Về hành vi mua sắm để lấp đầy tổn thương và cách thoát khỏi nó
- Mỹ Duyên
- Đăng lúc: Thứ hai, 19/07/2021 22:35 (GMT +7)
Mua sắm giúp bạn xoa dịu tổn thương nhưng đồng thời cũng sẽ mang đến cho bạn những vết thương mới, cho cả ví tiền lẫn tâm trí thất vọng của bạn.
Tiêu dùng quá mức là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất trong hành vi của người tiêu dùng hiện đại, mà hậu quả là tàn phá cả môi trường lẫn sức khỏe tinh thần. Mua sắm quá mức bốc đồng, về mặt phong cách và tâm lý, nói lên rất nhiều điều về thị hiếu và trạng thái tinh thần của chúng ta với tư cách là người tiêu dùng. Trong điều kiện kinh tế và môi trường hiện nay, việc sử dụng tâm lý học thời trang ngày càng quan trọng để hiểu tại sao chúng ta mua sắm quá mức.
Mua sắm có thể là một hành động bổ ích hoặc một lối thoát cho những lúc căng thẳng. Tuy nhiên, dù là mua trực tuyến hay trực tiếp tại cửa hàng, bạn có thể khó điều hướng hành vi khi đang chìm trong ham muốn dùng việc mua sắm để xoa dịu những tổn thương, lo lắng của chính mình.
Điều cần thiết để thoát ra khỏi việc mua sắm vô độ là bạn phải gạt xu hướng mua sắm thái quá một cách vô ý thức đó ra khỏi tâm trí để tránh những hậu quả về tài chính lẫn tâm lý. Trau dồi trạng thái tinh thần tỉnh táo và sử dụng tâm lý học thời trang có thể cải thiện ham muốn mua sắm vô tội vạ của bạn.
Quan sát bối cảnh mua sắm
Trước khi bắt đầu cuộc phiêu lưu mua sắm thời trang của bạn, hãy ghi nhớ lại đường đi đến cửa hàng, lối đi lên và cách bài trí của cửa hàng. Lưu ý đến những suy nghĩ của bạn trong quá trình mua sắm. Bạn đang suy nghĩ về số tiền bạn dự định chi tiêu hoặc một kiểu trang phục cụ thể mà bạn hy vọng sẽ tìm thấy? Hãy dành thời gian ngắn "tạm dừng có ý thức" để xem qua các mặt hàng trước khi quyết định mua hàng.
Mô tả lại những mong muốn của bản thân
Mô tả là xác định chi tiết những gì bạn quan sát được trong môi trường xung quanh. Trước khi lên đường đi mua sắm, hãy kể chi tiết những gì bạn dự định mua. Cho dù bạn đang tìm mua một món đồ cụ thể hay chỉ đơn giản là muốn thưởng cho mình một món đồ xa xỉ, điều quan trọng là phải lên kế hoạch tâm lý cho hành động của mình.
Tự vấn bản thân thật kĩ trước khi "xuống tiền"
Trong kỹ năng này, bạn cần ngắt kết nối hoàn toàn khỏi chế độ suy nghĩ mông lung và thực sự tập trung vào việc mua sắm. Điều này có nghĩa là phải tiếp xúc với cả những suy nghĩ tích cực và tiêu cực, đồng thời kích hoạt các phản ứng cảm xúc như "Tôi có cần chiếc ví này không, hay tôi bị dụ mua nó vì giá cả phải chăng?", "Đây có phải là cỡ vừa để tôi đeo hay không?", "Mặt hàng này có thực sự đại diện cho phong cách của tôi không, hay tôi chỉ muốn mua vì nó hợp xu hướng?".
Hãy nghĩ lại những lần mua hàng trước trong trạng thái bất ổn - lý do dễ khiến bạn gục ngã trước những quảng cáo và khuyến mãi hấp dẫn. Chính tâm lý này khiến bạn mang về nhà những mặt hàng không thực sự cần thiết, gây lãng phí.
Chấp nhận mà không phán xét
Bạn cần sử dụng một tâm trí trung lập, không phán xét hành vi mua sắm của bản thân là "TỐT" hay "XẤU" vì điều đó có thể sẽ khiến bạn căng thẳng hơn. Cảm giác thất vọng về một món hàng đôi khi kinh khủng hơn cả việc bạn đã mất rất nhiều tiền để mua mà không hài lòng về chúng. Chỉ cần đảm bảo việc mua sắm đã trải qua một quy trình khắt khe phía trên, với rất nhiều cân nhắc, thì bây giờ dù bạn đã mua gì, cũng nên hài lòng và vui vẻ.
Bài tập này này cần được bạn thực hành liên tục để mang tới kết quả khả quan. Chúc bạn sớm cải thiện được hành vi mua sắm vô độ của mình và sẽ chỉ "mất tiền" vào những thứ thực sự cần thiết.