Con trai nhạc sĩ Văn Cao bức xúc về việc Quốc ca bị tắt tiếng

Trước sự việc Quốc ca bị tắt tiếng trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Lào tại AFF Cup, con trai nhạc sĩ Văn Cao - họa sĩ Văn Thao - đã bày tỏ sự bức xúc.

Hashtag: Nóng trên mạng xã hội

Mới đây, họa sĩ Văn Thao - con trai cố nhạc sĩ Văn Cao - đã cho biết bản thân rất bức về việc việc Quốc ca bị "đánh bản quyền" tại AFF Cup. Kể từ tối qua, không chỉ trên mạng xã hội mà ông cũng nhận được nhiều cuộc gọi, tin nhắn hỏi han về sự việc. Ông cũng tiết lộ việc trước đó, ông đã đưa ra quan điểm của mình tại Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam.

Ngoài ra, ông khẳng định, gia đình đã hiến tặng ca khúc này cho nhân dân, Nhà nước nên bản quyền tác phẩm thuộc về quốc gia. Họa sĩ Văn Thao bày tỏ: "Vụ việc các kênh YouTube tắt tiếng Quốc ca đã xảy ra và đây không phải lần đầu. Cách đây nửa tháng, chúng tôi họp ở Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, tôi cũng phát biểu rồi. Nếu ca khúc Tiến quân ca còn thuộc về gia đình thì vấn đề nó khác.

Họa sĩ Văn Thao bức xúc lên tiếng vụ Quốc ca bị tắt tiếng trong trận đấu giữa Việt Nam và Lào

Nhưng thực hiện theo nguyện vọng của cha tôi, cố nhạc sĩ Văn Cao nên gia đình đã hiến tặng ca khúc Tiến quân ca cho nhân dân, nhà nước Việt Nam. Như vậy, bản quyền của tác phẩm thuộc về quốc gia, về nhân dân chứ không còn thuộc về gia đình nữa. Gia đình tôi thấy rất buồn, lạ và vô lý trước sự việc Quốc ca bị "đánh gậy bản quyền". Nhân dân còn bức xúc nữa là gia đình tôi. Gia đình tôi rất bức xúc. Họ đã xâm phạm bản quyền của quốc gia.

Còn việc có tổ chức nào đó đứng ra nhận là bản ghi âm của mình, nhưng khi làm bản đó họ có hỏi đến quyền tác giả ca khúc không? Thế là họ vi phạm rồi. Nếu họ dàn dựng bản ghi âm đó thì họ phải hỏi tác giả, phải xin phép chứ? Giờ là phải xin phép nhà nước chứ? Nếu không xin phép thì họ đã vi phạm bản quyền quốc gia. Mà vi phạm bản quyền quốc gia, thì đại diện là Bộ Văn hóa đứng ra xử lý việc này cho rõ ràng".

Xem thêm: Quốc ca bị tắt tiếng: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lên tiếng, VFF gửi bản thu âm Quốc ca mới

Tháng 7/2016, gia đình nhạc sĩ Văn Cao đã tặng ca khúc "Tiến quân ca" cho Nhà nước và nhân dân

Ông cho biết thêm: "Từ khi ca khúc này ra đời, cố nhạc sĩ Văn Cao và gia đình chúng tôi chưa nhận bất cứ một đồng nào tiền bản quyền của tác phẩm này. Khi cha tôi mất đi, ông bảo: "Các con đừng bao giờ lấy tiền bản quyền ca khúc Tiến quân ca và sau này, đến lúc nào đó, thay mặt bố, bàn giao ca khúc này cho Nhà nước và Nhân dân". Chúng tôi đã làm đúng nguyện vọng của nhạc sĩ Văn Cao. Tiến quân ca hoàn toàn là tài sản của Nhà nước, của Nhân dân. Tôi tin là các cơ quan chức năng sẽ làm rõ vấn đề này".

Xoay quanh nghi vấn về bản quyền ghi âm Quốc ca lần này, họa sĩ Văn Thao nhấn mạnh: "Tôi từng có cuộc nói chuyện với chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam, ông Đỗ Hồng Quân. Trước đây, Nhà nước từng làm một bản Quốc ca rất cẩn thận, phối khí dàn dựng đàng hoàng, sau đó in tem, Bộ ngoại giao thống nhất chuyển giao bài đó cho đại sứ quán các nước có liên hệ với mình. Để khi các nước sử dụng, cử hành các nghi lễ ngoại giao sẽ sử dụng thống nhất một bản Quốc ca.

Sau khi Việt Nam thống nhất, bài Quốc ca đó bản thân trong nước cũng sử dụng chưa thống nhất. Lẽ ra, Quốc ca chỉ sử dụng thống nhất một bản thôi nhưng mỗi Đài phát một bản phối khí khác nhau. Theo tôi, hiện tại Bộ Văn hóa, Bộ Ngoại giao và Hội nhạc sĩ chưa làm được một bản Quốc ca để sử dụng thống nhất trong nước cũng như Quốc tế. Bản thân, cố nhạc sĩ Văn Cao có bản phối khí rồi, tại sao không dùng luôn bản của nhạc sĩ? Giờ mỗi người phối khí bản nhạc một kiểu, không thống nhất. Theo tôi đây là một sơ suất!"

Việc tặng ca khúc "Tiến quân ca" cho Nhà nước và nhân dân cũng là tâm nguyện của nhạc sĩ Văn Cao

Trước đó, trong trận đấu giữa Việt Nam và Lào trên sân Bishan (Singapore), ở phần hát Quốc ca, khán giả theo dõi trên kênh YouTube không nghe được lời bài hát Quốc ca với lý do "bản quyền". Cụ thể, trên màn hình trận đấu hiện ra thông báo: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong khán giả thông cảm".

Sự việc vào tối ngày 6/12 khiến cho nhiều người bức xúc

Sự việc này khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng vì ngay chính Quốc ca của nước mình lại không được nghe. Ngay lập tức, nhiều cư dân mạng đặt ra nghi vấn liệu các kênh trên nền tảng mạng xã hội "tắt tiếng" phần hát Quốc ca vì lo ngại bị BH Media "đánh bản quyền". Tuy nhiên, phía BH Media đã lên tiếng phủ nhận: "Vụ việc các kênh YouTube tắt tiếng Quốc ca lần này không hề liên quan đến BH Media". Hiện, sự việc đang nhận được sự quan tâm, theo dõi của cư dân mạng. 

Video nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói về nhạc sĩ Văn Cao:

Bài liên quan

News feed