Ngay cả Chanel, Dior cũng có lúc suýt rơi vào vực thẳm
- Bánh bèo bồng bềnh
- Đăng lúc: Thứ sáu, 09/04/2021 22:23 (GMT +7)
Đúng là sông có khúc người có lúc, những thương hiệu thời trang dù lớn đến như Chanel, Dior cũng có lúc rơi vào khủng hoảng và suýt nữa đã biến mất hoàn toàn.
Có thể bạn không biết, nhưng những thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới như Chanel, Dior cũng có lúc trải qua nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ chìm trong hỗn loạn cả về tài chính lẫn nhân sự, trước khi một đấng cứu thế xuất hiện để vực dậy nhưng đế chế đang ở bờ vực của sự lụi tàn.
Chanel
Ngày nay, người ta luôn nhìn Chanel như người dẫn đầu xu hướng nhưng không ai biết rằng thương hiệu này từng có giai đoạn khủng hoảng liên tiếp.
Vào năm 1945 khi chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc, Chanel bị cáo buộc phản quốc và phải lưu vong sang Thụy Sĩ. Cửa hàng của bà tại 31 Rue Cambon cũng buộc phải đóng cửa.
Mãi đến năm 1954, "đứa con của Paris" mới quay lại quê hương, tái lập dòng Haute Couture và giới thiệu chiếc áo vải tweed được lấy ý tưởng từ mối tình tan vỡ của bà.
Tuy nhiên, nếu Karl Lagerfeld không ra nhập nhà mốt vào năm 1983 thì có lẽ thương hiệu Pháp sẽ không có được vị trí như ngày hôm nay. Karl là người có công đem những di sản của thương hiệu như hoa trà, vải tweed, dây xích, túi chần trám đi khắp thế giới.
Dior
Năm 1947, Christian Dior đã ghi tên mình vào lịch sử thời trang thế giới khi cho ra mắt thiết kế New Look. Dù thời điểm đó, New Look bị đánh giá là một thiết kế hoang phí (may hết 20m vải) trong khi thế giới vừa trải qua mất mát và chỉ mới hồi sinh sau 2 cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, chỉ nhìn dưới góc độ chuyên môn, thì không thể phủ nhận rằng thiết kế này đã thay đổi làng thời trang đương đại.
Câu chuyện cổ tích sẽ cứ thế tiếp diễn nếu như Dior không đột ngột qua đời vào năm 1957 và để lại niềm tiếc thương vô hạn cho thương hiệu Dior nói riêng và giới mộ điệu thời trang thế giới nói chung.
Yves Saint Laurent, cậu học trò thân thiết là người được chọn để kế nghiệp Dior. Tuy nhiên, với xu hướng thiết kế táo bạo, "phản tiết hạnh", Laurent nhanh chóng bị "đá" ra khỏi nhà mốt do không hợp với phong cách thanh lịch đặc trưng của hãng.
Dior thực sự rơi vào khủng hoảng.
Năm 1978, hãng xin bảo hộ phá sản tại Pháp và thực chất đã sụp đổ vào năm 1981. Năm 1984, người sáng lập tập đoàn LVMH Bernard Arnault mua lại Dior với giá chỉ 1 franc (khoảng 27.000VNĐ).
Dior sẽ chỉ còn là câu chuyện cổ tích nếu như không có NTK dị biệt John Galliano được mời về làm Giám đốc sáng tạo.
Dưới thời của Galliano, Dior có thể cạnh tranh ngang hàng với Chanel trong mảng Haute Couture. Mỗi thiết kế của Galliano không chỉ là áo quần mà thực sự là một tác phẩm nghệ thuật. Từng sàn diễn của ông là một vở kịch với những cô người mẫu là nghệ sĩ. Dù vậy, nhà vua rời Dior vào năm 2011 do những phát ngôn "phân biệt chủng tộc" trong lúc say xỉn. Những con chiên ngoan đạo của giới thời trang chỉ có thể bày tỏ sự tiếc thương cho một nhà vua đã phải trả lại ngai vàng.
Gucci
Gucci được thành lập vào năm 1921 tại Florene, Ý. Guccio Gucci, người sáng lập của hãng, là một người sản xuất yên ngựa. Chính vì vậy, Gucci ban đầu chuyên sản xuất những sản phẩm cho khách hàng đam mê môn thể thao quý tộc. Đến giữa thế kỷ XX, những thiết kế hành lý, trang phục viễn du của Gucci trở thành món đồ yêu thích của giới quý tộc châu Âu.
Tuy nhiên, những đứa con mang họ Gucci không thể bảo tồn di sản của người cha đã mất. Tranh chấp giữa họ từ năm 1970 đến năm 1980 đã đẩy nhà mốt Ý đến bờ diệt vong. Cho tới năm 1993, cái chết của nhãn hiệu đã được xem như một điều tất yếu.
Nhưng đó cũng là thời điểm mà Tom Ford xuất hiện.
Năm 1994, Tom phải đi lạy lục từng tạp chí thời trang để xuất hiện trong show diễn của Gucci. Nhưng đến năm 1995, mọi thứ đã thay đổi 180 độ, báo chí đã phải quỳ gối dưới chân Tom để được một suất bước vào sàn catwalk của nhà mốt.
Những thiết kế của Gucci dưới Tom Ford mang đậm tính sắc dục, mạnh mẽ, phóng khoáng và đầy gợi tình. Dù có người yêu kẻ ghét, nhưng không ai có thể phủ nhận chuyện Ford chính là công thần đã vực dậy lại đế chế Gucci.
Tuy nhiên, đến năm 2003, Ford rời nhà mốt Ý do những mâu thuẫn với công ty chủ quản, tập đoàn Kering.
Sau 5 lần 7 lượt tìm người thay thế Ford, Kerring đã bổ nhiệm Frida Giannini trở thành Giám đốc sáng tạo của hãng vào năm 2006. Frida là một NTK tài năng, tuy nhiên, cô lại quá an toàn. Gucci thời kỳ này đẹp thì đẹp đấy nhưng lại bị đánh giá là quá nhàm chán, hợp mắt đại đa số nhưng mất đi chất riêng. Sau 8 năm ngồi trên ngôi hậu của Gucci, Frida từ chức.
Alessandro Michele là người đang tại nhiệm vị trí Giám đốc sáng tạo vào năm 2015. Những thiết kế maximalism của anh rực rỡ, mơ mộng như liều thuốc giải độc cho thời trang tối giản đã trở nên bão hòa.