Didier Deschamps và những người chơi "đa hệ": Vô địch là bản năng?
- Bảo Nam
- Đăng lúc: Thứ bảy, 26/06/2021 12:05 (GMT +7)
Chiến lược gia "đầu đầy sỏi", “người chơi hệ vô địch” Didier Deschamps đang có trong tay những “người chơi” đầy chất lượng và tinh quái.
“Đen Vâu” Paul Pogba – người chơi hệ khệnh khạng
“Này, này ông ơi, đây là EURO đấy, đối thủ là Đức đấy, diễn ít thôi, ông nghĩ đang đá bóng giao hữu ở giải làng nhà mình à”
“Ơ thế à thầy, em quên. Mà thầy cứ yên tâm đi, sao phải xoắn hết cả lên thế nhỉ. Đấy, thầy thấy chưa, em chuyền hay chưa...”
Đây là một “phụ đề” tưởng tượng, nhưng khả năng thầy trò Deschamps trao đổi với nhau nội dung kiểu như này trên sân là thật.
Dù cho đối thủ có thế nào, tôi vẫn là số 1. Sân chơi nào em không cần biết, em cứ thích đá bóng theo kiểu của em đấy, có được không.
Nếu nhìn những bước chạy của Pogba, người ta thấy anh có vẻ hơi khệnh khạng, nhưng thông cảm đi,dáng dấp thần thái của Pogba là vậy, đó là một sự khệnh khạng rất... đáng yêu. Kiểu đầu “cắt moi” nhuộm tứ tung, dáng người cao lênh khênh với đôi chân dài 1,2 mét (thực sự đấy, Pogba chân rất dài)”.
Đủng đỉnh và nhàn rỗi, như đi dạo trên sân, "tôi cứ chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ cứ dành phần Kante". Việc gì mà phải hốt, việc gì mà phải hốt, việc của mình là đứng rồi nghĩ ra những siêu phẩm chuyền bóng chứ không lo toan.
Thiên hạ bảo Kevin De Bruyner là thiên tài bóng đá, là “bộ não đá bóng” với những đường chuyền không ai nghĩ ra nổi. Thế giới này còn một người cũng nghĩ ra được nổi những đường chuyền ấy, đấy là Pogba. Hãy xem lại những đường chuyền ở trận Pháp gặp Đức, những cú chuyền sệt chuyền bổng chuyền ngắn chuyền dài xé tan xé nát những hàng thủ hàng đầu.
Tại sao lại có thể chuyền bóng kiểu “phóng đao” còn ảo diệu hơn cả Tiểu lý phi đao Lý Tầm Hoan thế nhỉ?
Kẻ cao thủ đến mức thượng thừa, chẳng coi đối thủ của mình ra gì hết, thậm chí cũng chẳng cần biết mình đang đấu ở chiến địa nào. Bóng trong chân Pogba như đao trong tay áo Lý Tầm Hoan, người đời không ai biết lúc nào ra chiêu. Khi chiêu xuất ra rồi, võ lâm thì chỉ còn biết đứng im ngắm nhìn và nể phục.
Người Đức chắc chắn đã biết, nhừng Bồ cũng sợ, nhưng lại không thể có cách gì ngăn chặn kiểu chuyền bóng “chọc thẳng, một nhát ăn ngay” này. Bóng như lá vàng rụng xuống trong khoảnh khắc, thì Mbappe hoặc Benzema với tốc độ khủng khiếp đã đứng sẵn ở đấy rồi.
Hình như không phải Pogba đang đá bóng, anh ta đang viết nhạc, nhạc của anh ta như nhạc của Đen Vâu, có một cái cây trong một đường chuyền... Đá bóng à, cũng giống như đang chơi trốn tìm thôi mà...
Antoine Griezmann – Người chơi hệ trách nhiệm
Nếu như để tìm ra một người Pháp điển hình nhất, đó là ai. Đương nhiên: Antoine Griezmann - “Hoàng tử bé nước Pháp”.
