Gửi những người đồng nghiệp cũ: Mong chúng ta đều an nhiên sau này!

Cọp Nhồi Bông Đăng lúc: Thứ năm, 17/09/2020 11:21 (GMT +7)
Vậy là hai người đồng nghiệp chúng ta đã rẽ sang hai con đường khác nhau, nhưng những ngày tháng kỳ quặc mà chúng ta đã cùng trải qua, chẳng bao giờ quên được.

Gặp nhau ở cùng một chốn với những mục tiêu công danh, sự nghiệp. Khi ra đi, chúng ta kẻ thì đau lưng nằm bẹp giường, người thì triền miên mất ngủ vì những ngày căng thẳng. Bỏ lại những ngày tháng đấu trí, đấu sức với công việc, cuối cùng chúng ta trở lại những người đồng nghiệp cũ với rất nhiều kỉ niệm.

Nhớ mãi những tháng ngày chạy đua với deadline

Những buổi 11 giờ đêm vẫn còn online máy tính bàn chuyện công việc, chỉ nhau làm một mớ chứng từ dài cho những hóa đơn văn phỏng phẩm, điện nước đôi ba trăm. Ừ thì thôi, chọn thì phải chịu, quy định của cơ quan thế, trách nhiệm của mình phải hoàn thành, biết làm sao.

Những lúc chị em mệt lả, rủ nhau gọi cốc trà sữa “thêm đường, thêm năng lượng”, rồi hôm sau lại tá hỏa gửi cho nhau xem những tin tức đáng sợ về trà sữa bẩn, về người mắc ung thư vì uống quá nhiều thức uống không đảm bảo.

Đã có những ngày, chúng ta cùng liêu xiêu ở chốn quay cuồng ấy.
Đã có những ngày, chúng ta cùng liêu xiêu ở chốn quay cuồng ấy.

Những ngày cuối tuần, người ta ở nhà chill với gia đình, còn chúng ta lóc có tới văn phòng, một núi việc đang chờ nhưng vẫn phải dành thời gian than thở. Chị động viên em, em động viên chị, cố gắng đừng nhìn tất cả đống việc khổng lồ ấy, hãy chỉ tập trung vượt qua từng ngọn núi một thôi.

Những lúc mệt mỏi cả hai cùng trốn vào một góc, chị thấy dòng nước mắt đang lăn trên má em, lại khẽ khàng khép cửa lánh đi nơi khác. Đôi khi, con người ta chỉ cần được yên tĩnh để tự xả hết những nỗi muộn phiền qua giọt nước mắt rơi.

Và cả những lúc chúng ta ở hai đầu chiến tuyến

Biết là đồng nghiệp cần phải hỗ trợ nhau, biết là “lá lành đùm lá rách”, nhưng nếu hai lá cùng rách thì phải làm thế nào. Có đôi khi, ở nơi công sở, bản năng sinh tồn, bảo vệ bản thân trỗi dậy, ta buộc phải làm như thế. Nếu không là chị, thì sẽ là em, chọn tàn nhẫn một chút, hay là làm mình khổ, làm cũng dở, không làm cũng dở.

Nhìn những người xung quanh đang mệt mỏi cạn kiệt dần, lòng thật buồn nhưng cũng chẳng biết làm sao. Có những người khi mệt họ thể hiện sự yếu mềm, suy sụp, có những người trở nên gai góc, ích kỷ để bảo vệ mình, có những người dùng lời nói khó nghe chì chiết, có những người trở thành bàng quan, sống chết mặc bay, ta chỉ lo sống đời ta.

Nhiều khi còn chẳng thể đưa tay giúp nhau. Vì ai cũng cạn kiệt quá rồi.
Nhiều khi còn chẳng thể đưa tay giúp nhau. Vì ai cũng cạn kiệt quá rồi.

Người ta bảo, cái gì cũng có giá của nó…

Những áp lực đánh đổi bằng đồng lương cuối tháng, bằng chế độ phúc lợi mà ít cơ quan khác có được. Ta bào mòn sức khỏe mình để đổi lấy tiền, lấy phúc lợi, rồi lại dùng những thứ đó để chi trả tiền khám bệnh, chữa trị.

