Bạn có biết: Tại sao son lì lại làm khô môi?
- Bánh bèo bồng bềnh
- Đăng lúc: Thứ tư, 26/05/2021 00:53 (GMT +7)
Tại sao khi đánh son lì, bạn lại bị khô môi chỉ sau vài tiếng? Làm cách nào để khắc phục điều này?
"Cách đánh son môi lâu trôi" luôn là cụm từ khóa được tìm kiếm rất nhiều trên Internet. Câu trả lời cho vấn đề này có rất nhiều, nhưng một trong những đáp án phổ thông nhất là: Sử dụng son lì. Ưu điểm của son lì là lên màu cực chuẩn chỉ sau một lần đánh, đã thế còn không lem dù bạn ăn hay là đeo khẩu trang. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của son lì là gây khô môi chỉ sau 1 tới 2 giờ sử dụng.
1. Vì sao son lì lại gây khô môi?
Trong thành phần son môi có chứa nhóm thành phần chủ đạo là chất tạo màu, dầu và sáp. Dầu tạo độ bóng mượt. Son càng nhiều dầu thì sẽ càng mịn môi nhưng lại rất dễ trôi. Chính vì vậy, những nhà sản xuất son lì đã giảm hàm lượng dầu xuống và gia tăng chất tạo màu cùng với sáp lên để son bám màu lâu hơn.
2. Làm thế nào để đánh son lì không gây khô môi?
Để có thể làm thân với son lì, bạn cần phải tuân thủ những bước sau đây:
Tẩy da chết 20 phút trước khi thoa son
Bạn có thể dùng những sản phẩm tẩy da chết bằng hạt hoặc bôi một lớp dày dưỡng ẩm và lấy khăn ấm lau nhẹ đi. Khi loại bỏ tế bào chết trên môi, son sẽ lên mịn mượt hơn và bạn sẽ không còn đối mặt với tình trạng đôi môi tróc ra sau 1 vài tiếng.
Sử dụng son dưỡng hoặc kem lót
Kem dưỡng hoặc kem lót sẽ bổ sung thêm lớp dầu còn thiếu trong son môi, giúp hạn chế tình trạng son môi bị khô và gãy nứt theo đường rãnh môi của bạn.
Dùng son dưỡng khi dặm lại son
Khi muốn dặm lại son, hãy thoa một lớp son dưỡng trước sau đó mới thoa son màu. Bước trang điểm này giúp bảo vệ đôi môi của bạn, hạn chế tình trạng đôi môi khô nứt nẻ.
Đừng dùng son lì mỗi ngày
Son lì đẹp thật đấy nhưng không phải là thứ bạn nên dùng mỗi ngày. Nếu cứ tiếp tục, bạn có thể khiến đôi môi khô cong như mực một nắng và không thể cứu vãn. Hãy chỉ cân nhắc dùng vào một số dịp mà thôi.