Chúng tôi vô cùng yêu thích các sản phẩm đến từ Nhật Bản, chúng được thiết kế một cách tinh tế, đơn giản nhưng vô cùng tiện lợi với người dùng. Đặc biệt trong phòng bếp, nơi được ví như "trái tim của ngôi nhà" thì những đồ dùng xuất xứ từ "đất nước mặt trời mọc" lại càng thu hút bạn hơn nữa. Chúng không chỉ đáng yêu, nhẹ nhàng mà còn thực hiện tốt chức năng của mình, mang lại sự tiện nghi đồng thời giúp phòng bếp trở nên thanh lịch hơn. Công việc nấu nướng cũng vì thế mà tràn đầy cảm hứng mỗi ngày.
Dưới đây là 3 đồ dùng nhà bếp đến từ “xứ sở hoa anh đào” chuyên mục Nhà Hay giới thiệu để các bạn cùng cảm nhận tính thẩm mỹ và sự tiện nghi mà chúng mang lại nhé!
1. Chiếc đũa xoắn ốc tách làm đôi
Được giới thiệu bởi công ty Nendo với sự hợp tác Hashikura Matsukan, đũa Rassen (xoắn ốc) là một chiếc đũa được tách làm 2 thành một đôi đũa vô cùng thuận tiện. Thoạt nhìn, nó trông như một chiếc đũa gỗ dài với sắc màu tươi sáng, nhưng khi cần sử dụng, bạn chỉ cần xoay nhẹ để tách chúng ra. Ý tưởng này không chỉ tiết kiệm không gian ống đựng đũa mà còn thể hiện ý nghĩa tinh tế sâu xa: Một chiếc đũa có thể gói ghém niềm vui và chức năng của hai chiếc đũa để tạo nên chỉnh thể hoàn hảo, vừa tách rời nhau khi cần và sau đó lại quay trở về cạnh nhau!
2. Bếp gas âm đậm chất thiền Nhật Bản
Nhà thiết kế Shen Wenjiao, “cha đẻ” của Dry Mountain Gas Stove, chia sẻ về chiếc bếp gas âm đậm chất thiền Nhật Bản của mình như sau: Mô hình sóng đặc biệt của tấm đáy được lấy cảm hứng từ đá và sông trong các khu vườn tiểu cảnh ở Nhật Bản. Độ cong của từng “đợt sóng” đã được tính toán chính xác để ngăn nước sôi tràn ra mặt bếp. Việc lau chùi trên mặt bếp cũng dễ dàng hơn so với bếp gas thông thường nhờ bề mặt gợn sóng. Đầu đốt được thiết kế không có góc chết, ngăn không cho các mảnh vụn thức ăn bị kẹt lại. Tương tự, giá đỡ nồi làm bằng sắt liên tưởng đến các đường cong của cánh hoa, giúp dễ dàng quét các mảnh vụn hơn.
3. Vẻ đẹp cổ điển pha lẫn hiện đại của chiếc ấm đun
Tôi đã tự hỏi khi nhìn thấy hình ảnh của sản phẩm này: Chỉ là một chiếc ấm đun nước thôi lại có thể đẹp và tinh tế đến từng chi tiết như thế này sao? Chiếc ấm có tên gọi Seramikku do Shail Iyer thiết kế là sự cân bằng hoàn hảo giữa hình thức cổ xưa Nhật Bản và các chi tiết hiện đại tối giản. Hình dáng và kết cấu của nó lấy cảm hứng từ Uwade kyusu, một trong những loại ấm truyền thống xứ Phù Tang, được biết đến với phần tay cầm đặc biệt, gần như nằm nổi lơ lửng trên đỉnh nắp. Nhà thiết kế đã thêm các chi tiết hiện đại để chiếc ấm làm từ gốm và sắt với đế bằng điện để rút ngắn thời gian đun nước cho bạn thưởng thức một tách trà ấm để bắt đầu ngày làm việc bận rộn.
Bình luận