Họa sĩ Vu Do lần đầu hé lộ về công việc giám tuyển triển lãm “Kho Tàng Ẩn Giấu" tại Hà Nội
- Châm Trần
- Đăng lúc: Thứ bảy, 12/03/2022 23:45 (GMT +7)
Giám tuyển nghệ thuật là một công việc còn mới lạ nhưng đầy tiềm năng tại Việt Nam. Hãy cùng tìm hiểu về nghề nghiệp thú vị nhưng không hề "trải hoa hồng" này.
Họa sĩ Vu Do đã có những chia sẻ rất thẳng thắn về nghề giám tuyển, một nghề nghiệp đặc thù nghe qua thì hào nhoáng nhưng không cũng có không ít thử thách.
- Nghề giám tuyển có vẻ còn xa lạ với người Việt Nam nhưng cũng đã manh nha xuất hiện trong những năm gần đây. Được biết, bạn từng giám tuyển cho 1 số triển lãm, hoạt động nghệ thuật trong nước. Bạn có thể giải thích rõ hơn về nghề nghiệp/công việc mới lạ này?
- Họa sĩ Vu Do: Thực tình, vị trí giám tuyển đã xuất hiện từ lâu nhưng chưa được nhìn nhận một cách toàn diện. Nó xuất hiện với mục đích biến triển lãm thành hiện thực, là “cầu nối” giữa nghệ sĩ và công chúng. Có lẽ đã một thời gian dài, những nghệ sĩ như mình bất đắc dĩ phải kiêm luôn vị trí giám tuyển cho chính triển lãm của bản thân. Mặc dù đó không phải là cách làm việc chuyên nghiệp nhưng ít nhiều, nó khiến cho nghệ sĩ làm chủ triển lãm của mình.
Ở Việt Nam, đây là một vị trí đòi hỏi đảm đương rất nhiều trách nhiệm, từ khâu chuẩn bị hồ sơ, kêu gọi tài trợ (mà không chắc có ai sẽ trả lương cho mình, cười) cho tới những khâu thi công, sơn tường, mi tranh hay thậm chí kiêm cả thiết kế và truyền thông cho triển lãm. Cá nhân mình nghĩ không giám tuyển nào muốn kiêm nhiều công việc như vậy cả!
Nhưng muốn hoạt động và thực hành nghệ thuật chuyên nghiệp, cần có “đất diễn”, đó chính là các không gian nghệ thuật chuyên nghiệp. May mắn là hơn 10 năm trở lại đây, đã bắt đầu có sự xuất hiện của nhiều không gian nghệ thuật hiện đại và chuyên nghiệp như Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom, Manzi, Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory và các trung tâm văn hóa nghệ thuật của sứ quán nước ngoài như L’Espace - Viện Pháp tại Hà Nội, Viện Goethe…
- Trong 1 bài viết về nghề này, Ace Lê - giám tuyển nghệ thuật hiện sinh sống và làm việc tại Singapore đã chia sẻ quan điểm: “Muốn làm một giám tuyển (đơn thuần tập hợp lại một số lượng tranh rồi bày triển lãm) vốn rất dễ, mà muốn làm một giám tuyển bài bản thì không đơn giản. Một giám tuyển tốt là một giám tuyển không chỉ bài bản, mà còn phải có đạo đức, bởi những quyết định tuyển chọn của họ sẽ có ảnh hưởng lớn tới lý lịch nghệ sỹ và tác phẩm – một con dấu từ giới chuyên môn – kéo theo đó là những định giá ở gallery và sàn đấu giá!”. Bạn nghĩ sao về quan điểm này?
- Họa sĩ Vu Do: Mình đồng tình với quan điểm này. Mình tin rằng, giám tuyển nào cũng muốn triển lãm của mình được nhiều người biết đến, để lại dấu ấn trong lòng khán giả và lan tỏa lý tưởng nghệ thuật mà mình đã gửi gắm trong triển lãm. Tuy nhiên, yếu tố đạo đức trong nghề nghiệp cần được đề cao! Giám tuyển sẽ là người quyết định cái gì xứng đáng được biết đến, được trân trọng. Điều mình mong muốn nhất có lẽ là sự đa dạng hơn trong phong cách giám tuyển. Mỗi giám tuyển sẽ có một chủ đề thế mạnh theo hướng mình nghiên cứu.
