Tại sao Zara lại "có vẻ xịn" hơn những thương hiệu thời trang nhanh khác?
- Bánh bèo bồng bềnh
- Đăng lúc: Thứ hai, 14/03/2022 10:49 (GMT +7)
Zara, H&M, Uniqlo đều là những thương hiệu thời trang nhanh. Tuy nhiên, tại sao Zara trông lại có vẻ "xịn" hơn rất nhiều so với những thương hiệu khác?
Zara - thương hiệu thời trang nhanh hàng đầu thế giới, dù thực chất cùng thuộc một phân khúc với H&M, Forever 21 hay Uniqlo, nhưng bằng cách nào đó vẫn khiến công chúng nghĩ rằng mình "xịn' hơn những thương hiệu khách.
Tại sao, dù không chi tiêu quá nhiều cho các chiến dịch Marketing nhưng Zara vẫn đưa tên tuổi của mình phủ kín toàn cầu?
1. Xác định đúng tập khách hàng
Tập khách hàng chính của Zara là những người trẻ. Tuy nhiên, Họ không phải là những cô cậu bé tuổi teen hay đại học với túi tiền ít ỏi. Tập khách hàng của Zara là những người trẻ đã đi làm và có một chút tài chính. Họ muốn cải thiện hình ảnh của mình để trở nên sang chảnh hơn nhưng không khiến cho mình cháy túi.
Khi hiểu được tâm lý đó, Zara đã liên tục cho ra đời những thiết kế làm hài lòng khách hàng của mình.
Chuyện Zara "học tập" những thương hiệu cao cấp đã không có gì quá ngạc nhiên. Những thiết kế của các thương hiệu cao cấp sẽ ngay lập tức xuất hiện phiên bản "chị em sinh đôi" tại cửa hàng của Zara chỉ sau khi được "cha sinh mẹ đẻ" vài tuần. Thậm chí, đôi khi Zara còn không cần phải thay đổi bất kỳ chi tiết nào mà đem luôn thiết kế gốc đi sản xuất.
Về mặt đạo đức, đây là việc ăn cắp chất xám trắng trợn. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, Zara không hề sai (thời trang không phải là lĩnh vực được bảo hộ sáng tạo). Ở phía khách hàng, họ cũng không quá quan tâm, miễn sao họ được mặc "đồ hiệu" với mức giá phải chăng.
2. Không bao giờ để logo lên trên ấn phẩm truyền thông
Nếu như với các thương hiệu khác, logo là dấu hiệu nhận diện đầu tiên thì Zara lại không nghĩ như vậy. Thương hiệu Tây Ban Nha ít khi để logo lên ấn phẩm truyền thông của mình. Điều này giúp cho các khách hàng khó thể phân biệt được đâu là Zara, đâu là những thương hiệu cao cấp nếu như cả hai thương hiệu được để cạnh nhau.
3. Thường xuyên mời những gương mặt từng hợp tác với những thương hiệu lớn
Theo sau chính sách không logo, Zara cũng ưu tiên mời những người mẫu có thời gian gắn liền với các thương hiệu thời trang cao cấp. Nhờ vậy khi nhìn những hình ảnh của Zara, khán giả vô thức nghĩ rằng đồ Zara rất "xịn".
4. Đặt cửa hàng tại những đại lộ lớn
Zara không ngần ngại chi trả một số tiền cực kỳ lớn để đặt mặt bằng tại những đại lộ mua sắm lớn nhất thế giới. Ai là "hàng xóm" của Zara? Chính là những Louis Vuitton, Dior, Hermès, Tiffany & Co,... Vậy là khi lướt qua những trung tâm này, các khách hàng cũng vô tình mặc định rằng, Zara "bằng vai phải lứa" với những ông lớn trăm năm tuổi.
5. Không gian bài trí cửa hàng
Zara có một không gian bài trí vô cùng sang trọng. Không gian màu trắng, nhiều ánh sáng, những ma nơ canh màu trắng không mặt, nhân viên mặc đồng phục chuyên nghiệp. Đây chính là những yếu tố được các thương hiệu lớn áp dụng từ những ngày đầu đến nay và Zara đã đem chúng tới cửa hàng của mình.
Giới chuyên gia đánh giá, ngay cả khi có những hành vi sao chép trắng trợn và đối mặt với những khó khăn do đại dịch Covid - 19, nhưng Zara chắc chắn vẫn sẽ phát triển mạnh mẽ hậu đại dịch nếu vẫn tiếp tục áp dụng những chiến lược thông minh này.