Lâm Gia Khang House: Tối giản triển lãm tâm hồn
- Hoàng Hồng
- Đăng lúc: Thứ tư, 05/07/2023 15:11 (GMT +7)
Khi Lâm Gia Khang nhận căn hộ hiện tại, nó là một mặt sàn trắng trơn nhiều góc cạnh. Cuộc chơi của Khang với không gian và nội thất bắt đầu từ đây.
Căn hộ Lâm Gia Khang ở được bố trí theo đúng tinh thần của những bộ sưu tập áo quần mang thương hiệu Gia Studio: Trung tính (Neutral) và Tối giản (Minimal). Một không gian chỉ có trắng và beige với bảng sắc độ đậm nhạt phong phú đứng cạnh nhau vừa chủ đích lại vừa ngẫu hứng; vừa làm nền cho nhau, nhấn nhá nhau, hòa vào nhau, vừa giữ một khoảng cách vừa đủ để biệt lập hóa chính mình như cách hai vũ công tương tác trong một điệu tango criollo cổ điển.
Đến cả cái nắng nhiệt đới tràn qua lớp tường kính có tấm rèm roman màu xám mà ngả lưng rón rén lên bộ sofa Wendelbo màu kem êm ái cũng cơ hồ trút bỏ những gay gắt ngoài trời mà trở nên nền tính hơn.
Không gian này đích thị của Khang. Ngăn nắp một cách không cố gắng và trống trải một vẻ đầy dụng ý.
“Tôi muốn một căn nhà mà mỗi khi đi làm về được giải phóng con mắt khỏi những chằng chịt nhà cửa, đường xá, xe cộ bề bộn gạch ngang gạch dọc rối rắm bằng những điều mạch lạc, trật tự, tối giản. Không gian càng ít đồ mới có chỗ để tôi trải cảm xúc của mình ra mà thư giãn.”, Lâm Gia Khang nói.
Tôi thích 1 căn nhà trống trơn và tôi chơi với nội thất của mình
Phòng khách nhà Lâm Gia Khang là một không gian kết hợp của nấu ăn, đọc sách, nghe nhạc và nghỉ ngơi. Không gian đa năng nhưng đồ đạc được tiết chế và giảm thiểu đến cực đoan. Một chiếc bếp sạch đến soi gương được với duy nhất chiếc ấm đun nước đặt trên bệ đá. Một bàn đảo bếp mix giữa bồn rửa và bàn ăn và khi cần có thể biến thành quầy bar. Toàn bộ tủ lạnh, tủ đựng ly chén, lò nướng, xoong chảo, máy rửa bát.. được thiết kế giấu âm tường bằng hệ tủ nhiều ngăn kín đáo. Căn bếp khiến nhiều người hiểu lầm về chủ nhân, rằng nó chỉ tồn tại như một bối cảnh trang trí. Kỳ thực, Lâm Gia Khang nấu ăn hằng ngày và vẫn thường mở những bữa tiệc buffet cho bạn bè thân thiết về tụ tập cuối tuần. Nhưng sau đó là phải trống.
Khang đề cao sự trống. Anh không thích gian bếp bừa bộn, cảm thấy khó thư giãn. Ở đây, không hẳn chỉ là sự thư giãn thị giác. Nó còn là sự tương ứng giữa bối cảnh và tâm thức, như thể nếu không gian anh tương tác quá bộn bề, tâm trí anh khó có thể ngăn nắp, mạch lạc được.
Tất nhiên, sự trống của Khang vẫn phải đi kèm tiện nghi và tiện dụng. Đồ nấu bếp phải đủ. Giấu chúng ở đâu, đặt ở vị trí nào thì thuận lợi cho sinh hoạt đòi hỏi phải có sự tính toán. Gian bếp này, cùng với giường ngủ có lẽ là sự tính toán hiếm hoi trong tổng thể sắp đặt nội thất căn nhà.
Những thứ còn lại đều là cuộc chơi của xúc cảm.
Chiếc lò sưởi giả bị xem là vô lý khi đặt giữa Sài Gòn đô hội quanh năm nắng nóng nhưng với Khang thì nó rất hợp tình. Một cái sofa Đan Mạch vài trăm triệu tinh tế nhất mực tưởng là không thể hòa nhập được với khúc gỗ mộc làm kệ để đèn nhưng lại bổ sung cho nhau đầy ăn ý. Những bức tường xéo xọ, nhiều gấp khúc, không có chỗ nào đủ vuông vắn lại trở thành những góc trốn của tâm trạng, nơi có thể đặt vào 1 cái cây làm điểm dừng chân của suy tư, hay đặt 1 cái kệ sách với máy nghe nhạc để âm thanh va chạm vào những mảng cong trước khi tỏa đi khắp căn nhà.
Và cũng chỉ có bấy nhiêu đồ đạc, nếu không kể 1 chiếc bình hoa cắm vội vài nhánh lá lưa thưa nhàn nhạt mua ở tiệm hoa lúc đêm muộn cùng dăm ba món đồ trang trí không đáng kể. Những bức tường hoàn toàn trống trơn. Mọi đồ đạc đều di động, như thể chúng tự chọn vị trí của mình, lặng lẽ tư lự, thay vì sống cuộc đời bị cột chặt bằng đinh vít vào nhau.
