Mối dây liên hệ giữa trang phục và sự nhìn nhận của xã hội

Thanh Thúy Đăng lúc: Thứ hai, 30/11/2020 15:49 (GMT +7)
Dân gian có câu "ăn cho mình, mặc cho người" quả không sai. Càng ngày, trang phục không chỉ có tác dụng che đậy cơ thể mà còn bao hàm nhiều ý nghĩa xã hội.
Hashtag #Thời trang và Phong cách #BEAUTORY #Thời trang

Những bộ cánh chúng ta diện hằng ngày không chỉ có tác dụng tô điểm nhan sắc và tôn lên vẻ đẹp hình thể mà còn có sức ảnh hưởng lớn tới suy nghĩ của những người xung quanh trên nhiều khía cạnh, từ tuổi tác, nghề nghiệp, tính cách,...đến địa vị xã hội, tình trạng hôn nhân.

Cách ăn mặc thể hiện sự tự tin

Những người có gu ăn mặc gọn gàng, chỉn chu thường được coi là những nhân tố tài năng trong công việc quản lý. Họ luôn thể hiện sự tự tin, chắc chắn trong công việc. Đặc biệt, họ có biệt tài thuyết phục được những đối tác kinh doanh dễ gây được cảm tình trong các cuộc đàm phán nhờ vẻ ngoài lịch thiệp toát ra từ những bộ trang phục cũng như cách phối hợp chúng với nhau.

Ngược lại, đối với những đối tượng không quá quan tâm đến trang phục và vẻ bề ngoài của mình, thậm chí còn có xu hướng phối đồ một cách tùy hứng, không suy nghĩ, và có phần luộm thuộm, xuề xòa lại bị cho là những kẻ dễ thất bại trong công việc, không tạo được cảm hứng làm việc hay sự thiện cảm cho đồng nghiệp và đối tác và không thể hiện tốt trong việc tranh luận hay bày tỏ ý kiến trước đám đông.

Phương pháp này đặc biệt hiệu quả cho phái mạnh bởi nó thể hiện được vẻ mạnh mẽ, nam tính của họ (Ảnh: WWD).
Phương pháp này đặc biệt hiệu quả cho phái mạnh bởi nó thể hiện được vẻ mạnh mẽ, nam tính của họ (Ảnh: WWD).

Màu sắc trang phục tạo nên vẻ cuốn hút riêng

Một cuộc khảo sát tại Đại học Old Dominion ở Anh vào năm 1986 bởi Timothy Brown và một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, màu sắc của những bộ trang phục được các sinh viên nữ mặc lên có sức ảnh hưởng không nhỏ đến thang điểm hấp dẫn mà những sinh viên nam chấm cho họ.

Tương tự vào năm 2010, nghiên cứu của Guseguen và Jacon cũng đã đưa ra kết luận giống như vậy. Nam giới có xu hướng boa hoặc tip tiền hậu hĩnh hơn cho các nhân viên nữ mặc áo đỏ giữa loạt những nhân viên nữ diện chiếc áo thun có màu sắc khác nhau phục vụ trong nhà hàng.

Màu sắc góp phần không hề nhỏ đến mức độ thiện cảm của người đối diện dành cho chúng ta (Ảnh: ELLE).
Màu sắc góp phần không hề nhỏ đến mức độ thiện cảm của người đối diện dành cho chúng ta (Ảnh: ELLE).

Cách ăn mặc thể hiện cá tính

Phương pháp này đặc biệt hiệu nghiệm đối với việc tạo thiện cảm với nhà tuyển dụng. Đừng cho rằng cứ là đi xin việc thì phải ưu tiên những trang phục nhàm chán, rập khuôn. Thay vì vậy, các chuyên gia khuyên rằng, nên chọn những kiểu trang phục thể hiện đúng cá tính của bản thân bạn, bởi lẽ nó sẽ giúp nhà tuyển dụng phán đoán và "chấm điểm" độ tin cậy cũng như thái độ, tính cách của bạn trong những giây phút gặp mặt đầu tiên.

Bên cạnh đó, theo Bright Side, những bộ trang phục không tạo nên vẻ hòa hợp trong tính chất cũng như môi trường làm việc sẽ khiến cho người mặc trở nên thiếu tinh tế và không thể hiện được sự chuyên nghiệp.

Cần gì phải tìm hiểu nhiều, chỉ nhìn qua cách ăn mặc đã có thể nhìn nhận được cá tính của đối phương rồi! (Ảnh: ELLE).
Cần gì phải tìm hiểu nhiều, chỉ nhìn qua cách ăn mặc đã có thể nhìn nhận được cá tính của đối phương rồi! (Ảnh: ELLE).

Trang phục thể hiện hoài bão và mục tiêu cá nhân

Quần áo là công cụ để thể hiện sự tự tin, cá tính của bản thân, và hơn hết, nó còn phản ánh phần nào cách suy nghĩ, hành động và những hoài bão, ước mơ mà chúng ta luôn mong muốn.

Ví dụ như khi chúng ta xắn tay áo lên cũng là lúc chúng ta đã sẵn sàng và thể hiện độ quyết tâm để hoàn thành công việc. Hoặc đối với những bộ trang phục trang trọng, chỉn chu được mặc trong các sự kiện có tầm cỡ, quy mô cũng phần nào thể hiện được nhu cầu kết nối xã hội của chúng ta.

Mục tiêu và hoài bão của người mặc đều có thể dễ dàng được gửi gắm qua những bộ trang phục.
Mục tiêu và hoài bão của người mặc đều có thể dễ dàng được gửi gắm qua những bộ trang phục.
Copy URL

Bình luận

Tin đáng chú ý

Chủ đề mới trên 2Đẹp