Bé 3 tuổi bị đột quỵ, bác sĩ chỉ ra nguyên nhân
- Thanh Le
- Đăng lúc: Thứ hai, 14/09/2020 11:38 (GMT +7)
Bé 3 tuổi khi đưa vào viện được phát hiện bị đột quỵ, nhồi máu não do huyết khối lấp kín gây tắc mạch máu não.
Mới đây, một em bé 3 tuổi quê An Giang đã được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM. Bác sĩ xác nhận bệnh nhi bị đột quỵ. Trước đó, bệnh nhi nhập bệnh viện địa phương trong tình trạng đau đầu, lơ mơ, liệt nửa người.
Kết quả chụp MRI phát hiện bé bị đột quỵ nhồi máu não do huyết khối, sau đó các bác sĩ tiến hành can thiệp lấy huyết khối bằng đường động mạch dưới.
Bác sĩ Huỳnh Hữu Danh, Khoa Nội thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng Thành phố), cho biết: Triệu chứng của bệnh đột quỵ ở trẻ cũng giống như người lớn đó là méo miệng, yếu tay chân và không nói được. Do bệnh rất hiếm nên dễ chẩn đoán nhầm sang bệnh lý khác, đặc biệt là viêm màng não. Nếu không được chuyển viện và điều trị kịp thời, bệnh nhi có nguy cơ tàn tật rất cao, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng tiếp nhận cấp cứu cho một bé trai 5 tuổi (quê Long An) trong tình trạng méo miệng, co giật đột ngột do nhồi máu não vùng đỉnh trái. May mắn là em bé này được phát hiện, can thiệp kịp thời nên chỉ bị di chứng nhẹ chức năng ngôn ngữ, vận động.
Chia sẻ về căn bệnh này, PGS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM kiêm Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, đột quỵ ở trẻ em đang là một thách thức không nhỏ trong việc chẩn đoán, nhận biết.
Theo bác sĩ Thắng, đột quỵ ở trẻ em là bệnh hiếm gặp, có thiên hướng bẩm sinh, y học chứng cứ còn rất ít. Điều này kéo theo việc bỏ sót ca bệnh, thậm chí nhiều ca khi phát hiện đã quá trễ giờ vàng để có thể cứu các em khỏi tử vong hay tránh được di chứng xấu.
Phần đa các ca đột quỵ trẻ em chuyển đến viện ở thời điểm muộn. Trường hợp các bé tìm đến ông thường ở độ tuổi từ 10-12 và có bé chỉ mới 9 tháng tuổi, phần lớn bị hẹp động mạch nội sọ rất nặng.
Bác sĩ Thắng cho biết, đột quỵ nhồi máu não có thể do các nguyên nhân sau:
- Bệnh tim bẩm sinh: Khi trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, máu không được bơm đều có thể lẩn quẩn dẫn đến hình thành các cục máu đông, từ đó tăng nguy cơ nhồi máu não.
- Rối loạn đông máu: Đây là tình trạng khiến máu đặc hơn, dễ xuất hiện cục máu đông.
- Động mạch không đều
Bên cạnh đó, trẻ em cũng dễ bị đột quỵ nếu có các yếu tố nguy cơ như: Phẫu thuật tim hoặc não, mắc bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm, bệnh bạch cầu...
Các bác sĩ khuyến cáo, việc phòng ngừa đột quỵ ở trẻ em là rất khó nên khi trẻ có những dấu hiệu đáng nghi ngờ, phụ huynh nên ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám, điều trị kịp thời để không ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt sau này của trẻ.