Hiện tại, có lẽ các chủ đề nghệ thuật đương đại mang tính thể nghiệm, trừu tượng đang chiếm ưu thế. Nhưng mình tin rằng, vẫn còn rất nhiều phong cách, xu thế khác cần được khai thác như hiện thực, khảo cổ hay bảo tồn, bảo tàng.
Theo mình yếu tố quan trọng nhất của công việc giám tuyển là cầu thị, biết lắng nghe nhưng vẫn có niềm tin vào công việc nghiêm túc mà mình theo đuổi. Cứ mỗi một triển lãm, một sự kiện sẽ là bài học để hướng tới sau này!
- Ở Việt Nam, nghệ thuật nói chung và hội hoạ nói riêng chưa tiếp cận được đông đảo công chúng. Những công việc bạn đang làm và khá đa năng như hoạ sĩ, nhà giáo dục nghệ thuật, giám tuyển… góp phần tạo sự kết nối, thúc đẩy công chúng tìm đến và hiểu về nghệ thuật như thế nào?
- Họa sĩ Vu Do: Mục tiêu lớn nhất của mình là phá vỡ “bức tường khoảng cách” giữa công chúng và nghệ sĩ, để họ thấy đây cũng là một nghề chuyên nghiệp như bao nghề khác. Nghệ sĩ cũng làm việc tối thiểu 8 tiếng một ngày và thậm chí 7 ngày một tuần không ngừng nghỉ. Đây là lao động nghệ thuật chứ không chỉ làm vì đam mê!
Nghệ thuật có thể ví như đồ uống, có thứ dễ uống như nước lọc nhưng không để lại ấn tượng gì nhiều. Nhưng ta cũng có thể ví nghệ thuật như đồ uống có cồn, có người vừa xem đã thích ngay, có người phải đến lần thứ hai lần thứ ba, thậm chí chỉ khi tìm hiểu về nguồn gốc, quá trình làm ra chúng, mới thấy hứng thú và biết đâu lại trở nên… “nghiện”?
- Được biết, triển lãm Phan Kế An - Kho Tàng Ẩn Giấu (11/3 - 16/4) do bạn giám tuyển vừa khai mạc và đã tạo sức hút lớn với công chúng tại Hà Nội. Vì sao bạn lại lựa chọn khai thác và giới thiệu những di sản của hoạ sĩ Phan Kế An, mà không phải một danh hoạ nào khác?
- Họa sĩ Vu Do: Câu chuyện của mình với cụ Phan Kế An khởi nguồn do… duyên số. Mình chỉ được gặp cụ một lần duy nhất vào tháng 4 năm 2015 khi cụ còn ở căn nhà cũ trên phố Thợ Nhuộm. Ấn tượng của mình là tuy đã tuổi cao, sức yếu nhưng đôi mắt họa sĩ Phan Kế An vẫn rất sáng.
Đến năm 2020, mình được biết gia đình nghệ sĩ chuyển nhà nên ngỏ ý giúp bảo quản và hệ thống lại những kỷ vật của họa sĩ Phan Kế An để lại. Cả mình và cô Phan Mai Thanh Thúy - con gái cụ đều rất bất ngờ vô tình khám phá ra một “kho tàng” mà cụ cất giấu bấy lâu.
Cùng là một họa sĩ, mình hiểu có những tác phẩm gắn bó mà người nghệ sĩ vô cùng trân quý, không bao giờ nỡ xa rời. “Kho tàng" vẫn mãi “ẩn giấu" có lẽ cũng bởi tâm thế này, và mỗi hiện vật đều là những minh chứng của lịch sử. Vì vậy mình đã thuyết phục gia đình nghệ sĩ theo đuổi dự án. Triển lãm Phan Kế An - Kho Tàng Ẩn Giấu đã được khởi động như thế, và chỉ là bước đầu tiên trong công trình nghiên cứu về một tài năng của nghệ thuật Việt Nam thế kỷ 20.
Dù phải vượt qua rất nhiều khó khăn để đến được với sự kiện này, mình vẫn thật may mắn khi nhận được sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp từ The Painter’s Studio, Mê Tranh, chị Bebe Chan cũng như các tổ chức: Viện Pháp L'Espace tại Hà Nội, Hanoi Grapevine… Triển lãm này là thành quả của một tập thể, mình chỉ là người đặt ra mục tiêu mà thôi.
