Ngôi trường gỗ giữa rừng để dạy trẻ nhỏ biết trân trọng rừng và môi trường
- Thùy Linh
- Đăng lúc: Thứ năm, 29/07/2021 19:26 (GMT +7)
Ngôi trường gỗ này là dự án của Vườn ươm Quốc gia Hàn Quốc. Ngôi trường là không gian giáo dục trẻ em về tầm quan trọng của rừng và môi trường sinh thái.
Vườn ươm Quốc gia Hàn Quốc là một vườn ươm hơn 500 năm tuổi nằm ở thành phố Pocheon của tỉnh Gyeonggi, thường được gọi là "Rừng Gwangneung", nơi đây tự hào được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
“Korea National Arboretum Children's Forest School” là dự án của Vườn ươm Quốc gia Hàn Quốc do GEEUMPLUS thiết kế. Công trình được sử dụng như một không gian giáo dục và tuyên truyền đến trẻ em về tầm quan trọng của rừng và môi trường sinh thái một cách nhẹ nhàng, gần gũi, thông qua không gian bên trong ngôi trường cũng như các hoạt động triển lãm ngoài trời.
Ý tưởng kiến trúc dựa trên thiết kế sinh học trong đó thiên nhiên, hệ sinh thái và kiến trúc cùng tồn tại. Điểm khởi đầu quan trọng của dự án này là đảm bảo sự hài hòa giữa ngôi trường và cây cối hiện hữu xung quanh. KTS trưởng Seonghun Kim cho biết: “Chúng tôi bảo tồn những cây linh sam, cây bách cổ thụ và bố trí công trình xung quanh những cây này. Vì vậy, nó được bao quanh bởi cây cối quanh năm tươi tốt, đồng thời mở ra dòng suối ở phía Đông của khu đất, nơi mọi người có thể ngắm nhìn cảnh đẹp chuyển động một cách tự nhiên”.
Ngoài việc phối hợp hài hòa với các loài cây sẵn có trong Vườn ươm Quốc gia thì ý tưởng thiết kế kiến trúc chính là sự cấu tạo của không gian thông qua các mô-đun hình tổ ong (hình lục giác). Ý nghĩa của loài ong, với tư cách là một loài côn trùng đặc biệt dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, trong hệ sinh thái là đặc biệt: Khi loài ong biến mất, thực vật tuyệt chủng vì chúng không sinh hoa kết trái, đồng thời nó cũng ảnh hưởng đến việc cung cấp oxy và cung cấp thực phẩm cho hành tinh.
Để truyền tải thông điệp về tầm quan trọng của loài ong trong hệ sinh thái và giáo dục cho trẻ em về tầm quan trọng của sự chung sống giữa các loài sinh vật đa dạng, nhóm KTS chọn hình ảnh tổ ong là “Biophilic Architecture Design” (tạm hiểu là thiết kế kiến trúc kết hợp con người với thế giới sinh vật tự nhiên). Cấu trúc tổ ong hình lục giác tượng trưng cho những con ong đóng vai trò xúc tác quan trọng trong hệ sinh thái, đồng thời nuôi dưỡng “trí tưởng tượng sinh thái” của trẻ em thông qua các mô-đun hình lục giác khác nhau.
Children's Forest School xây dựng trong rừng nên lớp hoàn thiện bên ngoài là một “kênh chịu nhiệt” thân thiện với môi trường, kích thước chiều cao của nó cũng hài hòa với cây cối xung quanh. Các khung cửa sổ, mái che và máng xối nước tạo ra bầu không khí phù hợp với kênh chịu nhiệt thông qua tấm thép in độ phân giải cao có hoa văn bằng gỗ của Posco C&C (PosART). Ngoài ra, tấm thép in hoa văn gỗ này được sử dụng bên trong và nó đại diện cho các chủ đề khác nhau của rừng và hệ sinh thái.
Không gian ngoài trời của Children's Forest School sẽ có các chủ đề khác nhau, bao gồm:
- Outdoor stage: Là không gian thiết kế với nhiều “tổ ong” bố trí tập trung trở thành không gian sân khấu ngoài trời. Tại đây,các bé có thể ngồi xem các buổi biểu diễn và đây sẽ trở thành một lớp học mở với thiên nhiên.
- Rain Garden: Một không gian của khái niệm tái chế và tiếp nhận nước mưa qua độ dốc của mái nhà, cho phép trẻ em các yếu tố khám phá sinh động các khía cạnh giáo dục của tài nguyên tái chế, máng xối tổ ong,...
- Kitchen Garden: Một không gian trải nghiệm giúp kích thích và đánh thức các giác quan khác nhau của trẻ em bằng cách thực hiện quá trình trồng cây trực tiếp,...
Ngoài ra, Children's Forest School còn có khu vườn trên mái gồm nhiều loại vật liệu trồng cây khác nhau và khu vườn thụ phấn, nơi chúng ta có thể quan sát và thấy được môi trường sống cũng như đời sống của các loài côn trùng.
Thông tin công trình
Korea National Arboretum Children's Forest School
Diện tích: 224m²
Năm hoàn thành: 2021
Thiết kế: GEEUMPLUS
Kiến trúc sư trưởng: Seonghun Kim
Thiết kế cảnh quan: DRA Design Group
Thiết kế nội thất: MEEINT
Địa điểm: Pocheon, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc
Hình ảnh: Hoonkoo Lee