Da làm bằng nước dừa: Vật liệu thân thiện môi trường dành cho tương lai
- Bánh bèo bồng bềnh
- Đăng lúc: Thứ hai, 06/12/2021 15:13 (GMT +7)
Malai BioMaterials – một công ty khởi nghiệp tại Ấn Độ đã cho ra mắt dòng da làm bằng nước dừa.
Khi nghĩ về nước dừa, người ta thường mường tượng đến những bãi biển xanh, nắng vàng và cát trắng. Tuy nhiên, một công ty khởi nghiệp tại Ấn Độ đã suy nghĩ khác: Họ sử dụng nước dừa để làm nên một loại vải hữu cơ thân thiện với môi trường.
Để tạo nên được chất liệu này, công ty sẽ thu thập nước dừa từ địa phương và các nhà máy. Sau đó họ đem chúng đi khử trùng và biến chúng thành một chất dinh dưỡng hoàn toàn tự nhiên nhằm nuôi cấy vi khuẩn.
Sau 2 tuần lên men, sản phẩm sẽ hình thành một lớp thạch cellulose. Lớp thạch này có độ bền cơ học nhất định, có tính đàn hồi cực tốt không thua gì những loại da động vật quen thuộc. Tuy nhiên, để chúng bền vững hơn, công ty vẫn đem lớp thạch này đi xử lý bằng việc bổ sung thêm một số thành phần như chuối, cây gai và lá tếch.
Sau đó, lớp màng này được phơi khô tự nhiên rồi lại được làm mềm bằng nước. Lúc này, "lớp màng" ban đầu nhìn đã bắt đầu giống một tấm da.
Toàn bộ quy trình này không sử dụng bất kỳ loại nhựa nào. Tin vui là sản phẩm tiêu thụ cực kỳ ít năng lượng và thải rất ít nước thải ra ngoài môi trường.
Trong thời gian gần đây, ngành thời trang đang ngày càng cho ra mắt nhiều nguyên liệu thân thiện hơn với môi trường. Stella McQueen là thương hiệu tiên phong trên con đường "xanh hóa" ngành thời trang. Thương hiệu cho ra đời loại da làm bằng nấm.
Hermès cũng không kém cạnh trong cuộc đua khi cho ra đời mẫu túi làm bằng nấm. Nhà vô địch quần vợt, Serena Williams, đã tung ra một dòng quần áo thuần chay lấy cảm hứng từ những người phụ nữ mạnh mẽ.
Những động thái này của các thương hiệu và những người có tầm ảnh hưởng hứa hẹn về một tương lai "xanh" hơn của ngành công nghiệp thời trang. Dù vậy, bất chấp những tín hiệu lạc quan, giới chuyên gia đánh giá quá trình "xanh hoá" ngành công nghiệp thời trang vẫn sẽ là một con đường rất dài và chông gai, với những khó khăn không chỉ liên quan đến yếu tố sản xuất, tiêu thụ mà còn bị chi phối bởi vấn đề nhận thức.