- Một trong những công việc của giám tuyển là kể câu chuyện xâu chuỗi về tác phẩm. Nếu phải kể tóm tắt “câu chuyện về những di sản Phan Kế An” có mặt tại triển lãm, để thu hút người xem, giúp họ hiểu và đánh giá đúng tầm vóc của sự kiện, bạn sẽ nói gì?
- Họa sĩ Vu Do: Triển lãm này không chỉ giới thiệu những tác phẩm chưa từng được công bố của nghệ sĩ Phan Kế An mà qua đó, mình muốn cho mọi người thấy một cách tiếp cận mới về bảo tồn và kế thừa di sản nghệ thuật. Đây sẽ là “cây cầu nối” với thế hệ trước, từ quá khứ tới hiện tại và tương lai. Và biết đâu, ngoài kia vẫn còn rất nhiều di sản quý giá từ các nghệ sĩ cần được đưa tới công chúng, là nỗi đau đáu của gia đình họ? Mình luôn sẵn lòng tiếp nối con đường bảo tồn những di sản lớn lao này!
- Và nếu để chọn, 3 tác phẩm mà bạn yêu thích nhất tại triển lãm này là gì? Vì sao?
- Họa sĩ Vu Do: Nếu nói là 3 tác phẩm thì có lẽ không đủ nên mình xin chọn 3 nhóm tác phẩm. Mình tin rằng tới triển lãm mỗi người sẽ tìm ra được những điểm thú vị riêng. Nhóm thứ nhất là những tác phẩm “in progress” - còn dang dở. Những tác phẩm sơn mài hoàn thiện thì nhiều, nhưng bức tranh còn dang dở vô cùng hiếm! Chúng là vật chứng giúp mình tìm hiểu về quá khứ. Thông qua đó, ta có thể thấy được những suy nghĩ, trăn trở mà nghệ sĩ đã trải qua trong hành trình làm ra tác phẩm.
Thứ 2 là nhóm các bài tập nghiên cứu tại Viện Hàn Lâm Mỹ Thuật Repin. Có lẽ vì cũng được đào tạo theo kiểu hàn lâm nên mình luôn có sự đồng cảm và ngưỡng mộ đối với các “bậc đàn anh”. Quả thật, những tác phẩm này thể hiện kiến thức chắc chắn về giải phẫu học, nét bút vững vàng, điêu luyện nhưng rất tự nhiên và giàu cảm xúc.
Thứ 3 là chùm tranh kí họa vui của nghệ sĩ. Mình đã rất tò mò khi được nghe câu chuyện cô Thúy kể về những người bạn của cụ - một thế hệ mà chúng ta thường chỉ được nghe tên trong sách giáo khoa như nhà văn Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Kim Lân, nhạc sĩ Văn Cao…
Khi được chạm vào tận tay những bức tranh hóm hỉnh, mình như được “du hành thời gian” quay lại những năm 40-50 của thế kỷ trước. Và tuy nét vẽ đã có những cách điệu nhưng vẫn thể hiện rất tài tình thần thái, khí chất của nhân vật như cô Anh Thơ, ông Nguyên Hồng tóc lơ phơ, ông Nguyễn Công Hoan râu ria xồm xoàm. Nhóm tác phẩm cũng có kí hoạ những nhân vật lịch sử như đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt…
Lúc đấy mình chỉ nghĩ, sẽ thật ích kỉ nếu mình là người duy nhất được xem những tác phẩm này, những bạn thế hệ mình chắc hẳn rất tò mò về thế giới văn nghệ sĩ ngày xưa! Và đó là lý do, mình cùng những người bạn đồng hành, các đơn vị tổ chức đã, đang nỗ lực mỗi ngày để đưa “Kho Tàng Ẩn Giấu” đến với công chúng, cùng với đó là buổi tọa đàm diễn ra vào 9 - 11h ngày 13/3, hứa hẹn mang tới những góc nhìn, chia sẻ, quan điểm về di sản nghệ thuật tới đông đảo người yêu và quan tâm. Cứ như vậy, cùng nhau, chúng ta sẽ đưa giá trị nghệ thuật Việt Nam vươn xa hơn nữa!
Cám ơn Vu Do về những chia sẻ và chúc bạn sẽ luôn vững vàng trên con đường bảo tồn di sản đầy tâm huyết của mình!