Dù lớn mạnh và nổi tiếng nhất nhì thế giới, tại sao Zara vẫn bị giới thời trang tẩy chay?
- Bánh bèo bồng bềnh
- Đăng lúc: Thứ bảy, 11/12/2021 12:58 (GMT +7)
Tại sao Zara, dù được biết tới là công ty tỷ đô nhưng lại bị cả thế giới thời trang quay lưng?
Tom Ford, NTK thời trang tài năng từng thẳng thừng tuyên bố: "Có thể hơi tự mãn nhưng tôi đã tạo ra rất nhiều thiết kế tuyệt vời. Có điều, tôi không thể cảm thấy vui khi mà những thiết kế của mình xuất hiện tại cửa hàng của Zara trước cả khi nó được bán tại cửa hàng của tôi.” Lời chia sẻ của Tom Ford đã phần này gói gọn những gì để miêu tả thương hiệu thời trang Tây Ban Nha.
Kể từ khi được mở ra vào thập niên 70, thương hiệu thời trang nhanh Zara đã đi theo chiến lược học tập các thương hiệu cao cấp. Hãng thường xuyên “tham khảo” các mẫu thiết kế từ thương hiệu lớn, biến tấu chúng đi một chút và bày bán với mức giá chỉ bằng 1/10 những thiết kế nguyên bản. Bên cạnh đó, hãng cũng thường xuyên đặt cửa hàng tại những khu mua sắm nhộn nhịp, bên cạnh các thương hiệu cao cấp nhất để khiến cho mình trở nên sang chảnh hơn.
Chiến lược này của nhãn hàng đánh vào nhóm khách hàng thích tiêu dùng hàng hiệu nhưng lại chưa có đủ tài chính. Và sự thật là họ đã vô cùng thành công. Hiện tại, Zara là thương hiệu thời trang nhanh đứng đầu thế giới. Tuy nhiên, thành công bằng sự “học hỏi” của Zara từng khiến nhiều người làm sáng tạo phải “ngứa mắt”.
Vào năm 2016, nhóm nghệ sĩ và chuyên viên thiết kế đồ họa đã khởi kiện Zara vì ăn cắp họa tiết của họ.
Năm 2020, Amiri, một thương hiệu nội địa thuộc phân khúc cao cấp của Mỹ đã kiện Zara vì ăn cắp thiết kế mẫu quần jeans.
Tựa như con kiến đi kiện củ khoai, những tác giả hoàn toàn không thể đòi được một xu nào tiền bản quyền. Bởi, luật sở hữu trí tuệ chỉ có thể bảo vệ tên thương hiệu, logo hay các họa tiết đặc trưng. Vậy là Zara cứ tự tin mà xào nấu lại những thiết kế khác rồi kiếm bạc tỉ mà chẳng ai có thể làm gì!