Không phải váy hay áo dài, có thời cô dâu Việt chỉ mặc áo sơ mi, quần tây trong ngày cưới
- An An
- Đăng lúc: Thứ ba, 01/02/2022 09:47 (GMT +7)
Ngày nay, chúng ta thường thấy những cô dâu khoác lên mình những chiếc váy cưới lộng lẫy bước vào lễ đường nhưng không hề biết hành trình và câu chuyện của nó.
Dù là quá khứ hay hiện tại, lễ cưới luôn được xem là nghi lễ thiêng liêng và quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Vì thế, trang phục mặc trong lễ thành hôn cũng được cô dâu chú rể dụng tâm lựa chọn kỹ lưỡng. Cùng với dòng chảy thời gian, biến động lịch sử và sự du nhập văn hoá... trang phục cưới của các cô dâu cũng theo đó mà cũng có sự cải tiến, biến đổi không ngừng.
Thời nhà Nguyễn: Màu xanh lên ngôi
Theo nhiều tài liệu để lại, trang phục ngày vu quy được các cô dâu chọn lựa có sự khác nhau giữa ba miền Bắc - Trung - Nam. Tuy nhiên nhìn chung ở thời kỳ này, màu xanh lại được ưa chuộng nhiều hơn cả, bởi đây là màu của sự sang trọng và kiêu hãnh, thường được các quan lại và quý tộc sử dụng.
Xem thêm:Park Shin Hye chọn váy trị giá hàng trăm triệu để che bụng bầu trong ngày cưới
Tại miền Bắc Việt Nam, cô dâu nông thôn thường mặc trong ngày cưới trang phục áo mớ ba - tức mặc lồng ba chiếc áo ngũ thân tay chẽn mà chiếc ngoài cùng làm bằng sa một lớp, thấu quang ẩn hiện hai lớp bên trong màu điều, hoa thiên lý hoặc màu xanh ngọc, áo lót trong cùng là chiếc yếm có dây lụa trắng, eo được thắt bằng dây lưng lụa, trên đầu vấn khăn đính bướm vàng hoặc bạc, phụ kiện đi kèm sẽ là trang sức vàng hoặc bạc đồng bộ.
Đến những năm 1920 - 1930 trang phục sẽ thay đổi nhẹ, lúc này cô dâu ăn diện đơn giản hơn chủ yếu là áo dài cài vạt, bên ngoài là chiếc áo the, bên trong trong vẫn là áo màu hồng hoặc xanh phối cùng quần sa tanh đen đi hài thêu.
Đi đến mảnh đất miền Trung vẫn là trang phục cưới như vậy nhưng phụ nữ tại đây chỉ mặc 1 lớp áo lót màu điều, khoác ngoài một lớp vải mỏng màu chàm để ẩn hiện ra sắc áo tím nền nã, đặc trưng của phụ nữ xứ Huế. Khác với chị em miền Bắc, các cô dâu miền Trung lại chuộng mặc quần trắng nhã nhặn.
Còn ở miền Nam, cô dâu mặc áo tấc "điều - lục", đầu đội nón cụ, chân đi hài, quần lĩnh trắng. Dù nhiều năm qua đi, kiểu áo cưới này vẫn còn tồn tại nhiều nơi.
Đến cuối thời Nguyễn, nhiều quy định thay đổi, các nhà khá giả thường lựa chọn áo dài Nhật Bình cho con gái diện ngày cưới. Đặc điểm của chiếc áo này là hoa văn trang trí quanh cổ khi ghép lại sẽ tạo thành hình chữ nhật lớn ở trước ngực. Trên thân áo được thêu hoạ tiết hình phượng và đính kim tuyến nổi bật.
Những năm bom đạn kháng chiến 1945 - 1975: Áo cưới cũng là tấm áo xông pha chiến trường
Trong những năm chiến tranh, toàn dân kháng chiến chống Pháp - Mỹ nên những nghi lễ đám cưới cũng được tổ chức đơn giản, gọn gàng tối đa. Khi đó áo cưới thường là đồ mới may nhưng không chú trọng kiểu cách, chỉ cần là áo sơ mi, quần tây đơn giản, miễn chỉn chu, gọn gàng là được. Sau này, khi chất lượng cuộc sống cải thiện hơn, các cán bộ công nhân viên chức có thể lựa chọn mặc áo dài trong ngày trọng đại.
Những năm 1975 - 1990: Phong trào váy cưới phương Tây
Sau khi thống nhất hai miền Bắc - Nam, nước ta bắt đầu du nhập những văn hoá từ các nước tiên tiến trên thế giới trong đó trang phục cưới cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Trong thời gian này, những chiếc đầm dài xoè rộng màu trắng hoặc vàng rất được ưa chuộng với phần tay bồng, chiết eo chất liệu bằng các loại vải mềm hoặc voan mỏng, có độ bồng bềnh nhất định. Về phụ kiện, cô dâu thường đội mũ cùng màu váy, đeo găng tay lưới và cầm trên tay một bó hoa tươi.
Từ những năm 2000 - nay
Những năm gần đây, đời sống người Việt được nâng cao hơn trước nhiều nên các trang phục cưới hỏi cũng được đầu tư kỹ lưỡng hơn. Đa số các cô dâu thường chọn cho mình 2 bộ trang phục trong ngày cưới, một là trang phục ngắn, dễ di chuyển để tiếp khách hoặc mặc trong ngày đính hôn. Còn ngày lễ chính, một chiếc váy cưới màu trắng lộng lẫy, tà dài kết hợp với voan trùm đầu luôn được ưu tiên.