Nếu là một người yêu và thực sự quan tâm đến thời trang, chắc hẳn bạn còn nhớ những năm 90s chính là thời kỳ mà Gucci đang rơi đến bờ vực thẳm. Sự tranh chấp nội bộ đã đẩy Gucci đến nguy cơ phá sản. Nếu không có gì thay đổi, thì đó là một cái chết được báo trước. Những đứa con của ông hoàng Gucci cư xử như những đứa trẻ được nuông chiều thái quá. Họ không đủ va vấp để hiểu được cách vận hành một thương hiệu tỉ đô.
Lúc này, Domenico De Sole - luật sư của Gucci không còn cách nào khác, buộc phải trở thành chủ tịch của hãng. Ông hiểu rằng, một người thực tế nhưng không có kinh nghiệm như mình sẽ không thể vực dậy một đế chế sắp lụi tàn. Nhưng chính bằng cái đầu thực tế ấy, ông biết Gucci cần một sự điên rồ đến mức cực đoan để tiếp nối những di sản táo bạo mà ông trùm để lại. Và người được ông lựa chọn là Tom Ford, gã trai trẻ 32 tuổi đến từ Texas, Hoa Kỳ.
Ông Domenico cho phép Tom được làm bất kỳ những gì gã muốn, dù là những điều kì quái nhất.
Và kết quả là năm 1994, Tom Ford phải đi van xin giới báo chí để họ đến show diễn của Gucci, thì tới năm 1995, truyền thông phải quỳ dưới chân Tom Ford để được bước vào show thời trang của gã.
Ai cũng thắc mắc, trong một năm được bổ nhiệm, Tom đã làm gì khiến một thương hiệu thêm lần nữa trở nên vĩ đại?
Câu trả lời là: Sắc giới. Tom biến những thứ bản năng nhất thành vũ khí, những điều thầm kín nhất thành sức mạnh, và gã đã thành công.
Những chiếc váy trắng ôm sát người với đường cut-out ngay tại vùng nhạy cảm; Những bộ suit bó tôn lên đường cong ma mị và còn rất nhiều những bộ cánh khác nữa, tất cả đều khiến những người bàng quan nhất cũng phải đỏ mặt.
Trong thời gian tại vị, Tom được người đời gọi là “ông hoàng sex”, kẻ bán nhục dục để đổi lấy danh tiếng trong giới thời trang.
Cũng giống như Calvin Klein, mặc cho xã hội cực lực lên án, doanh số của Gucci vẫn cứ thế ngạo nghễ tăng trưởng. Vị trí của Tom lúc này đối với Gucci mà nói - tưởng như không gì có thể thay thế.
Sự ra đi bất ngờ
Tom rời Gucci - kẻ điên rồ nhất cũng chẳng thể nghĩ tới kịch bản này, sau cuộc cãi cọ nảy lửa và không có hồi kết với ông chủ của Gucci lúc bấy giờ, tập đoàn PPR (nay là Kering).
Sau một thời gian đánh nhau sứt đầu mẻ trán với LVMH để dành được quyền sở hữu Gucci, PPR nói rằng họ không hài lòng với phong cách của Tom lúc ấy, quá đỗi rẻ tiền. Về phía Tom, ông cho rằng, PPR chỉ nên dừng lại ở việc đầu tư và rót tiền, đừng quan tâm tới nghệ thuật.
Cuộc chiến ngã ngũ và phần thằng thuộc về người có quyền. Tom ra đi và Frida Giannini là người thay thế. Frida Giannini đã đưa Gucci về hình ảnh mà PPR muốn, nữ tính, vintage nhưng thật sự Gucci thời kỳ đó là một Gucci nhạt nhòa và thiếu sức sống. Một "Gucci không phải Gucci".
Tái sinh với Alessandro Michele
Alessandro Michele là giám đốc sáng tạo của Gucci sau hành trình mờ nhạt của Giannini. Ông từng là học trò của Tom, được Tom tuyển dụng, cầm tay chỉ việc vào những ngày đầu tiên. Tuy định hướng khác nhau, nhưng Alessandro vẫn giữ được chất riêng mà Tom đã định hình cho Gucci thời mà ông còn tại vị.
Năm 2011, Bảo tàng Gucci được mở và trưng bày tất cả các BST của hãng từ thuở sơ khai nhưng không có Tom Ford, giống như cách thương hiệu đoạn tuyệt, từ mặt và phủ nhận quan hệ với người từng được coi là công thần góp phần vực dậy cả một đế chế. Mãi đến 5 năm sau, những thiết kế của Tom Ford mới được xuất hiện khi Alessandro lên nắm quyền. Những chiếc váy trắng cut out, lông thú đa sắc phủ kín một góc của bảo tàng - như lời tri ân muộn màng, nhưng cần thiết.
Trong thời trang có một cụm từ: "doing a Gucci” có nghĩa là tạo cú ngoặt như Gucci. Công tâm mà nói, "nếu ngày ấy Tom không đi về phía Gucci" thì ngày hôm nay, người ta sẽ chỉ còn nhớ tới Gucci như cách mà người ta nhớ đến những nền văn minh bị vùi lấp, một lần, và mãi mãi không bao giờ quay trở lại.
Bình luận