4 "thủ phạm" gây mùi hôi trong nhà và cách khắc phục những yếu tố khó chịu này
- Hạ Vũ
- Đăng lúc: Thứ hai, 23/08/2021 15:28 (GMT +7)
Mùi hôi trong nhà có thể xuất phát từ những "thủ phạm" từ quen đến lạ. Dưới đây là danh sách 4 yếu tố gây mùi khó chịu và cách khắc phục đơn giản, hiệu quả.
Ông bà ta thường nói: "Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm". Không gian sống gọn gàng, thơm mát sẽ tác động rất nhiều đến cảm xúc của con người. Chẳng ai muốn ngôi nhà của mình có mùi hôi khó chịu. Nhưng có khi nào bạn đã quét dọn, lau sàn sạch sẽ tinh tươm nhưng vẫn ngửi thấy mùi hôi từ đâu đó? Trên thực tế, mùi hôi có thể xuất phát từ những "thủ phạm" từ quen đến lạ, và chúng tôi sẽ liệt kê chúng dưới đây kèm theo cách khắc phục để bạn xử lý các mùi khó chịu này:.
1. Thùng rác
Chắc chắn rồi, đây là “thủ phạm” vô cùng quen mặt trong nhà, đặc biệt là trong phòng bếp và nhà vệ sinh. Mùi thực phẩm sống khi sơ chế như tôm, cá có mùi tanh, thức ăn thừa tích tụ, giấy vệ sinh, đồ dùng phụ nữ,... bên trong thùng rác đậy kín. Cho dù bạn đã bọc một lớp túi nilon thì sau khi vứt rác trong thùng rỗng vẫn còn mùi hôi. Hãy tham khảo cách xử lý thùng rác bốc mùi bằng cách sử dụng thuốc tẩy, baking soda, cát vệ sinh cho mèo hoặc miếng khử mùi mà chúng tôi đã hướng dẫn nhé!
2. Quần áo ướt, khăn ẩm
Một vài người có thói quen đặt một giỏ đựng đồ bẩn trong phòng tắm và đợi đến khi gần đầy sẽ mang giặt một lần. Tuy nhiên, quần áo bẩn, khăn tắm, tất vớ,... vốn đã không sạch sẽ, lại đặt trong môi trường ẩm ướt từ 1-3 ngày thì sẽ tiếp xúc với hơi ẩm tạo thành mùi hôi, chưa kể đến nấm mốc xuất hiện. Vì vậy, hãy tranh thủ giặt quần áo, khăn tắm, tất vớ,... càng sớm càng tốt. Nếu chưa có thời gian, hãy treo chúng ở nơi khô ráo thay vì cho vào 1 chiếc giỏ rồi chất chồng đồ ẩm ướt lên nhau.
3. Máy giặt
Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi máy giặt lại có mặt trong danh sách này. Nhưng thực tế, đây cũng là "thủ phạm" giấu mặt ít người để ý. Sau thời gian sử dụng, nó sẽ xuất hiện mùi hôi, ẩm mốc và thậm chí lan sang cả quần áo được giặt.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, chẳng hạn như: Nước thải trong đường ống không thoát hết; cửa máy giặt luôn đóng kín; lồng máy giặt không được vệ sinh định kỳ,... Vì vậy, bạn cần kiểm tra đường ống, vệ sinh máy giặt đúng cách đồng thời mở cửa máy giặt (cả ngăn chứa bột giặt/nước xả) sau khi sử dụng khoảng 1-2 tiếng.
4. Mùi trên nội thất gỗ mới mua
Nội thất gỗ rất bền đẹp, sang trọng nên được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, khi mới mua về, chúng lại có mùi khó chịu từ lớp sơn bảo quản chống mối mọt trên gỗ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt với người nhạy cảm khi ngửi rất dễ gây đau đầu.
Cách xử lý mùi trên nội thất gỗ mới mua:
- Dùng lá trà khô cho vào túi vải (loại vải màn), quấn thành vài lớp rồi hơ trên nồi nước nóng cho túi vải hơi ẩm nhẹ. Đặt túi vải vào hộc bàn, hộc tủ hay các món đồ gỗ mới mua trong vòng vài tiếng.
- Lấy một ít giấm trắng nguyên chất đổ vào chén rồi để tại các vị trí xung quanh đồ nội thất mới mua. Dùng ít lát hành tây xắt mỏng trải đều rồi mở cửa phòng. Mùi giấm kết hợp hành tây sẽ "đánh bay" mùi sơn trên gỗ.
- Dùng vài chiếc bát đựng nước sạch (khoảng 1/2 báy), cho vào mỗi bát vài lát chanh và chút muối, để qua đêm cạnh đồ nội thất cho đến khi mùi biến mất hoàn toàn.
- Tận dụng vỏ cam, vỏ quýt, vỏ bưởi,... rải xung quanh món đồ gỗ mới mua. Tinh dầu từ các loại vỏ này đều có thể khử mùi tốt. Nếu không có vỏ tự nhiên có thể thay thế bằng tinh dầu chất lượng cũng cho hiệu quả tương tự.