Lấy chồng sớm, liệu lời ru có buồn!?

Lấy chồng - hay kết hôn là một lựa chọn vô cùng quan trọng của cuộc đời một con người. Vậy thời điểm nào kết hôn là “chuẩn”.

Giữa thời đại thế giới ngày càng “phẳng”, internet lên ngôi và ai ai cũng dễ dàng truy cập, chị em phụ nữ có điều kiện để biết rằng: ngoài kia, còn nhiều thứ thú vị chờ mình khám phá, rằng mình có nhiều lựa chọn khác bên cạnh lối sống truyền thống mà các bà, các mẹ chỉ cho ta từ tấm bé: “Đàn bà phải lấy chồng”, “Tìm cho mình một chỗ dựa vững chắc”, “Lấy sớm đi mà còn đẻ”.

Thế thì lấy chồng sớm có phải là một lựa chọn tốt.

Trải nghiệm của tôi cho thấy là không!

Kết hôn là sự lựa chọn quan trọng của cuộc đời con người.

Thực ra tôi lấy chồng không phải quá sớm so với độ tuổi trung bình của xã hội Việt Nam. Độ tuổi kết hôn trung bình ở nước ta là 24.6 tuổi. Tôi lấy chồng năm 24. Vậy, nguyên do tại sao tôi cho rằng mình đã kết hôn sớm. Bởi lúc đó, bản thân tôi chưa sẵn sàng để bước vào một cuộc sống gia đình với nhiều cam kết.

Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc do quan hệ nuôi dưỡng làm phát sinh các nghĩa vụ và quyền giữa họ với nhau”. Vậy, bạn đã sẵn sàng để cam kết với những nghĩa vụ phát sinh sau đám cưới, đặc biệt là ở một đất nước châu Á rất giàu truyền thống coi trọng gia đình và hướng về gia đình.

Sự “sẵn sàng” ở đây đến từ việc bạn hiểu được tình huống mà mình đang hướng tới là gì, hiểu người bạn đời mà bạn lựa chọn, hiểu gia đình của anh ấy và cách sống của họ. Thứ hai, sự “sẵn sàng” đến từ chính nội tại bên trong bạn, liệu bạn đã có sự chuẩn bị đủ cho chính bản thân mình để bước vào cuộc sống hôn nhân?

Lấy chồng sớm, liệu lời ru có buồn!!? Quan điểm của tôi là có!

Tôi đã thiếu sự “sẵn sàng” hoàn toàn ở cả hai mặt đó rồi vấp phải một cú ngã đau điếng. Và phải nói thật, ly hôn là lựa chọn tốt hơn lựa chọn ở lại đối với tôi tại thời điểm đó. Nhưng khi bạn làm một việc có chút khác biệt với định kiến xã hội như bỏ vợ, bỏ chồng, nó thực sự mang lại không ít phiền toái. Và tất nhiên, chọn cho tốt từ đầu để không dẫn đến đổ vỡ vẫn ổn hơn rất nhiều.

Có một sai lầm tôi đã vấp phải, từ một trong những quy chuẩn mà tôi được dạy từ bé “Con gái phải giữ giá”. Đó là lý do tôi đã không tới tìm hiểu gia đình chồng tương lai của mình trước khi cưới, mà chỉ sau khi tôi và bạn trai quyết định tiến tới, thông báo với tất cả mọi người, chúng tôi đến thăm nhà nhau. Ngay tại thời điểm đó, tôi đã cảm thấy một sự khoảng cách lớn, nhưng đã không đủ dũng cảm thay đổi hay trì hoãn để mình có thêm thời gian suy nghĩ.

Người cũ của tôi có thể gọi là “thanh mai trúc mã” khi chúng tôi duy trì mối quan hệ từ những năm trung học. Rất tiếc, thời gian quen nhau dài không có nghĩa là bạn hiểu nhau đủ sâu. Mối quan hệ không có đủ thời gian gần nhau để chia sẻ, cũng như nghiêm túc cân đo đong đếm những yếu tố “lý trí” bên cạnh những yếu tố “tình cảm”. 

