Bạn có biết, những vật dụng chúng ta thường xuyên sử dụng trong phòng bếp lại chính là nơi ẩn chứa nhiều vi khuẩn và vi trùng nhất? Nếu không vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày hoặc thay mới định kỳ thì chắc chắn chúng sẽ trở thành mầm mống gây bệnh cho tất cả các thành viên trong gia đình. Hãy kiểm tra ngay danh sách 5 vật dụng quen thuộc dưới đây để xem có món nào bạn bị bỏ sót trong quá trình vệ sinh hay thay mới không nhé!
1. Thớt
Thớt là một trong những dụng cụ được sử dụng thường xuyên nhất trong căn bếp. Các loại thớt sẽ có tuổi thọ cao nếu được bảo dưỡng đúng cách, ngược lại, nếu không được vệ sinh hàng ngày thì nó sẽ là mầm mống của vi khuẩn gây hại. Sau một thời gian dài, nếu thớt có dấu hiệu bị mài mòn, vết rãnh sâu trên bề mặt thì đã đến lúc bạn nên thay mới vì vi khuẩn trong rãnh lúc này không thể làm sạch hoàn toàn.
2. Miếng bọt biển rửa bát
Trong quá trình rửa bát mỗi ngày, miếng bọt biển chính là vật tiếp xúc với nhiều cặn bẩn từ thức ăn dư thừa trên bát đĩa. Vì vậy cứ sau mỗi lần rửa chén bát là miếng bọt biển nhanh chóng bị bám bẩn. Bạn có thể cho nó vào lò vi sóng/máy rửa chén để tiệt trùng, tuy nhiên đây chỉ là biện pháp tức thời. Hãy thay mới miếng bọt biển trong khoảng 7 ngày để đảm bảo an toàn vệ sinh bạn nhé!
3. Bộ lọc nước
Bộ lọc nước là thiết bị quen thuộc và hữu dụng để tăng chất lượng nước uống. Nhưng bạn có nhớ lần cuối cùng mình vệ sinh bộ lọc này là từ khi nào không? Hãy tham khảo khuyến nghị của nhà sản xuất về thời gian vệ sinh / thay mới bộ lọc nước (thông thường khoảng 2-6 tháng/lần) để đảm bảo chúng không tồn đọng nhiều cặn bẩn dẫn đến tác dụng ngược không như mong muốn.
4. Khăn lau bát, giẻ lau bàn
Khăn lau bát đĩa hay giẻ lau bàn là những vật dụng tuy nhỏ nhưng rất dễ bám bẩn và trở thành nơi sinh sôi phát triển của vi khuẩn. Khăn lau trực tiếp vào bát đĩa cần được giặt riêng mỗi ngày để ngăn ngừa vi khuẩn. Giẻ lau bàn tuy không chạm vào bát đĩa ăn uống trực tiếp nhưng chất bẩn và vi khuẩn từ giẻ có thể truyền sang tay của bạn khi thao tác. Vậy nên nó cũng cần được giặt sạch và giặt riêng mỗi ngày!
5. Lọ đựng gia vị
Bạn cảm thấy rất bất ngờ đúng không nào? Tại sao lọ đựng gia vị lại có thể chứa cặn bẩn hay vi khuẩn? Rất đơn giản, chúng ta thường hay có thói quen đổ thêm gia vị vào lọ khi gia vị cũ trong lọ chuẩn bị hết. Chính thói quen tưởng chừng vô hại này sẽ khiến cho gia vị cũ đọng lại dưới đáy lọ, sau một thời gian nó cũng sẽ hết hạn sử dụng (chỉ vài tháng theo như bao bì khuyến cáo) và chắc chắn sẽ gây hại cho sức khỏe của người sử dụng.
Bình luận