiệu cho vào tập thử với Hòa Phát.
Đem luôn câu chuyện thị phi kia ra hỏi ông Chung, vẫn điềm đạm, nhẹ nhàng, ông Chung nói: "Đúng là có nhiều người biết đến chú và gửi gắm con em họ về nước thử sức. Đấy, cháu xem, người ta về nước là bỏ khoản tiền không nhỏ, đi những hành trình rất dài, bỏ công sức ra để thử việc, họ cũng muốn cống hiến cho ĐTQG nếu đủ năng lực. Mình có nguồn lực vận động viên, cầu thủ Việt kiều rất lớn. Họ trưởng thành, luyện tập ở các nước phát triển, được tiếp xúc môi trường chuyên nghiệp từ rất nhỏ. Người ta có thành ý vậy, thì mình nhiệt tình thôi, mình giúp họ cũng đâu mất sức gì nhiều. Việc này không chỉ có ý nghĩa ở lĩnh vực thể thao thôi mà còn lớn hơn. Cái gì chú thấy tốt cho bóng đá nước nhà thì chú làm, chứ ai hơi đâu đi quan tâm người ta nói gì về mình".
Ông Chung cũng nói thêm: "Còn thể thao, bóng đá là rõ ràng. Chú giới thiệu rồi thì cầu thủ người ta phải đủ năng lực, phải thích ứng được, thì mới có thể có được hợp đồng, xa hơn là lên ĐTQG, còn nếu không đủ năng lực thì thôi, công bằng. Chú kết nối giúp họ hoàn toàn vô tư, vì lợi ích chung. Mình cứ đãi cát tìm vàng, rồi sẽ có cầu thủ Việt kiều tốt chơi cho ĐT QG, và điều này thực sự ý nghĩa".
Những cầu thủ đầu tiên không để lại dấu ấn, sau đó Michal Nguyễn và Mạc Hồng Quân là những cầu thủ Việt kiều đầu tiên có tên tại ĐT U23 Việt Nam. Việc Mạc Hồng Quân về Việt Nam chơi bóng cũng có sự giúp đỡ của ông Chung. Những cầu thủ có dòng máu Việt như Lee Nguyễn, Đặng Văn Robert cũng xuất hiện ở V-League. Cầu thủ Việt kiều nổi bật nhất và thành công nhất cho đến thời điểm này là thủ thành Đặng Văn Lâm. "Gấu Nga" Đặng Văn Lâm sau rất nhiều những khó khăn để khẳng định mình, đã vô địch AFF Cup 2018 trong màu áo ĐT Việt Nam.
Thời gian đó, ngoài bóng đá - với sự nhiệt tình của cá nhân ông Chung, 1 số gương mặt Việt kiều còn về nước thử sức ở các bộ môn như thể dục, tennis và các lĩnh vực nghệ thuật.
Ông Chung là vậy, cái gì có lợi cho cái chung, cho bóng đá thì làm, bỏ ngoài tai và vẫn cứ điềm nhiên với những ý kiến bàn ra tán vào về công việc mình.