Cách vệ sinh thớt gỗ sạch sẽ, bảo vệ thớt khỏi vi khuẩn hay nấm mốc
- Hạ Vũ
- Đăng lúc: Thứ tư, 28/04/2021 13:42 (GMT +7)
Tùy vào tần suất bạn sử dụng thớt, bạn cần vệ sinh thớt gỗ hàng tuần hoặc sau mỗi lần sử dụng để sơ chế thịt sống, gia cầm, hải sản,...
Thớt gỗ là đồ dùng quen thuộc trong phòng bếp của mỗi gia đình. Tuy nhiên, nếu chúng ta không vệ sinh thớt gỗ đúng cách thì những vết trầy xước trên thớt sẽ là nơi trú ngụ và phát triển các vi khuẩn như E. coli và Salmonella… Khi chọn mua thớt gỗ, hãy chọn loại gỗ cứng như tre hoặc gỗ thích. Những loại gỗ này ít bị trầy xước hơn so với gỗ mềm như tuyết tùng, bách.
Thớt nên được rửa sạch sau mỗi lần sử dụng, kể cả khi bạn chỉ dùng nó để cắt một miếng trái cây. Nếu không lau chùi kỹ, nấm men, bào tử nấm mốc và vi khuẩn sẽ tiếp tục phát triển. Tùy vào tần suất bạn sử dụng thớt, loại dụng cụ này cần được khử trùng kỹ lưỡng hàng tuần và sau mỗi lần sử dụng để sơ chế thịt sống, gia cầm, hải sản,...
Dưới đây là các bước vệ sinh, khử trùng thớt hiệu quả, an toàn cho người sử dụng.
Bạn cần chuẩn bị:
- Miếng bọt biển
- Chậu rửa
- Khăn lau
- Giá phơi
- Nước rửa bát
- Giấm trắng chưng cất (hoặc hydrogen peroxide - oxy già)
- 2 thìa cà phê thuốc tẩy clo
- Baking soda
- 1 quả chanh cắt làm đôi
- Dầu khoáng dùng trong thực phẩm
- Khăn giấy
Hướng dẫn thực hiện:
Bước 1: Rửa sạch cặn thực phẩm
Sau khi sử dụng, bạn cần loại bỏ cặn thực phẩm càng sớm càng tốt. Rửa sạch thớt dưới vòi nước ấm, sử dụng bọt biển mềm chà bỏ các vết dính, đảm bảo không có thực phẩm hay bát đĩa sạch nào ở gần khu vực đó để tránh nước văng tung tóe gây lây nhiễm chéo.
Bước 2: Pha dung dịch làm sạch
Thêm vài giọt nước rửa bát vào chén nước ấm rồi dùng miếng bọt biển nhúng vào, chà xát cả hai mặt của tấm thớt. Lưu ý, không để thớt ngâm trong dung dịch, cũng không đặt thớt gỗ vào máy rửa bát vì nhiệt độ cao và sự tiếp xúc lấy với nước sẽ làm nứt gỗ.
Bước 3: Chà sạch vết bẩn
Nếu nhận thấy có sự đổi màu trên tấm thớt, hãy rắc một lượng vừa đủ baking soda lên khu vực đó rồi dùng nửa quả chanh cọ xát, axit trong quả chanh sẽ tăng cường sức mạnh làm sạch vết bẩn và sáng bóng thớt.
Bước 4: Rửa sạch và lau khô
Rửa sạch thớt trong nước ấm để loại bỏ tất cả các vết bẩn còn lại. Lau khô thớt bằng khăn mềm hoặc thấm khô bằng khăn giấy.
Bước 5: Tiến hành khử trùng
Sau khi hoàn tất các bước trên, bạn dùng giấm trắng chưng cất xịt lên bề mặt thớt, axit trong giấm hoạt động như một chất khử trùng để sử dụng hàng ngày. Bạn cũng có thể thay thế bằng dung dịch hydrogen peroxide 3% (còn gọi là Oxy già, bán tại các nhà thuốc).
Bước 6: Khử trùng sau khi tiếp xúc thực phẩm sống
Ít nhất hàng tuần hoặc sau khi sơ chế với thịt, cá hoặc gia cầm sống, thớt phải được khử trùng kỹ lưỡng bằng dung dịch nước và thuốc tẩy clo. Hòa một thìa cà phê thuốc tẩy vào một lít nước. Cho một nửa dung dịch lên một mặt của thớt và để yên trong năm phút. Rửa sạch bằng nước nóng và lặp lại các bước ở mặt bên kia của thớt.
Bước 7: Làm khô thớt
Đặt thớt gỗ vào khay để ráo nước và khô hoàn toàn trong không khí. Lưu ý không đặt thớt lên mặt bàn phẳng vì đáy có thể bị cong vênh. Không cất một chiếc thớt khi nó chưa khô hoàn toàn vì sẽ gây ẩm mốc.
Bước 8: Bảo dưỡng bề mặt thớt
Nếu thớt bắt đầu trông có vẻ xỉn màu hoặc sờ vào có cảm giác hơi thô ráp thì bạn có thể sử dụng dầu khoáng tinh tế dành cho thực phẩm để thoa lên thớt, để yên ít nhất 2 giờ đồng hồ hoặc qua đêm. Lau sạch dầu thừa bằng khăn giấy, dầu khoáng sẽ "lấp đầy" mọi ngóc ngách trong thớ gỗ và ngăn không cho nước, vi khuẩn xâm nhập vào thớt.