Vệ sinh phòng tắm: Ghi nhanh thứ tự 10 bước cơ bản cần thực hiện

Để công việc vệ sinh phòng tắm diễn ra trôi chảy, nhanh chóng và đạt hiệu quả cao, bạn hãy lấy sổ tay và ghi nhanh thứ tự 10 bước cơ bản này nhé!

Hashtag: Vệ sinh phòng tắm Làm sạch nhà Mẹo làm sạch

Lên kế hoạch vệ sinh phòng tắm định kỳ mỗi tuần 1 lần sẽ giúp cho không gian này luôn sạch sẽ, thơm tho và tràn đầy cảm hứng mỗi khi bạn bước vào. Để không mất thời gian cho việc lau chùi và dọn dẹp, hãy ghi nhanh thứ tự 10 bước cơ bản sau để công việc vệ sinh phòng tắm diễn ra trôi chảy và nhanh chóng trong khoảng 1 giờ đồng hồ nhé!

Ghi nhanh thứ tự 10 bước cơ bản sau để công việc vệ sinh phòng tắm diễn ra trôi chảy.

1. Vệ sinh thảm lau chân và khăn tắm

Đầu tiên, thảm lau chân và khăn tắm ẩm ướt cần được giặt sạch. Hai loại này chắc chắn phải được giặt riêng. Để tiết kiệm thời gian, bạn cho áo quần và khăn tắm vào máy giặt, thảm lau chân nếu khô ráo sẽ đem đi hút bụi, nếu ẩm thì giặt sạch rồi phơi khô.

2. Lau bụi bẩn từ trên xuống

Dùng cây lau bụi vệ sinh một lượt phòng tắm từ trên xuống dưới, bao gồm: Mặt trong và ngoài của cửa ra vào, tường, thiết bị chiếu sáng như đèn, khu vực kệ lưu trữ, bồn rửa,... 

Dùng cây lau bụi vệ sinh một lượt phòng tắm từ trên xuống dưới.

3. Làm sạch kính và gương

Sử dụng dung dịch dành riêng cho gương và kính (hoặc tự chế từ các nguyên liệu hữu cơ), dùng bình phun sương xịt nhẹ lên bề mặt gương soi và vách ngăn buồng tắm bằng kính (nếu có). Sau đó dùng vải mềm lau khô theo một chiều nhằm tránh để lại vệt.

4. Các loại vòi rửa bằng kim loại

Bạn có thể dùng chất tẩy rửa đa năng (hoặc tự chế) để lau sạch các vết gỉ nhẹ trên các thiết bị: Vòi hoa sen, vòi xịt toilet, vòi nước tắm, vòi ở bồn rửa tay, kệ lưu trữ bằng kim loại,... Dùng bàn chải nhỏ lông mềm (có thể tái sử dụng bàn chải đánh răng đã cũ) để vệ sinh từng ngóc ngách của thiết bị.

5. Vệ sinh xung quanh bồn rửa, bề mặt tủ lưu trữ

Những vị trí này đã được làm sạch bụi từ bước (2), giờ là lúc bạn sử dụng dung dịch phù hợp để làm sạch bề mặt của chúng. Tùy thuộc vào bề mặt làm bằng gỗ, đá hay sứ để chọn chất tẩy rửa phù hợp.

Tiến hành vệ sinh xung quanh bồn rửa, bề mặt tủ lưu trữ,...

6. Vệ sinh bồn tắm

Mẹo hay được sử dụng để hạn chế chất tẩy rửa hóa học là rắc baking soda vào bồn tắm, làm ẩm bề mặt và sau một lúc thì chà rửa cẩn thận và vệ sinh kỹ lại một lần nữa với nước sạch.

7. Kiểm tra nắp đậy lỗ thoát nước

Vệ sinh phần nắp cống, kiểm tra xem có tóc hay vật gì rơi vãi quanh đó để tránh tình trạng bị tắc nghẽn. Tiếp tục tận dụng baking soda để làm sạch khu vực này một cách tỉ mỉ.

8. Làm sạch bồn toilet

Đổ chất tẩy rửa xuống bồn toilet, đóng nắp và đợi một lúc, sau đó giật nước xả và dùng chổi dành riêng cho bồn để vệ sinh lại lần nữa. Khu vực xung quanh bồn trữ nước cũng như nắp bồn cầu cũng cần được lau chùi sạch sẽ.

Đổ chất tẩy rửa xuống bồn toilet, đóng nắp và đợi một lúc, sau đó giật nước xả.

9. Lau sạch sàn

Lưu ý khi vệ sinh sàn phòng tắm bằng chất tẩy rửa chuyên dụng hoặc tự chế, cần để ý cả khu vực chân tường vì vị trí này thường xuyên đọng nước và gây ra nhiều vết ố bẩn, nấm mốc. Từng ngóc ngách cần được kiểm tra để làm sạch lần cuối.

10. Khử trùng nơi cần thiết

Bước khử trùng chỉ thực hiện sau khi bạn đã hoàn thành 9 bước làm sạch ở trên. Lấy một bình xịt khử trùng hoặc khăn lau khử trùng để vệ sinh các khu vực đặc biệt dễ là nơi trú ẩn của vi khuẩn và vi trùng như tay nắm cửa, cần giật nước (hoặc nút xả nước) sau khi đi vệ sinh,...

Khử trùng những nơi nhiều vi khuẩn vi trùng ẩn náu như tay nắm cửa,...

Bài liên quan

News feed