Cơn ác mộng người mẫu "Size 0": Người mẫu nhịn ăn, "Bạch Cốt Tinh" hiện hình trên sàn diễn
- Lu Ân
- Đăng lúc: Thứ tư, 13/07/2022 17:44 (GMT +7)
Làng thời trang thế giới từng khắt khe thế nào với người mẫu, nhiều trường hợp xỉu trên sân khấu để duy trì thân hình gầy trơ xương đáng sợ.
Ánh mắt vô thần, dáng đi lêu khêu, gương mặt thiếu sức sống là những gì chúng ta được thấy trên sàn diễn quốc tế nhiều năm trước. Làng mốt thời trang từng đối diện với sự chỉ trích khi đặt ra những tiêu chuẩn quá khắt khe với các người mẫu. Nhưng phía sau sự lộng lẫy, màn trình diễn kiêu kỳ, điệu đà, cao sang trên sân khấu là những tháng ngày phải nhịn ăn, uống thuốc giảm cân để duy trì vóc dáng "size 0", cốt yếu là để sinh tồn trong ngành công nghiệp dễ bị đào thải này.
Nỗi ám ảnh với vóc dáng "size 0": Càng gầy càng tốt
Chưa bao giờ công khai bắt buộc nhưng bất cứ người mẫu nào cũng hiểu rằng để được trình diễn, họ phải thật gầy, gầy đến trơ xương. Họ bất chấp những rủi ro về sức khỏe hoặc thậm chí là tính mạng để nhịn ăn, tập luyện cường độ cao để duy trì được thân hình đạt chuẩn.
Để tạo ra sức ảnh hưởng phải có người "mở đường". Năm 1990, nữ siêu mẫu Kate Moss và thương hiệu Calvin Klein khi cùng kết hợp trong bộ sưu tập mới đã gây tranh cãi khi mặc nội y, khoe thân hình gầy gò, xanh xao. Là một trong những người mẫu biểu tượng của thời điểm đó, tỷ lệ quần áo (76-56-81) của Kate Moss trở thành chuẩn mực "size 0". Nhiều cô gái trẻ ôm mộng nổi tiếng nên quyết tâm nhịn ăn, giảm cân để, khoe "mình hạc xương mai" trên sàn catwalk. Từ đó, giới người mẫu ngấm ngầm tự quy định với nhau: Chỉ khi ai đó thật gầy, họ mới được các thương hiệu để ý.
Điều này đã dẫn đến thực trạng tiêu cực trong xã hội, đặc biệt là các cô gái mê làm đẹp, muốn được trở thành người mẫu. Họ chấp nhận nhịn ăn, uống nước dưa leo để cầm hơi hay thậm chí là sử dụng chất gây nghiện để chống lại cảm giác thèm ăn. Nhiều tờ báo quốc tế như New York Times, U.S. News hay World Report đã thẳng thắng lên án, cũng như thẳng tay bài xích tư tưởng độc hại này. Họ gọi việc làm này là "vô đạo đức", "một xu thế tàn nhẫn".
Trong thời trang, những kẻ được gọi với danh xưng huyền thoại hoá ra chỉ là những người ích kỉ, họ bỏ qua mọi lợi ích xã hội và chỉ nghĩ đến quan điểm duy mĩ của bản thân. Điển hình là Saint Laurent, một thương hiệu Pháp nhiều năm nay vẫn không thay đổi quan điểm của mình về người mẫu. Dù nhận nhiều chỉ trích nhưng thương hiệu này chỉ dùng người mẫu "size 0" trong suốt nhiều năm qua. Những thiết kế của Saint Laurent cũng được cho là kén người mặc vì chúng chỉ vừa vặn với một cơ thể siêu gầy.
Những câu chuyện tang thương về người mẫu "size 0"
Biếng ăn, bị bỏ đói, trở thành công cụ kiếm tiền của gia đình hay phải chịu đựng sự khắc nghiệt để tiếp tục sải bước trên sàn catwalk, những người mẫu "size 0" được ví như những con thiêu thân lao vào ánh sáng, bất chấp cả mạng sống của mình.
Năm 2017, dư luận rúng động trước câu chuyện của người mẫu người Nga Katerina Laktionova khi cô bị mẹ bỏ xác vào vali và phi tang. Theo khám nghiệm, khi ấy cô chỉ nặng 35kg và chết vì chứng biếng ăn. Chính mẹ cô là người đã ép con gái đến cái chết chỉ vì sống trong ảo mộng một ngày Katerina sẽ trở nên nổi tiếng và săn đón vì thân hình đạt chuẩn.
Những người mẫu kể trên, trong suốt thời gian hoạt động, họ sống với khao khát một ngày sẽ nổi tiếng khi mình ốm hơn nữa nhưng kết quả, lúc cả thế giới biết đến tên tuổi của họ thì các cô gái đã không còn sống để hưởng thụ vinh quang mà sự nổi tiếng mang lại. Vậy mà ở ngoài kia, còn rất nhiều người mẫu vẫn lấy thân hình "size 0" làm kim chỉ nam cho cuộc đời mình. Nếu xã hội vẫn tiếp tục tạo nên những định kiến độc hại, gây áp lực bằng những lời nói chỉ trích cơ thể người phụ nữ, thì tiêu chuẩn này sẽ vẫn tồn tại và trở thành liều thuốc độc, gặm nhấm nhiều thế hệ mai sau.