Hỡi mấy nàng mắc “hội chứng ôm đồm”, xin nhớ giùm “vắng mợ, chợ vẫn đông”
- Sky
- Đăng lúc: Thứ tư, 30/09/2020 10:54 (GMT +7)
Mấy nàng mắc hội chứng ôm đồm cứ mải mướt lăn xả, mà chẳng bao giờ nhận ra “vắng mợ, chợ vẫn đông”
- “Không có tôi bố con nó chả làm gì được”
- “Nhìn nó làm thà mình tự làm cho xong”
- “Mình không làm thì ai làm”
- “Tại sao lúc nào cũng là mình hết vậy”
- “Không thể bỏ dang dở như vậy”
- “Tội nghiệp lắm nếu tôi bỏ mặc người ta”
Nếu bạn thường xuyên phát ngôn hoặc có những suy nghĩ như trên, chào mừng bạn tới với “Hội những người mắc hội chứng ôm đồm".
Những người mắc hội chứng ôm đồm
Có lẽ không cần phải cắt nghĩa quá nhiều, chúng ta đều có thể hiểu, người hay ôm đồm là người hay vơ việc vào thân, làm rất nhiều công việc có thể nói là việc chung, việc không tên, việc ở ranh giới chả phải của riêng ai, thậm chí là việc của người khác. Người ôm đồm thường là người sống rất trách nhiệm và nhìn mọi việc mình làm dưới “danh nghĩa” và áp lực của hai chữ “trách nhiệm”. Tuy nhiên, bạn phải dè chừng, vì đặc điểm này rất dễ khiến bạn bị người khác lợi dụng, một cách cố ý hoặc vô ý, và không sớm thì muộn bạn sẽ kiệt quệ nếu không có sự điều chỉnh.
Theo nhà tư vấn tâm lý người Nhật Nemoto Hiroyuki, có ba kiểu người rất dễ mắc phải “hội chứng ôm đồm”:
Người có lòng tự trọng thấp, không tự tin vào bản thân, luôn để ý tới sắc mặt của người khác và lo lắng, sợ sệt bị ghét, bị người khác đánh giá.
Người nhạy cảm, luôn để ý đến những điều xung quanh, dễ hoang mang, chú ý quá nhiều tới cảm xúc của người khác mà lại quên đi việc để ý tới chính mình.
Người nghiêm túc, cầu toàn, luôn vạch ra kế hoạch và đòi hỏi cao ở bản thân. Mặt khác, họ cũng không thể chịu đựng nổi nếu nhìn thấy một thứ gì đó dở dang, chất lượng không tốt.
Trớ trêu thay, phụ nữ Việt Nam, đặc biệt thế hệ 30s trở lên, hầu như sẽ mắc phải một, hoặc thậm chí là cả ba đặc điểm nêu trên, bởi những định kiến và cách giáo dục muôn năm cũ: phải khéo, phải tinh ý, phải biết “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “công, dung, ngôn, hạnh”,… Khá nhiều quy chuẩn, mỹ từ có thể biến thành những chiếc “còng” vô hình đẩy chị em vào sâu trong “hội chứng ôm đồm”.
Tác hại của “hội chứng ôm đồm”
Việc ôm đồm quá mức sẽ ảnh hưởng xấu nghiêm trọng tới sức khoẻ thể chất và tinh thần của bạn. Làm nhiều dĩ nhiên ít thời gian nghỉ ngơi, cơ thể rệu rã mệt mỏi. Nhưng nguy hiểm hơn, đó là việc bạn sẽ mang trong mình nhiều nỗi căng thẳng, bực dọc, dồn nén cảm xúc. Chẳng có ai có thể vui khi mình làm nhiều mà người khác chơi, việc gì cũng đến tay, không thể chia sẻ cùng ai. Dần dần bạn sẽ cảm thấy cô độc, mệt mỏi, và muốn “bùng cháy”.
Ngoài ra, khi làm việc và giao tiếp với những người xung quanh trong hoàn cảnh bạn không ở trạng thái khoẻ mạnh, cơ thể và tinh thần đều đang rệu rã, bạn sẽ không thể đạt được hiệu quả trong bất cứ việc gì bạn làm. Sẽ có sai sót xảy ra trong công việc vì bạn không đủ sự tỉnh táo, và tâm trạng tiêu cực sẽ khiến bạn không thể tận hưởng niềm vui trọn vẹn bên những người yêu thương, cũng như mang tới cho họ hạnh phúc mà đáng ra-bạn đang mong muốn đem lại cho họ.