“Chúng ta sẽ quản lý tài chính ra sao”,

“Chúng ta có muốn có con không và kế hoạch sinh con như thế nào?”, 

"Chồng/vợ, con, sự nghiệp, bố mẹ, bạn bè-Thứ tự ưu tiên của bạn đời ra sao?",

“Ở chung hay riêng có quan trọng hay không?”,

“Anh có đồng ý cho vợ mình có nhiều mối quan hệ rộng rãi ở cơ quan”,

“Em muốn là một người phụ nữ có sự nghiệp riêng hay tập trung cho việc nội trợ”,

“Bạn đời của mình có phải là người cần có không gian riêng và yêu cầu sự tự do riêng cho bản thân?”,

“Bạn coi cuộc sống hôn nhân chỉ có hai người hay yêu cầu bạn đời phải thân thiết và có mối quan hệ tốt với tất cả họ hàng, gia đình của bạn”,

“Anh và em sẵn sàng điều chỉnh đến giới hạn nào để cân bằng được sự khác biệt của chúng ta”

Tất cả những điều đó đã không được xem xét, điều duy nhất được xem xét đó là: “Mình có người yêu, đến tuổi lấy chồng, và cưới”.

Những cuộc đối thoại "lý trí" là cần thiết trước khi bước vào hôn nhân.

Một câu chuyện quan trọng không kém sự phù hợp, đó là bản thân mình đã thực sự muốn và chuẩn bị đủ để lấy chồng hay chưa. Rõ ràng, đó là một thay đổi lớn khi chuyển từ trạng thái độc thân sang trạng thái kết hôn.

Bạn có đủ độ vững về kinh tế để có nền tảng tốt cho cuộc sống gia đình.

Bạn đã sẵn sàng sống với người chồng của bạn thời gian 50 năm nữa và chia sẻ với anh ta mọi thứ từ nghĩa vụ tới quyền lợi?

Bạn có một gia đình nhỏ, hai gia đình lớn hơn và bốn dòng họ hai bên để có những trách nhiệm trong cuộc sống, ít nhất là trong những ngày lễ đặc biệt.

Nếu ở chung với bố mẹ chồng, bạn sẽ ăn cơm cùng hai người lạ và phải làm quen với một lối sống hoàn toàn khác so với lối sống bạn đã quen từ bé.

Bạn sẽ chuẩn bị để làm bố mẹ, hoặc nếu chưa muốn có con, bạn sẽ đối mặt với lời giục giã, dò hỏi của rất nhiều người từ thân tới không thân.

Bạn chỉ có một cơ thể đó, một sức lực đó, vậy, để thực hiện các nghĩa vụ, bạn sẽ phải hy sinh một số thói quen, mục tiêu khác như sự nghiệp, mối quan hệ bạn bè, thời gian cho bản thân,…

Còn nếu bạn quyết tâm muốn giữ bản sắc cho riêng mình, thì liệu bạn có đủ sức khỏe và sự mạnh mẽ về tinh thần để quyết xây dựng một cách sống riêng khác biệt, đối diện với những lời nhận xét và đánh giá của người xung quanh.

Và nếu bạn chưa đạt được sự chuẩn bị và hiểu biết nhất định về những điều trên đây, thì tôi cho rằng, vẫn còn sớm để bạn lập gia đình!

Chắc chắn bạn sẽ có thêm những nghĩa vụ và trách nhiệm. Hãy tự đánh giá sức mạnh của mình cả thể chất và tinh thần đã đủ để đáp ứng!

Sự chưa sẵn sàng về mọi mặt sẽ dẫn đến những cú sốc từ nhẹ đến nặng, tùy thuộc vào độ khác biệt và giới hạn của từng người, và sẽ dẫn đến những trục trặc trong hôn nhân của bạn. Nếu đã không “biết người biết ta”, thì đừng mong “trăm trận trăm thắng”.

Vâng, đối với tôi, “lấy chồng sớm lời ru thêm buồn” là có thật. Nhưng thế nào là sớm thì tùy vào mỗi người, và chúng ta cần tự nhìn nhận lại chính mình và mối quan hệ của mình để xác định được thời điểm phù hợp. Kết hôn cũng giống như mọi quyết định khác trong đời, đúng thời điểm là yếu tố quan trọng. Đừng quá vội vàng trong một phút giây, bởi "dục tốc" thì "bất đạt".

Kết hôn cũng giống như mọi quyết định khác trong đời, đúng thời điểm là vô cùng quan trọng.

Bài liên quan

News feed