Người ta nói rằng, với người Pháp, hãy nói chuyện tình yêu trước đi đã. “Ăng toan” – một gã trai si sinh, một gã đàn ông lãng mạn kiểu Pháp. Hành trình mà Griezmann cưa đổ cô nữ sinh sư phạm hơn mình 1 tuổi Erik chỉ cần chép lại y nguyên, là thành quyển tiểu thuyết ngôn tình khiến đàn bà khắp thế gian này ao ước. Chàng và nàng yêu nhau từ ngày chàng chưa nổi tiếng, chỉ vô danh, đến lúc thành danh thì họ vẫn chỉ cần bình yên lãng mạn.
Khuôn mặt, ánh mắt, mái tóc, phong cách chơi bóng, nụ cười, tình yêu, tất thảy ở gã này đều lãng mạn và nghệ sĩ. May quá, trong trái tim và cả tâm hồn gã nữa, còn có 2 chữ to đùng: Trách nhiệm.
Ông thầy Deschamps khi mang quân ra trận có ngay 2 chiến binh sẵn sàng “vì nước quên thân vì dân phục vụ”: một là N’Golo Kante, hai là Antoine Griezmann. Nói về Griezmann, Deschamps bảo đây mới là danh thủ hay nhất thế giới.
Đá 50 trận liên tiếp cho Les Bleus, ở số 7 là sự tận hiến. Giao hữu lớn nhỏ, chạy và chuyền, sút và xoạc, Antoine chơi bóng bằng cả trái tim, vì vinh quang nước Pháp.
Karim Benzema – Người chơi hệ dân chơi
Cú sút 11m vào lưới Bồ Đào Nha, đã 5 năm rồi, “dân chơi đích thực” Benzema mới lại ghi bàn cho Pháp.
2085 ngày, Benzema cũng nhớ rõ điều này. Bàn thắng gần nhất là từ tận tháng 10 năm 2015, trong trận giao hữu của Pháp với đối thủ yếu Armenia.
Truyền hình đã quay cận cảnh ánh mắt của Benzema khi thực hiện cú sút ấy. Một ánh mắt như có lửa, nhưng vô cùng lạnh lùng. Cú sút đưa bóng đi vào góc trái, căng đét, giỏi như Patricio cũng không có lấy 1% cơ hội cản phá.
Những cái đập tay chúc mừng, cái khoác vai giữa và sau hiệp, của Ronaldo và Benzema, tình bạn đẹp, hành động đẹp của những gã đàn ông đích thực, của những đồng đội cũ ở Real.
Nếu có ai đó khiến CR7 phải nể phục, nằm cùng “tầng mây” với siêu sao người Bồ, có thể so sánh với Ronaldo về mọi mặt, thì đó phải là Benzema.
Ai có thể tăng tốc nhanh như Ronaldo, thậm chí còn hơn, đó là Benzema. Ở trận gặp Đức, Benzema có vài lần tăng tốc khủng khiếp như vậy. Bàn thắng thứ 2 trong trận gặp Bồ Đào Nha, cũng là một pha chạy như xe F1.
Ai có thể bật cao đánh đầu, dứt điểm, chạy chỗ thông minh rồi đệm bóng chuẩn như Ronaldo. Benzema chứ ai.
Ai có siêu xe đắt giá Bugatti Chiron? "Anh Bẩy" có một chiếc. Benzema cũng vậy.
Về chuyên môn: ngang nhau. Về “chất chơi”: Benzema thậm chí còn hơn. Benzema trẻ hơn và đang sung mãn hơn.
Giờ thì cả thiên hạ đã hiểu, tại sao ông thầy “bàn tay sắt” Deschamps lại phải triệu tập trở lại gã dân chơi này.
Hai bàn thắng để giải tỏa xong về mặt tâm lý, Benzema giờ đây giống như con hổ xổng chuồng.
Pháp vẫn hùng mạnh với những cái tên khác, và sẽ thực sự đáng sợ, khi có Benzema ở vào trạng thái tâm lý tốt nhất về mọi mặt.
Trong cuộc chơi EURO 2020, những “người chơi đa hệ” của Didier Deschamps vẫn còn đang tiềm tàng bất lộ, vẫn còn đầy chiêu thức chưa ảo diệu chưa tung ra hết. Còn chưa ai biết những kẻ này còn đạt đến cảnh giới nào.
Cuộc chơi lớn, cho đến phút này, Pháp vẫn đang ở vị thế của một võ lâm bá chủ.