Thời trang mì ăn liền gói trọn cả chiều dài lịch sử
- hải đường
- Đăng lúc: Thứ năm, 29/10/2020 10:13 (GMT +7)
Dù được yêu thích điên cuồng hay ghét bỏ cùng cực thì thời trang mì ăn liền đã, đang và sẽ trở thành một thứ không thể thiếu trong văn hóa đại chúng.
5 năm trở lại đây, thời trang mì ăn liền (fast fashion) đã không còn là khái niệm mới mẻ khi những thương hiệu như Zara, H&M hay Uniqlo bùng nổ thị trường, nhưng bạn có biết thời trang mì ăn liền thật sự xuất hiện từ bao giờ, liệu Zara có thật sự là người khai sinh ra cả ngành công nghiệp tỉ đô này như bạn tưởng?
Những năm 1800
Bạn có thể ngạc nhiên nhưng thời trang nhanh đã xuất hiện từ năm 1800. Trước đó, hầu hết người dân đều chỉ dùng lông cừu để lấy len và dệt vải. Khi cách mạng công nghiệp lần thứ nhất nổ ra thì các loại máy móc sản xuất vải dần dần xuất hiện. Đây là lúc ngành công nghiệp may mặc xuất hiện, quần áo được sản xuất với số lượng chứ không chỉ theo đơn đặt hàng như trước đây.
Bên cạnh những thương hiệu thời trang cao cấp dành riêng cho giới thượng lưu thì những cửa tiệm hướng tới đối tượng phụ nữ trung lưu cũng được ra đời. Các chủ doanh nghiệp sử dụng luôn nhân công địa phương giá rẻ nên phải trả chi phí khá thấp.
Dường như đây là một sự tiên đoán cho thực trạng lao động trong ngành thời trang mì ăn liền rất lâu sau này.
1900 đến 1950
Đây là thời điểm diễn ra những dấu mốc lịch sử cận đại quan trọng. Hai cuộc thế chiến, đại suy thoái tại Mỹ và rất nhiều những sự kiện khác đã ảnh hưởng đến xu hướng tiêu dùng của tất cả các tầng lớp trong thời kỳ này, đặc biệt tầng lớp trung lưu.
Quần áo được sản xuất với số lượng lớn và theo một tiêu chuẩn để có thể phục vụ nhiều mục đích nhằm tiết kiệm chi phí trong thời kỳ kinh tế eo hẹp.
1960 đến 2000
Thập niên 1960 là thời kỳ thời trang nhanh có những bước chuyển mình đáng nể. Đây là thời kỳ mà nhiều xu hướng thời trang bắt đầu và người trẻ lúc này đã khước từ cách ăn mặc truyền thống của thế hệ trước. Họ muốn thay đổi mỗi ngày. Điều này đẩy các thương hiệu may mặc phải thay đổi nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Khi các chính sách cùng giá nhân công ở Mỹ khiến giá thành sản xuất bị đẩy lên quá cao, các công ty Mỹ và Châu Âu đã tìm đường mở nhà máy tại những nước đang phát triển tại trung và đông Á, nơi giá nhân công rẻ hơn rất nhiều.
Câu hỏi được đặt ra là:Thương hiệu tiên phong kinh doanh thời trang mì ăn liền là thương hiệu nào? Một câu trả lời thật khó tìm lời đáp phù hợp. Đa số những ông trùm trong ngành thời trang mà chúng ta biết hiện tại như Zara, H&M và Topshop đều khởi nguồn từ châu Âu vào giữa thế kỳ XX rồi chính thức chinh phục “giấc mơ Mỹ” vào cuối năm 1990s.
Vào những năm 90 đầu những năm 2000 cũng đánh dấu sự giao thoa giữa thời trang cao cấp và fast fashion. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa những món đồ bình dân cùng những item cao cấp trở thành biểu tượng sành điệu của nước Mỹ.
Bên cạnh đó, sự lăng xê nhiệt tình của những KOLs như công nương Kate Middleton, cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama cũng khiến ý niệm về thời trang thật sự chuyển mình khi công chúng tin rằng sành điệu là phải diện đồ “mì ăn liền”, vì mặc đồ cao cấp mà visual xuất sắc thì không có gì lạ, mặc đồ mì ăn liền mà trở nên phong cách thì mới là khí chất đỉnh cao.
Hiện đại
Thật sự là một bước tiến lớn khi từ việc phải đến tận nơi các cửa tiệm để mua đồ, ngày nay, bạn hoàn toàn có thể ngồi tại nhà và mua sắm tất cả những gì mình muốn.
Thời trang mì ăn liền thật tiện dụng nhưng có rất nhiều vấn dề mà chúng ta buộc phải thừa nhận như mức lương vô cùng thấp tại các nhà máy sản xuất, lao động trẻ em, điều kiện làm việc, ô nhiễm môi trường là thực trạng đáng báo động của ngành công nghiệp tỉ đô này.
Xu hướng mới
Đứng trước sự tẩy chay của những người bảo vệ môi trường, các hãng thời trang mì ăn liền dần dần ý thức được việc họ cần phải thay đổi để thích nghi với tâm lí và hành vi tiêu dùng mới. Thời trang bền vững (sustainable fashion hay eco-fashion) đã trở thành một giải pháp mà rất nhiều tín đồ thời trang lựa chọn và là đích đến để các thương hiệu chuyển mình. Sự bền vững của xu hướng thời trang này nằm ở tất cả các khâu từ quy trình chọn nguyên liệu, sản xuất, truyền thông và phân phối. Một thương hiệu được gọi là bền vững khi họ lựa chọn những nguyên liệu hữu cơ, chất liệu tái chế hoặc thân thiện với môi trường như linen, bông tự nhiên hay tơ tằm để gia tăng tính ứng dụng linh hoạt và làm giảm thiểu sự lãng phí tài nguyên trong quá trình sản xuất.
Bên cạnh đó, vấn đề nhân công cũng được chú trọng, các chính sách đãi ngộ và điều kiện làm việc cũng được cải thiện đáng kể. Những ông lớn trong làng thời trang dù còn chậm nhưng đã chấp nhận thay đổi để hướng tới đối tượng khách hàng mới khó tính và nhiều sự lựa chọn hơn.