Để bớt sống mông lung, hãy định hình cho mình một triết lý sống
- Sky
- Đăng lúc: Thứ sáu, 05/02/2021 18:16 (GMT +7)
Triết lý sống giống như một sợi dây, để bạn nương vào đó và ra những quyết định quan trọng trong cuộc sống.
Tầm quan trọng của việc có một triết lý sống
Xã hội là một tổng thể của những điều khác biệt, đa dạng. Ngoài những gì hiển hiện trước mắt ta, trí tưởng tượng, tài hình dung và suy luận của con người đã tạo nên rất nhiều hệ thống vô hình để thiết lập và duy trì trật tự xã hội.
Con người càng phát triển thêm những hệ thống triết lý, thế giới quan thêm phức tạp, và “thế giới phẳng” giúp ta có cơ hội tiếp cận thêm nhiều luồng tư tưởng. Bởi vậy, chúng ta dễ bị mông lung khi chưa xác định được những giá trị mà mình theo đuổi.
Việc dành thời gian để suy ngẫm, quyết định phong cách sống, hoặc nói tổng quan hơn là triết lý sống là rất quan trọng. Triết lý sống là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời, là gốc rễ để bạn hình dung ra những tầng lớp ý nghĩa khác của đời mình. Nó giống như một sợi dây, để bạn bám vào đó, đưa ra những quyết định quan trọng, giúp bạn kiểm soát chuỗi hành động và sống có mục đích, mục tiêu.
Để định hình triết lý sống không dễ, nhưng không quá khó. Trước tiên, hãy tập trung, cố gắng loại bỏ những thói quen xã hội, sức ép từ gia đình, ý kiến của bạn bè, chỉ hướng về bản thân, suy nghĩ và sắp xếp các ưu tiên cuộc sống của mình. Ví dụ như “sống an yên không âu lo”, “trải nghiệm nhiều điều khác biệt”, “hưởng thụ vật chất”, “danh tiếng”, “sự nghiệp”, “gia đình”, "tiền", "tình yêu nam nữ", "tình dục"…
Điều này thoạt tiên có vẻ khó vì con người ta có xu hướng muốn tất cả cùng một lúc. Tuy nhiên, hãy tưởng tượng khi bạn đang leo núi, bạn mang theo quá nhiều hành lý trĩu nặng, tới một lúc mệt nhoài, bạn buộc phải ném bớt đồ đi để tiếp tục cuộc hành trình, thứ gì sẽ được chọn đồng hành cùng bạn. Cuối cùng, bạn sẽ biết được mong muốn tối thượng và triết lý sống của mình.
Cụ thể hóa triết lý sống - cụ thể hóa điều mình mong muốn
Sau bước đầu tiên, việc quan trọng không kém là cụ thể hóa triết lý và mong muốn đó, định nghĩa rõ ràng thêm về nó. Khá nhiều người đã lạc lối mông lung, phí hoài nhiều thời gian của bản thân chỉ vì không mường tượng được rằng: “Mình muốn hạnh phúc nhưng hạnh phúc là gì”, “Mình muốn có nhiều trải nghiệm nhưng không biết là trải nghiệm gì”, “Mình muốn đấu tranh cho quyền phụ nữ nhưng đấu tranh như thế nào”. Việc cụ thể hóa mục tiêu sẽ giúp chúng ta biến những kế hoạch thành hành động, chứ không mãi chỉ là một ước mơ nhạt nhòa.
Để hình dung rõ hơn việc này, tôi xin phép được gợi ý bạn theo dõi bộ phim “The Bucket List” của hai huyền thoại nổi tiếng Hollywood: Morgan Freeman và Jack Nicholson.
Khi hai người đàn ông sống qua cả đời người cận kề cái chết nằm cùng một phòng bệnh, Edward – một thương gia thành công đã đọc danh sách những điều muốn làm trước khi “vô hòm” của Carter – một người đàn ông khá “học thuật” đã tiếp cận được với phương pháp viết ra điều mình muốn để hoạch định tương lai nhưng chưa bao giờ hiện thực hóa được nó.
Cuối cùng, Edward đã sửa “Chứng kiến điều gì đó vĩ đại” thành “Ngắm cảnh từ đỉnh Himalaya” sau khi nói chuyện thêm với Carter và thôi thúc Carter thực hiện những điều ông viết trong danh sách cùng nhau, vì cả hai chỉ còn vài tháng để sống.
Vậy đó, đừng để tới tận khi gần đất xa trời, bạn vẫn ngồi trên giường bệnh, sắp xếp lại danh sách của mình và vẫn là một thứ gì đó rất chung chung, không thể biến từ lời nói thành hành động, để rồi mọi thứ luôn là ảo ảnh nhạt nhòa.
Thường trước khi cụ thể hóa triết lý và mong muốn sống của bản thân, bạn sẽ phải tìm hiểu thông tin, với khá nhiều trường phái và sự lựa chọn. Sau đó, chúng ta có thể tìm hiểu sâu những phương pháp để đạt được triết lý, thông qua các kỹ thuật mà nhiều nhà triết học, nhà khoa học, nhà tâm lý học hướng dẫn.
Khi có bề dày kiến thức và độ hiểu biết nhất định, bạn sẽ có một sức mạnh nội tâm mạnh mẽ hơn để duy trì phong cách, triết lý của mình trước những xao nhãng, định kiến của cuộc sống. Đôi khi, xã hội Á Đông tôn vinh giá trị tập thể khiến bạn gặp khó khăn để quyết định những mục tiêu riêng của cá nhân, nhưng xin hãy hiểu cho, nếu bạn không hạnh phúc, bạn chẳng thể làm người khác hạnh phúc; nếu không có sức mạnh, bạn cũng chẳng thể giúp đỡ hoặc đóng góp cho ai khác.
Việc có một triết lý sống chặt chẽ giúp bạn có gốc rễ, còn việc cụ thể hóa nó và đi đến hành động chính là chiến lược sống để đạt được mục tiêu tối thượng. Đừng ngại ngần vì nghe tới triết lý - một từ quá hàn lâm, mà mải mê đuổi theo những mục tiêu xao nhãng nhỏ nhặt và cảm thấy đó là “sống thực tế”. Điều này có thể mất chút thời gian ban đầu, nhưng nó sẽ giúp bạn tiết kiệm năng lượng để không uổng phí vào những lựa chọn sai lệch với giá trị quan trọng nhất mà mình phù hợp và mong muốn.
Thời gian bạn tồn tại trên đời là hữu hạn, đừng uổng phí và mông lung chỉ vì thiếu đi một triết lý sống!