Muốn gia đình hạnh phúc hãy để vợ được chiều và để chồng được “sĩ”
- Mèo Già Lý Sự
- Đăng lúc: Thứ ba, 06/10/2020 17:57 (GMT +7)
Những gia đình hạnh phúc hầu như có chung công thức “vợ được yêu chiều, chồng được tôn trọng". Khi mỗi người hạnh phúc, tự khác gia đình lúc nào cũng ấm êm.
Nói một cách khác, khi chung sống trong một gia đình, mỗi thành viên đều có sự ảnh hưởng chặt chẽ đến nhau. Một gia đình hạnh phúc nghĩa là gia đình có mọi thành viên đều hạnh phúc, bởi khi họ hạnh phúc họ mới lan tỏa năng lượng tích cực đến người xung quanh được. Nhưng làm thế nào để mỗi thành viên hạnh phúc?
“Vợ vui, đời mới vui”
Phái nữ thường được gán cho những cái tên nghe là đã muốn nâng niu: “phái yếu”, “phái đẹp”,… Nhưng thực chất, trong xã hội, có mấy phụ nữ thực sự được nâng niu. Cánh đàn ông vốn thường có câu “Chẳng dại mà đưa mồi cho con cá đã cắn câu”. Ấy thế là, khi đã thành vợ thành chồng, các ông lại chẳng mặn mà tới việc “chiều vợ”.
Lại thêm quan điểm phụ nữ phải giữ chồng, phải tề gia nội trợ ăn sâu vào trong gốc rễ lâu đời khiến các ông lại càng “chảnh” sau khi đã rước được nàng về dinh. Rồi các bà cứ lui cui trong “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, cáu kỉnh vì đã làm nhiều còn chả được yêu, hoặc nếu không thì lại phải “tự vui”, tự chiều chuộng bản thân, chả cần chồng vẫn cứ vui.
Phần lớn trong các gia đình hiện tại, đàn bà vẫn là người đóng vai trò xây tổ ấm. Cứ thử đặt mình vào trong một người phụ nữ chỉ coi “tổ ấm” là trách nhiệm, hoặc chẳng cần “tổ ấm” vẫn vui, thì liệu người ta có thể dụng tâm, xây dựng nên một gia đình hạnh phúc. Quy luật bất biến: bạn chỉ có thể mang lại hạnh phúc cho người khác khi bản thân bạn hạnh phúc. Để xây dựng nên một chốn bình an, trước tiên người phụ nữ ấy phải có cảm giác an toàn, yên ổn. Điều ấy được tạo nên bởi sự nâng niu, không chỉ về thể chất mà còn về tinh thần.
Hãy giữ cho chồng thể diện
Có một câu nói muôn thuở mà rất nhiều chị em Việt hay quở chồng “Ông chỉ được cái sĩ”. Vậy mà nhiều khi, chị em lại không biết, “để chồng được sĩ” là một cách mang tới hạnh phúc cho gia đình, hay nói một cách bớt “thô”, là hãy giữ cho chồng thể hiện hay chính xác hơn là tôn trọng anh ấy.
Đàn ông có tự trọng rất lớn. Nếu như phụ nữ cần được nâng niu, thì đàn ông cũng cần được chiều chuộng, nhưng không phải theo cách vỗ về dịu êm, mà là tôn trọng. Eggerichs từng nói: “Người đàn ông cần sự tôn trọng giống như cần không khí để thở”. Nếu phụ nữ khao khát sự nâng niu, yêu chiều thì đàn ông lại khao khát sự tôn trọng. Có thể bạn nghĩ điều này hơi có chút “hư vinh”, nhưng đó lại là một yêu cầu hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Sự tôn trọng nghe có vẻ đơn giản, nhưng đôi khi cần đến thái độ khách quan và bình tĩnh. Dù vợ chồng ngày ngày ở cạnh nhau, nhưng không phải lúc nào cũng có chung ý kiến. Việc bất đồng ý kiến khi ngày ngày phải đối mặt nhau rất dễ chuyển hoá thành sự chịu đựng, dồn nén. Tôn trọng sự khác biệt và khả năng cân đối, dung hoà khác biệt để có thể duy trì sự tôn trọng bền vững là một nghệ thuật.
Mặt khác, việc chồng nâng niu vợ, vợ tôn trọng chồng là một mệnh đề hai chiều để vế kia có thể tiếp tục diễn ra. Người vợ trong tâm thái an định có thể bình tâm nhìn sự việc thấu đáo, dịu yên như dòng nước để có thể tôn trọng chồng vô điều kiện. Người chồng được tôn trọng cũng giống như được xoa dịu, thoả mãn, để có thể vui vẻ truyền tải tình yêu thương tới vợ mình.
Và đừng quên tôn trọng con cái
Đôi khi, vì nhỏ tuổi mà các con “bị” bố mẹ cho là chẳng biết gì, và không được “trứng khôn hơn vịt”. Ta vô tình áp những quan điểm của ta là đúng, vì ta trải nghiệm nhiều hơn. Tuy nhiên, đôi khi, việc trải nghiệm nhiều hơn lại khiến các bậc phụ huynh có định kiến khi nhìn sự vật, sự việc, thiếu khách quan hơn đôi mắt con trẻ. Hơn nữa, mỗi người có một góc nhìn khác nhau, một quan niệm khác nhau. Ta sinh ra con, nuôi con lớn không có nghĩa ta có quyền áp đặt.
Nhiều bậc phụ huynh không chỉ áp đặt cách hành xử mà còn áp đặt cả suy nghĩ, cảm xúc của con, không cho phép con được buồn, dỗi, thất bại. Lâu dần, con mất đi sự hạnh phúc. Một nhân tố không hạnh phúc, gia đình sao có thể hạnh phúc.
Việc bố mẹ tôn trọng con, chấp nhận cảm xúc của con, thực lòng quan tâm, đồng hành với con chứ không phải gò ép con thực hiện những gì mình cho là tốt sẽ khiến con được nuôi dưỡng trong sự hạnh phúc vẹn tròn. Có một nguyên lý thường được sử dụng để luyện tập chánh niệm, nhưng tôi thiết nghĩ cũng có thể sử dụng trong việc giúp con cảm thấy được tiếp nhận.
“RAIN-cơn mưa”: Recognize – Nhận ra, Accept – Chấp nhận, Investigate – Nghiên cứu, Nurture – Nuôi dưỡng. Đó cũng chính là một nguyên tắc tôi cho rằng nên áp dụng trong mối quan hệ với con trẻ: Biết về con, chấp nhận những gì thuộc về con, hiểu con hơn và nuôi dưỡng thế mạnh, tâm hồn của con.
Nếu làm được như vậy, đoan chắc, con sẽ lớn lên trong hạnh phúc. Bên cạnh đó, những mâu thuẫn, cãi cọ không cần thiết giữa con và bố mẹ cũng sẽ giảm thiểu đáng kể, không khí gia đình cũng đầm ấm, hoà hoãn hơn.