Một ngày đến cơ quan, được tin chị ốm, lưng đau quá phải nằm bẹp, không thể tới chỗ làm. Vừa gọi hỏi thăm nhau dăm ba câu, chị đã chuyển sang chủ đề công việc, lo lắng tột độ cho những gì dang dở chị phải để lại vì đau yếu. Nghe mà xót xa!

Người đồng nghiệp cùng bộ phận chị cũng đang quay cuồng trong đống việc của bản thân, lại lãnh thêm phần của người nghỉ ốm. Mỗi khi có ai đến hỏi, chị gắt lên: “Không biết, chờ X. đến mà hỏi, tôi cũng thở không ra hơi rồi! Ước gì cũng ốm liệt giường quách đi để có cớ ở nhà!”.

Nực cười thay, có lúc người ta lại sợ công việc tới mức muốn đánh đổi sức khỏe, thứ quý giá nhất mà một khi mất đi khó lòng lấy lại được. 

Ta chỉ chịu dừng lại khi cơ thể ta tới ngưỡng.
Ta chỉ chịu dừng lại khi cơ thể ta tới ngưỡng.

Ai ai cũng trượt dài trong guồng quay ấy, không còn là chính mình. Khi sức khỏe thể chất và tinh thần không ổn, người ta khó lòng hoàn thành nhiệm vụ một cách tròn trịa, và thế là lại trách móc, quở mắng, chì chiết nhau! Lòng ta biết có gì đó không đúng, nhưng những định kiến từ lâu đã ăn sâu kiềm ta lại: “Phải có công việc”, “Tìm được việc lương cao hơn hẵng nghỉ”, “Ăn bằng gì nếu nghỉ”,…

Để rồi một ngày, ông Trời buộc ta phải dừng lại, cơ thể rệu rã buộc ta phải dừng lại, bằng những báo động khẩn cấp qua tình trạng sức khỏe. Ồ nếu cố thì sẽ cạn kiệt tới chết, chết rồi thì cần gì công việc, cần gì lương cao, cần gì ăn nữa? Lạ kỳ thay cứ phải tới lúc gần như tận đường, người ta mới nhận ra mình đang đâm vào ngõ cụt.

Hẹn gặp lại và mong chúng ta bình an

Vậy là những người đồng nghiệp trở thành đồng nghiệp cũ, ngày ngày động viên hỏi thăm nhau đã khỏe chưa. Ừ thì cũng chỉ là lời trót lưỡi đầu môi, em đâu thể gửi tiền cho chị chữa bệnh, hay chị đến chăm sóc em những ngày khó khăn ấy. Nhưng âu cũng là chút tình người, bởi ta có duyên gặp gỡ, đã từng cùng nhau đi qua những ngày tháng ấy.

Một ngày, nhìn chị quay lại với bức ảnh mới trên mạng xã hội, nụ cười an yên, khuôn mặt như giãn ra cùng với một nguồn năng lượng mới. Chị em lại hỏi thăm nhau, lại chuyện sức khỏe, gia đình, công việc.

“Tuần sau chị đi làm rồi, lương chẳng cao bằng chỗ cũ, nhưng, chị thấy nhẹ lòng”

“Em cũng vậy, lương chẳng cao, nhưng cũng không còn tiếc nuối những thứ phù du…”

Những câu chuyện cũ được ôn lại, vừa chút xót xa, vừa chút hài hước...

Thế rồi, chị em cầu chúc nhau may mắn trên con đường mới. Chẳng còn làm việc cùng nhau, nên chắc cũng khó có dịp trò chuyện, cũng như bao con người lướt qua nhau trên dòng đời vội vã.

Hẹn gặp lại, và mong rằng chúng ta sẽ bình an.

Hãy sinh con khi đã sẵn sàng: Em bé không phải Kpi để chạy đua thực lực! Ai cũng cần những khoảng trời riêng để hiểu và gần nhau hơn
Copy URL

Bình luận

Tin đáng chú ý

Chủ đề mới trên 2Đẹp