Khám phá phong tục ngày Rằm tháng 7 của các nước châu Á
- Lệ Nguyễn
- Đăng lúc: Thứ tư, 10/08/2022 16:50 (GMT +7)
Dù cùng xem trọng ngày rằm tháng 7, Việt Nam và các quốc gia theo truyền thống Phật giáo tại châu Á lại có các phong tục và nghi thức riêng biệt.
Nội dung chính
Những quốc gia theo truyền thống Phật giáo như Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc…đều có tập tục cúng "tháng cô hồn" với những phong tục và nghi thức riêng.
1. Rằm tháng 7 ở Trung Quốc
Thông thường, các Phật tử ở Trung Hoa tổ chức Rằm tháng 7 từ ngày đầu tháng 7 cho đến hết ngày 30, ngày cúng có thể được lựa chọn sao cho hợp lý. Có nơi người dân cho rằng, ban đêm sau khi đã đón được linh hồn tổ tiên về nhà thì ban ngày phải dâng lễ cúng ba bữa, từ mùng 1 tới hết tháng, mỗi lần dâng lễ đều phải đốt tiền vàng quần áo.
Ngoài ra, họ còn tới những ngôi chùa lớn và phát gạo cho người nghèo, đốt giấy tiền, vàng mã để cúng cho người quá cố, cầu nguyện cho các vong linh đã quá vãng, cho những vong hồn đang bị đói khát giày vò nơi cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ được ấm no, an lành.
Vào dịp này, người dân Trung Quốc cũng thường tổ chức các lễ hội quần chúng như: Hungry Ghost Festival (Lễ hội ma đói) hay Zhongyuan Festival hoặc Yulanpen Festival .
2. Rằm tháng 7 ở Nhật Bản
Tại Nhật Bản, rằm tháng 7 qua nhiều đời đã dần mang thêm nét nghĩa mới: trở thành dịp để gia đình đoàn tụ. Vào dịp này, những người đi làm ở xa cũng sẽ quay về nhà để cả đại gia đình thăm viếng mộ tổ tiên.
Nhiều hoạt động tín ngưỡng được người Nhật tổ chức để kỷ niệm lễ hội này. Một trong số đó là lễ dâng lửa để soi đường cho linh hồn của những người đã khuất quay trở về trời. Tại lễ dâng lửa, 5 đám lửa lớn sẽ được đốt trên 5 ngọn núi xung quanh Kyoto trong khoảng 1 giờ, đi kèm với các hoạt động văn hóa như múa truyền thống, cầu nguyện.
Ngoài ra người Nhật còn tổ chức lễ hội Obon (ngày của người chết) với vũ điệu Bon Odori nét đặc sắc. Tương truyền vũ điệu này bắt nguồn từ câu chuyện của Phật tử Mokuren. Ông đã cầu xin Phật Tổ giải thoát cho người mẹ quá cố của mình khỏi kiếp đày đọa dưới địa ngục. Cảm kích trước sự giúp đỡ của Phật Tổ, ông đã nhảy múa một cách vui mừng khi mẹ mình được cứu. Điệu múa Bon Odori bắt nguồn từ đó mà thành.
Rằm tháng 7 cũng là dịp để người Nhật cũng bày tỏ những ước nguyện của mình với gia tiên đã khuất. Người ta viết ước nguyện ra giấy rồi treo lên cây trúc với hy vọng điều ước đó sẽ trở thành hiện thực.
3. Rằm tháng 7 ở Hàn Quốc
Cũng giống như các quốc gia chịu ảnh hưởng của đạo Phật trong khu vực châu Á, Hàn Quốc ấn định ngày Rằm tháng 7 hàng năm là ngày để mọi người tri ân cha mẹ. Tuy nhiên có một điểm khác biệt là ở những vùng nông thôn Hàn Quốc, Rằm tháng 7 còn được gọi là "ngày rửa liềm" cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Vào "ngày rửa liềm", người Hàn tổ chức lễ hội Baekjung. Đây cũng là tài sản văn hóa phi vật thể được họ coi trọng, giữ gìn. Cũng vì thế mà Rằm tháng 7 với người Hàn mang ý nghĩa sinh hoạt văn hóa nông nghiệp nhiều hơn là tính tâm linh, báo hiếu.
4. Rằm tháng 7 ở Singapore
Phong tục ngày Rằm tháng 7 vẫn được gìn giữ trong cộng đồng người Hoa ở Singapore. Trong thời gian này, người dân thường làm cơm cúng, đốt tiền vàng, đi lễ chùa, làm nhiều việc thiện. Đặc biệt, người Singapore còn kiêng kỵ những điều mang tính tâm linh như không huýt sáo, chụp ảnh, treo quần áo bên ngoài nhà hay đi ngoài đường ban đêm trong tháng 7 Âm lịch.
Những buổi văn nghệ quần chúng là nét văn hóa nổi bật trong dịp lễ này. Các sân khấu dựng tạm là nơi để các ca sĩ, vũ công nghiệp dư biểu diễn. Tiền dựng rạp và thuê người biểu diễn sẽ do người dân địa phương cùng nhau quyên góp.