Hoàn toàn không chủ đích, nhưng các món đồ nội thất Lâm Gia Khang chọn mua về vừa “match” được với nhau lại vừa đảm bảo một cuộc đời biệt lập, không phụ thuộc vào sự tồn tại của đối phương. Với Khang, đó là “neutral”. Triết lý trung tính không nằm ở chỗ ba phải, lưng chừng, dĩ hòa vi quý, mà nằm ở sự trung dung, cân bằng, không phải cố gắng gồng mình lên để nhập điệu, vẫn giữ được bản thể của mình mà vẫn hòa hợp với tổng thể, không tách biệt lạc lõng.
“Sống trong một cái nhà, tôi muốn mọi đồ đạc phải di chuyển được. Mỗi ngày tôi chơi với cái nhà của mình, chuyển cái này qua cái kia, thay cái này bằng cái khác, như lên đồ vậy, phối cái này với cái nọ theo cảm xúc. Tôi muốn căn nhà của mình vừa là nơi thân thuộc vừa không ngừng đổi thay, tươi mới. Cũng như người tình, nếu không thể làm mới trong mắt nhau thì cũng sớm cảm thấy nhau nhàm chán.
Kiến trúc sư từng nói với tôi, nếu tôi làm thế này thì không bền, dễ hư, khó lau dọn. Tôi bảo ồ tôi không cần bền, hư tôi sẽ sửa, bẩn tôi chấp nhận dọn dẹp hay sơn lại. Tôi không mong đợi một cái nhà mà mình sống hoài mấy chục năm bền vững không thay đổi gì và đồ đạc cứ đầy ăm ắp lên theo từng năm.
Nếu cứ tuân thủ theo kiến trúc sư thì là tôi đang giao cuộc sống của tôi cho họ, tôi phải sửa mình để đặt vào không gian có sẵn do họ vẽ nên. Không, tôi thích một ngôi nhà trống trơn và tôi chơi với nội thất của mình. Tôi thích những gì tối giản để luôn được lấp đầy cảm xúc.”
Cái đẹp là không hoàn hảo
Trong nhà Lâm Gia Khang, gần như không món đồ nào có đôi có cặp. Lẽ đơn giản, chúng không được sắm vào cùng thời điểm, tại cùng một nơi và bằng cùng một tâm trạng.
Khang có thói quen bất kỳ khi nào thấy cái gì hay thì nhặt về. Anh chọn ngẫu nhiên và ngẫu hứng, hoàn toàn cảm tính, không có tính toán gì. Có cái rất vintage, có cái là đồ cổ, có cái lại đậm chất Bắc Âu đương đại. Chén đĩa trong nhà anh cùng lắm giống nhau hai chiếc, một tủ ly là những chiếc ly hoàn toàn khác nhau. Mỗi chiếc ghế là một câu chuyện riêng và rất nhiều khi được Khang chọn chỉ vì câu chuyện đằng sau của nó. Vì thế, mọi món đồ trong nhà anh đều sống đời độc lập. Nhưng khi đặt cạnh nhau, chúng “match” lạ lùng. “Bởi vì cảm xúc của mình là con người bên trong mình, luôn luôn nhất quán.”, Khang nói.
Khang thích bày những bữa tiệc với những chiếc chén đĩa ly không đồng bộ đó, kê những cái ghế “cọc cạch” cạnh nhau và quây quần cùng những người bạn thân thiết, đứng ngồi trò chuyện.
“Tôi không tính toán, có thể tính toán thì sẽ hợp hơn đấy nhưng nó sẽ rất công nghiệp và không có hồn. Cái đẹp là phải hồn nhiên, không cần gắng gượng, không đại trà. Cái đẹp không có khuôn mẫu hay tiêu chuẩn nào cả. Cái đẹp là không hoàn hảo và đầy cảm xúc.”
Chứ không phải cái đẹp luôn có tiêu chuẩn xác định sao?Tôi không đồng ý như vậy. Xấu hay đẹp là khái niệm rất lưng chừng. Đẹp với người này có thể là xấu với người khác. Nên không có cái đẹp đại diện. Trong thời trang cũng vậy, tôi không ủng hộ dùng một người nổi tiếng đại diện cho sản phẩm đó. Anh chỉ có thể là người đại diện mang sản phẩm đó tới người tiêu dùng chứ không thể là đại diện cho cái đẹp. Cái đẹp là đa dạng. Tôi thường chọn những model có vẻ đẹp khác biệt để truyền tải thông điệp rằng ai cũng đẹp theo cách của riêng mình. Nhưng dù sao ngay cả cái đẹp khác biệt cũng cần một tiêu chuẩn, để phân biệt nó với cái xấu, dù ở khía cạnh trung tính nhất.Đúng, có những cái thuộc về khuôn mẫu và tỷ lệ thì cần tuân theo. Nếu thời trang mà không tuân theo khuôn mẫu cơ bản thì tôi đã không thể phát triển công việc của mình. Trong nội thất cũng vậy, tôi cân bằng giữa tiêu chuẩn và sáng tạo để đảm bảo tính “Neutral”, trung tính, cân bằng. Không phải sao cũng được. Sao cũng được là cẩu thả. Chiếc ghế Wendelbo là tiêu chuẩn, cái bếp là tiêu chuẩn, những thứ xung quanh đó là sáng tạo. Những cái tiêu chuẩn thường bị chìm đi và khó thấy nhưng là nền tảng để sáng tạo. Đó là lý do mà tôi vẫn cần kiến trúc sư để tư vấn cho mình về tiêu chuẩn.
