"Phantom Thread" - sợi chỉ điện ảnh gắn kết nghệ thuật và tình yêu
- Linh Phi
- Đăng lúc: Thứ tư, 28/10/2020 10:12 (GMT +7)
Phanom Thread (Bóng ma sợi chỉ) không chỉ hấp dẫn bởi cốt truyện, mà hiệu ứng thời trang trong tác phẩm điện ảnh này được nhận định là quá xuất sắc.
Tác phẩm ra mắt năm 2017 của Paul Thomas Anderson khắc họa mối tình đặc biệt với những tầng ý nghĩa sâu xa về sự kết nối giữa nhà thiết kế với người mẫu, giữa người nghệ sĩ với nàng thơ của họ.
Trong phim, Reynolds (Daniel Day-Lewis) là một nhà thiết kế danh tiếng, chỉ may đồ cho tầng lớp quý tộc thượng lưu và là chủ của một thương hiệu thời trang xa xỉ. Trong khi Alma (Vicky Krieps) là một cô bồi bàn có vẻ đẹp chuẩn mực của một người mẫu nhưng luôn mang cảm giác tự ti về bản thân mình. Hai con người mang thân phận đối lập ở những giai tầng xã hội khác nhau lại có sự gặp gỡ đầy tình cờ cũng đầy kì diệu. Họ đến với nhau một cách tự nhiên và yêu nhau trong sự đồng điệu, Alma chính là nguồn cảm hứng để Reynolds làm nên những chiếc váy tuyệt vời.
Ngoài tình yêu, giữa Alma và Reynolds còn có mối quan hệ về nghệ thuật. Đường dây mơ hồ này - giống như tên phim, "Bóng ma sợ chỉ" đã gắn kết họ theo phương thức kỳ lạ, vượt xa lẽ thường.
Xem phim, bên cạnh việc chiêm ngưỡng những tác phẩm thời trang tinh xảo, người xem còn được chứng kiến quá trình sáng tạo ra nó trong những thước phim chỉn chu. Ngoài các lớp lang diễn xuất tâm lý, tài tử Daniel Day-Lewis còn chinh phục khán giả bằng hàng loạt cảnh xử lí vải, cắt, may quần áo... cực kì chuyên nghiệp. Để có được sự hóa thân chân thật và thuyết phục, ông đã gặp gỡ và kết bạn với những người thợ may sáu tháng trước khi bộ phim bắt đầu ghi hình.
Toàn bộ các thước phim của Phantom Thread giống như một show diễn thời trang chuyên nghiệp và chỉn chu của thập niên 1950. Paul Thomas Anderson vẫn luôn là đạo diễn cầu kì và khắt khe trong từng góc quay với cách khai thác khuôn hình làm nổi bật tình tiết phim lẫn vẻ đẹp diễm lệ của trang phục. Những công việc chuyên môn của nghề may như đo đạc, ra rập, cắt, may, lên canh... từng đường kim mũi chỉ đều được mô tả kĩ lường nhưng chắt lọc bằng những thước phim tinh túy, cô đọng dưới ánh đèn vàng vọt nhưng ấm áp của xưởng may.
Mark Bridges - tác giả của toàn bộ váy áo xa xỉ trong phim đã đặt triết lý vào những thiết kế của mình là giàu sắc màu và chiều sâu, có nhiều ren và họa tiết tương đồng trên chất liệu nhung và satin.
Xuyên suốt bộ phim là những dáng đầm nổi tiếng mang tính đặc trưng như váy phồng bong bóng, đầm lưng cao, áo cổ ngang… Đặc biệt, điểm nhấn nổi bật nhất là chiếc váy cưới màu tím pastel - "siêu phẩm" ở cuối phim.
Không thể phủ nhận giá trị điện ảnh của tác phẩm, nhưng cũng phải khẳng định chính thời trang đã làm nên không khí và tạo ra dấu ấn mạnh mẽ của Bóng ma sợi chỉ đối với người xem.