Người mẫu "gầy giơ xương": Cơn ác mộng sau vẻ đẹp phù hoa
- Hải Đường
- Đăng lúc: Thứ hai, 04/01/2021 09:40 (GMT +7)
Dù đã có nhiều nỗ lực nhưng đến thời điểm hiện tại, người mẫu "gầy giơ xương" vẫn là vấn nạn trong ngành công nghiệp thời trang.
Ăn bông gòn, nhịn ăn, gắn nhựa dưới lưỡi, uống giấm, phẫu thuật thẩm mỹ, cắt ruột là những phương án phổ biến mà giới người mẫu thường dùng để có thể sở hữu thân hình size 0 - 2, trong khi quần áo phổ thông đa số từ size 4 - 6 - 8.
Phụ nữ, áp lực vẻ đẹp khó lòng phá bỏ
Phụ nữ dù có trải qua bao nhiêu tranh đấu thì dù ít hay nhiều vẫn phải hứng chịu những định kiến về nhan sắc nhiều hơn đàn ông.
Thời Phục hưng, phụ nữ muốn được coi là đẹp là phải sở hữu vẻ đẫy đà như nàng Mona Lisa trong bức tranh huyền thoại. Đến thời kỳ vàng son những năm 60s của Hollywood, phụ nữ đẹp là ngực phải nở, mông phải to, eo phải thon. Vậy là những chiếc corset ra đời, hậu quả là nhiều chị em vì đẹp mà chấp nhận việc trải qua nỗi đau đớn dai dẳng do nội tạng bị biến dạng.
Sau đó, Kate Moss xuất hiện.
Vẻ đẹp nghiện ngập khơi nguồn cơn ác mộng thời trang
Kate Moss xuất hiện, cả thế giới say đắm và bị khuất phục trước vẻ đẹp của nàng. Một vẻ đẹp gầy gò, ốm yếu, khuôn mặt hốc hác, bộ ngực phẳng lì. Kate là người khai sinh ra vẻ đẹp "nghiện ngập" hay còn gọi là "heroin Chic".
Vì Kate mà ai cũng muốn gầy. Ăn kiêng khắc nghiệt, thuốc lá, ma túy, phẫu thuật thẩm mỹ là những gạch đầu dòng mà các người mẫu trong thời kỳ này ai cũng thuộc lòng nếu muốn bước chân lên đường băng.
Tuy nhiên, với một lịch trình làm việc kinh khủng mà ăn uống chẳng có gì, nhiều người mẫu đã quỵ ngã.
Debbie Linden, gương mặt sáng giá của làng mẫu Anh trong thập niên 90s đã được tìm thấy tử vong tại nhà do sốc thuốc, suy dinh dưỡng.
Người quản lý của Debbie nói rằng, mỗi ngày cô chỉ tiêu thụ một quả táo và một thìa nước cam. Cô bị chứng chán ăn nặng.
Những tưởng đây là một hồi chuông cảnh tỉnh nhưng không, thế giới thời trang vẫn đảo điên bởi vẻ đẹp chết người đó.
Ai là người thao túng vẻ đẹp?
Đó là những NTK. Dù chỉ nắm thiểu số nhưng họ lại có quyền lực áp đặt size 0 - size 2 trở thành tiêu chuẩn. Họ không quan tâm đến sức khỏe người mẫu. Họ chỉ muốn một cái mắc áo biết đi để không làm hỏng dáng đồ.
Nhiều thương hiệu còn vô nhân tính đến mức, mở rộng phạm vi chọn người mẫu vị thành niên hay mẫu lưỡng tính vào sàn diễn, dẫn đến hậu quả những cô bé hay cậu bé còn quá non nớt đã lao vào áp lực danh tiếng và kiếm tiền. Những thanh thiếu niên còn không ý thức được việc mình đang làm nhưng đã bị buộc phải phô bày cơ thể lên cho hàng vạn ánh mắt ngắm nhìn dưới danh xưng nghệ thuật.
3 thập kỷ trôi qua và vấn nạn người mẫu quá gầy vẫn còn đó. Dù vậy, thật mỉa mai khi có những người mẫu đi ngược lại xu hướng này, ăn uống khoa học để sở hữu một thân hình khỏe mạnh thì lại bị nói rằng quá béo. Thật khổ sở khi quá gầy cũng bị nói mà quá béo thì bị xỉa xói.
Những dấu hiệu tích cực đầu tiên
Tuần lễ thời trang Milan đã ra đạo luật cấm người mẫu dưới 16 tuổi tham gia trình diễn.
Pháp yêu cầu người mẫu phải có chỉ số BMI trên 18 mới được bước lên đường catwalk.
Nếu bất kỳ ai dám lách luật, mức phạt sẽ là 2 tỷ đồng.
Vogue - kinh thánh thời trang thế giới cũng đưa ra thông cáo rằng kêu gọi những thương hiệu hàng đầu tăng kích cỡ trang phục của mình lên vài size để người mẫu không còn phải ép cân nữa.
Trong một vài năm gần đây, những IT girl thế hệ mới như Kendall Jenner, Gigi Hadid, Ashley Graham, Kate Upon vốn sở hữu thân hình đồng hồ cát cũng chễm chễ xuất hiện trên những tạp chí thời trang lớn như một bước chuyển mình, dù nhỏ, nhưng tích cực của ngành công nghiệp tỷ đô.
Dù còn một chặng đường dài nữa để thời trang bỏ đi khái niệm về những người mẫu gầy. Tuy nhiên, mỗi bước tiến nhỏ sẽ thay đổi cả một thế giới.