Bất cứ căn phòng muốn đẹp mắt thì trước trước tiên phải đáp ứng tiêu chí gọn gàng, sạch sẽ. Phòng bếp là khu vực chuẩn bị thực phẩm và nấu nướng thường xuyên trong ngày (ít nhất là 3 lần/ngày), thế nên đây sẽ là căn phòng dễ lộn xộn và bám bẩn nhất. 5 lưu ý nhỏ dưới đây sẽ giúp bạn nhanh chóng sắp xếp mọi thứ trong bếp theo đúng trật tự của nó, đồng thời khiến “nơi giữ lửa của ngôi nhà” trở nên đẹp mắt, tinh tươm hơn.
1. Tận dụng tối đa tủ lưu trữ
Tủ lưu trữ là món nội thất không thể thiếu trong mỗi căn bếp. Có không ít chị em ưa thích mẫu tủ kín hơn là kệ mở bởi vì có thể tha hồ “tiện tay” bỏ đồ đạc lung tung bên trong mà không sợ ai nhìn thấy. Tuy nhiên, khi cánh cửa được mở ra thì bạn thấy đấy, rất khó để có thể chọn được ngay thứ mình cần trong mớ lộn xộn này. Hãy tích hợp thêm một tấm gỗ nằm ngang phân chia tủ thành 2 hoặc 3 phần, vừa tối ưu hóa không gian lưu trữ, vừa chia vật dụng, thực phẩm một cách khoa học hơn.
2. Khu vực chuẩn bị luôn gọn gàng
Có không ít người than vãn rằng việc dọn dẹp “chiến trường” sau mỗi bữa ăn còn tốn nhiều thời gian hơn khi đứng chế biến. Lý do là vì bạn không có thói quen cất ngay những thứ đã dùng vào ngay vị trí của nó. Chẳng hạn như sau khi dùng xong đường, hương liệu, gia vị, mứt,... hãy đóng nắp và cất chúng ngay vào tủ, tiếp đến là dùng khăn mềm lau qua một lượt để tránh các phần vụn thừa rơi vãi. Như vậy thì bề mặt bàn ở khu vực nấu nướng lúc nào cũng sạch sẽ và công đoạn dọn dẹp sau cùng sẽ mất ít thời gian hơn.
3. Nếu được, hãy thay đổi thiết kế cửa tủ
Bạn đã từng dùng bàn tay dính đầy dầu mỡ khi nấu nướng để mở cánh cửa tủ lưu trữ bao giờ chưa? Chúng tôi tin chắc rằng ai cũng đã từng một lần thực hiện điều đó. Cánh cửa tủ dưới theo thời gian sẽ bám dầu mỡ, đường, gia vị,... (tất tần tật những thứ dính từ tay bạn mang sang).
Vì vậy sau mỗi lần nấu nướng, bạn cần vệ sinh vị trí này sạch sẽ thay vì chỉ lau dọn mỗi cuối tuần. Một mẹo nhỏ được gợi ý cho bạn đó chính là thay đổi thiết kế của cửa tủ. Hãy thiết kế 1 bên cánh cửa thấp hơn cửa còn lại một chút để có thể… dùng chân mở tủ. Nghe có vẻ “ngớ ngẩn” nhưng thực ra rất hữu dụng đấy nhé!
4. Lưu ý khu vực chứa chất tẩy rửa
Để đảm bảo an toàn cho các thành viên trong gia đình (đặc biệt là trẻ nhỏ) thì tất cả những hóa chất tẩy rửa sẽ được cất vào một khu vực, thường là trong tủ bếp, ngay bên dưới bồn rửa. Vì có khá nhiều loại chất tẩy rửa chuyên dụng cho từng khu vực và bề mặt khác nhau nên bạn cần có sự sắp xếp gọn gàng để dễ dàng tìm thấy khi cần. Hơn nữa, găng tay bảo hộ, khăn lau cũng cũng cần được treo lên gọn gàng (giải pháp là lắp một thanh ngang ngay trong tủ) để chúng được khô ráo sạch sẽ và không bị nhầm lẫn với các loại khăn lau khác.
5. Đừng bỏ qua cửa sổ phòng bếp
Và lưu ý cuối cùng được dành cho khu vực cửa sổ phòng bếp. Cửa sổ chính là nơi đón nhận ánh sáng tự nhiên cho căn phòng luôn tươi sáng và thông thoáng. Vì vậy bạn đừng quên vệ sinh cửa kính thường xuyên bằng nước lau kính chuyên dụng hoặc các dung dịch tự chế để đảm bảo an toàn khi sử dụng. Một cửa sổ tươi sáng, sạch sẽ chắc chắn sẽ tạo cảm hứng nấu ăn cho bạn mỗi ngày hơn là cánh cửa bám đầy bụi, hơi nước, dầu mỡ và ám mùi thức ăn khó chịu.
Bình luận