Luyện tập để bớt ôm đồm
Thực ra, việc thoát khỏi hội chứng ôm đồm không dễ. Cũng giống như nhiều vấn đề tâm lý khác, đây là một cuộc chiến với chính nội tâm bản thân, và cần sự luyện tập nhất định. Đối với mỗi kiểu người trong ba kiểu người dễ mắc phải hội chứng ôm đồm nói trên, sẽ cần tới một phương pháp khác nhau. Tuy nhiên, nhìn chung, bước đầu tiên, xin hãy cố gắng giải toả cảm xúc và có ý niệm “Mình xứng đáng với một cuộc sống thoải mái”.
Có lẽ bạn đã từng được khuyên điều này rất nhiều, nhưng tôi vẫn phải nhắc lại: “Hãy tập nói không và đưa bớt việc cho người khác”, hoặc một câu nói hơi “phô”: “vắng mợ, chợ vẫn đông”. Trước tiên, xin hãy mường tượng: việc gì khi đứng tách bạch cũng là việc nhỏ, nhưng dồn lại sẽ là một tảng núi lớn, và nếu bạn giữ một cốc nước dù vơi trong một thời gian dài, tay bạn cũng sẽ mỏi nhừ.
Nếu bạn hình dung cụ thể ra áp lực mà mình đang phải chịu, bạn sẽ dễ dàng nói không hơn. Hãy cố gắng viết ra những việc mà bạn cần phải làm, thời gian cần thiết để làm những việc đó, và bạn định sắp xếp làm những việc đó như thế nào. Việc này vừa giúp bạn hiểu áp lực mà mình đang có để có thể thoải mái hơn khi từ chối người khác giao thêm việc cho mình, và cũng là một “công cụ” để bạn đưa ra khi từ chối để đối phương dễ dàng tiếp nhận hơn khi thấy bạn đang có một đống việc đang chờ.
Điều tiếp theo bạn cần lưu ý, đó là “yêu bản thân”. Thứ nhất, hãy biết khen ngợi bản thân và dừng cảm giác tội lỗi, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến một rắc rối nào đó, và việc “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” hoàn toàn không phải phương pháp tiếp cận đúng trong trường hợp này. Hãy nhìn bức tranh dưới con mắt bao quát và hiểu rằng, mỗi một sự việc diễn ra là một xâu chuỗi của rất nhiều sự việc, lý do khác. Bạn không phải là người chịu trách nhiệm duy nhất! Và hơn thế, bạn đã cố gắng làm tất cả trong khả năng tốt nhất!
Thứ hai, đừng gán “phải làm” vào tất cả mọi thứ, đừng cố cứng nhắc, tự đưa ra những mệnh lệnh trói buộc bản thân. Con người được sinh ra với một mức chịu đựng nhất định, không ai có thể làm tất cả mọi việc, chẳng có gì sai khi vứt bỏ bớt những điều bạn “phải làm” – những điều bạn chẳng hứng thú gì cho cam nhưng vẫn cố làm vì bạn đang chịu trách nhiệm, hay nói cách khác, đang ôm đồm. Tôi đã chọn viết ra những gì mình cho rằng mình “phải làm” và cân nhắc, gạch bỏ bớt những thứ đó. Bạn có thể vừa làm, vừa tâm niệm “Đây không phải sự bỏ cuộc, đây là việc dừng “hứng rác” từ người khác!”.
Thứ ba, hãy tôn trọng cảm xúc của bản thân. Tôi muốn mượn một câu trong ca khúc “Ngẫu nhiên” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để nhắc nhở bạn “Mệt quá đôi chân này, tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi”. Vâng, mệt thì phải nghỉ, buồn thì cần được an ủi, đó là chuyện bình thường. Đôi khi, muốn nhanh, bạn lại phải từ từ, chậm mà chắc còn hơn cố gắng đẩy bản thân đến cực hạn và lại mất gấp bội thời gian để hồi phục, thậm chí nguy hiểm hơn là dẫn đến những chứng bệnh thể chất và tâm lý phức tạp.
Trên đây chỉ là một số phương pháp cơ bản, bạn có thể thử áp dụng, tuy nhiên, phải có sự kiên nhẫn nhất định bởi đó là một căn bệnh kinh niên. Ngoài ra, có rất nhiều sách và nếu cảm thấy "hội chứng ôm đồm" trở nên quá trầm trọng, đừng ngại tìm kiếm các chuyên gia tâm lý. Việc gạt bỏ những gánh nặng, đặc biệt là những gánh nặng trong lòng là không dễ. Nhưng bạn tôi ơi, “Đời có bao nhiêu mà hững hờ”. Bởi ai cũng xứng đáng có một cuộc sống vui vẻ, nhẹ nhàng, thoải mái, không ngoại trừ chính bản thân mình!