Thực ra, bản thân hai chữ “Minimal” và “Neutral” vốn đã bao gồm hai yếu tố tiêu chuẩn và phi tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn nằm ở sự vi tế và tiết chế trong từng chi tiết, ở quy tắc bảng màu nghiêm ngặt mà chỉ cần quá tay là bước qua ranh giới mỏng manh của tính trung dung. Nhưng phi tiêu chuẩn nằm ở chỗ có Minimal và Neutral tạo ra quá nhiều khoảng trống để người sáng tạo được thỏa sức thể nghiệm với cảm xúc và ý tưởng. Một người theo đuổi Minimal và Neutral như Lâm Gia Khang tất nhiên luôn biết làm gì với những khoảng trống.
Như cách anh chơi với căn phòng ngủ của mình. Một nơi chỉ để ngủ theo đúng nghĩa đen. Không đồ trang trí, không tranh ảnh, không tủ quần áo, không bàn không kệ. Chỉ có một cái nệm, 1 chiếc tivi và 1 cái đèn, vẫn trên nền sơn trắng và rèm cửa màu xám nhạt.
Cái nệm nằm giữa căn phòng và áp sát với những ô tường kính, được “drap” kỹ càng mềm mại và trắng dịu như một đám mây bồng bềnh. Khang cũng gọi cái nệm là đám mây. “Đám mây” có kích thước 2,4x2,4m, cao 0,7m, gồm nhiều lớp đệm mút chồng lên nhau với lớp trên cùng là lông ngỗng trước khi phủ thêm tấm ga lót và bọc thêm ga phủ. Từng lớp nệm được Lâm Gia Khang tính rất kỹ sao cho lưng được thẳng nhất và dễ chịu nhất khi nằm. Ga gối mền cũng được anh dùng loại cotton có sợi tốt dày, độ mịn cao, cấp ẩm cho da và tóc. Khang drap giường mỗi ngày bằng tay, chỉn chu, kỹ càng, với quan niệm giường là nơi mình dành 1/3 cuộc đời cho nó.
Chiếc giường đám mây là sản phẩm của tính toán. Nhưng như Khang nói “tính toán là để chiều chuộng cảm xúc của mình chứ không phải để thay đổi cảm xúc của mình.” Nằm trên “đám mây”, ở vị trí nào Khang cũng nhìn thấy bầu trời xanh qua ô kính, ngắm trăng lên, sao rơi, những ô cửa sáng đèn lốm đốm cuối cùng trong ngày hay những tia nắng đầu tiên của ngày mới.
“Tôi không dùng rèm vải trong phòng ngủ vì tôi không thích ngủ trong bóng tối và thức dậy bởi đồng hồ báo thức, cảm giác rất thụ động. Tôi muốn thức dậy một cách tự nhiên khi đồng hồ sinh học của mình được kích hoạt vận hành bởi ánh sáng như cây cỏ. Do đó tôi dùng rèm roman xám có tông đậm hơn chút so với phòng khách. Khi ngủ, tôi thường kéo rèm lên và ban ngày thì hạ rèm xuống. Lớp rèm đủ mỏng để ánh nắng vẫn xuyên qua nhắc nhở mình về từng thời khắc trôi qua trong ngày, đủ dày để đảm bảo sự riêng tư, đủ trong để giữ mình và không gian ngoài ô cửa không xa cách nhau nhưng cũng không lộ liễu trước nhau. Đó cũng là một kiểu Neutral.”
Trong nhà của Lâm Gia Khang có một chiếc bảng "moodboard” gắn ở phòng thay đồ. Tấm bảng ghim ngổn ngang những bức hình, những mẩu giấy note không theo một chủ đề nào. Nó làm nhiệm vụ như cuốn nhật ký cảm xúc, lưu giữ từng nốt buồn nốt vui nốt thăng hoa nốt giận dữ và cả những nốt trống rỗng trong tâm trí. Với một người làm nghệ thuật như Khang, cảm xúc là lẽ sống. Nếu như không thể nhận diện được cảm xúc của mình thì đó là lúc không thể sáng tạo.
Nhưng tấm mood board kia chỉ là vật hữu hình nhỏ bé nằm trong một tấm mood board siêu hình lớn hơn, đó là căn hộ rộng hơn 100m² này. Nơi không gian của sắc thái trung tính và hình thái tối giản ấy, Lâm Gia Khang phác họa những cung bậc khác nhau của xúc cảm và ghim chúng lên, trần trụi hiển lộ qua từng chiếc ghế chiếc bàn và những khoảng trống mang dụng ý, thật thà không che đậy.