Thanh lọc tủ đồ makeup cho phái đẹp với những mẹo hữu ích
- An Tê
- Đăng lúc: Thứ ba, 22/12/2020 10:24 (GMT +7)
Thanh lọc tủ đồ makeup để tâm trạng chúng ta trở nên tốt hơn và đỡ tội lỗi hơn sau những lần “vung tiền” không thương tiếc.
Nỗi thống khổ lớn nhất của những cô nàng nghiện makeup và skincare là mua về dùng mãi không hết. Các cô quên mất nguyên tắc dùng mỹ phẩm cũng như tình yêu, phải dùng hết cái cũ mới dùng sang cái mới. Việc dùng lẫn lộn các sản phẩm khiến các cô không kiểm soát được tủ đồ và các layer chăm sóc da.
Giai đoạn 1: Thanh lọc
Bước 1: Kiểm tra hạn sử dụng
Mỹ phẩm quá hạn sử dụng không gây "chết người" khi tiếp tục được sử dụng nhưng nhiều thành phần trong sản phẩm sẽ bị mất hoặc giảm tác dụng thậm chí gây dị ứng, viêm nhiễm cho da của chúng ta. Vì thế thói quen kiểm tra hạn sử dụng và ngày sản xuất trên bao bì là vô cùng cần thiết và quan trọng.
Bước 2: Vứt hết những món nào trông cũ kĩ hoặc có mùi lạ
Có thể chưa hết hạn sử dụng, mỹ phẩm vẫn có thể bị hỏng bởi quá trình tiếp xúc với ánh nắng, không khí, vi khuẩn có từ bàn tay con người. Nếu bạn cảm thấy sản phẩm của mình bị biến đổi về màu sắc, mùi hương… thì tốt nhất hãy dẹp nó đi ngay vào thùng rác. Nếu cọ của bạn không quay trở về hình dáng cũ sau khi rửa thì bạn cũng nên thay cọ mới được rồi.
Bước 3: Tiễn đưa những món đồ mà hầu như bạn không hề sử dụng
Thỏi son bóng lấp lánh kim tuyến bạn mua từ năm nào không chả nhớ, bảng màu mắt đến giờ vẫn còn nguyên si, hay lọ kem nền cả năm chỉ dùng có 1,2 lần... Đã đến lúc nói lời tạm biệt với chúng rồi đó. “Biết đâu tôi sẽ cần đến nó?” - không, đừng nghĩ vậy, điều đó chỉ có nghĩa bạn sẽ chẳng bao giờ động đến chúng đâu. Vậy nên nếu chúng không còn cần thiết, hãy vứt đi . Nếu chúng vẫn còn tốt, hãy tặng lại cho những người cần hơn.
Giai đoạn 2: Khử trùng
Bạn thật chăm chỉ lau chùi kệ bếp, nhà vệ sinh… Bạn rửa tay liên tục nhiều lần trong ngày. Ấy thế mà hình như “đã từ rất lâu rồi” bạn quên chưa vệ sinh dụng cụ và đồ trang điểm của mình. Vì thế đừng hoảng hốt tại sao có đến 90% dụng cụ và đồ trang điểm chứa vi khuẩn E.coli và vi khuẩn tụ cầu Staphylococcus.
Bước 1: Vệ sinh cọ và dụng cụ trang điểm nhiều cô nàng còn biếng
Trên lý thuyết, cọ và dụng cụ trang điểm nên được vệ sinh sau mỗi lần sử dụng. Thực tế là, chả ai dành thời gian để làm điều đó cả. Mách nhỏ cho bạn đó là chuẩn bị một bình xịt cồn 70 độ (ở nhà thuốc) và xịt lên cọ/dụng cụ trước khi sử dụng. Một tháng một lần, rửa cọ với nước ấm và dầu gội lành tính rồi sau đó để cọ khô tự nhiên. Đối với mút trang điểm bạn cần phải kĩ tính với mình một chút, hãy rửa sạch chúng 2 tuần sử dụng bằng cọ rửa chuyên dụng và đợi khô hoàn toàn rồi hãy sử dụng nhé.
Bước 2: Mỹ phẩm trang điểm cần được vệ sinh làm mới
Các mỹ phẩm trang điểm mắt cần được chú ý vệ sinh cẩn thận nếu bạn không muốn đem cặp mắt đỏ lè đi ra ngoài đường. Chì và sáp kẻ mắt nên được gọt để bỏ đi lớp đầy vi khuẩn mỗi tuần và nên xịt nhẹ nhàng một lớp cồn trước khi sử dụng.
Đối với các sản phẩm dạng kem, nếu bạn nghi chúng bị nhiễm bẩn hãy dùng một con dao bén để cắt đi lớp bề mặt của sản phẩm đó. Vỏ đựng sản phẩm nên lau thường xuyên bằng khăn tiệt trùng sau vài tuần sử dụng.
Giai đoạn 3: Sắp xếp khoa học
Đừng quăng mỹ phẩm lung tung hay nhồi nhét chúng vào một chiếc túi plastic một cách vô tội vạ. Hãy đầu tư vào một tủ đựng đồ trang điểm nhiều ngăn nhỏ, chất liệu trong suốt. Nó sẽ giúp bạn có thể nhìn thấy mọi thứ trong đó,những lúc muộn giờ làm hay việc gấp gáp cần giảm thời gian. Vì thế, hãy gạch lưu ý hai chữ “trong suốt”.
Sắp xếp như thế nào thì cũng tùy theo style của bạn: Theo loại hoặc theo tần suất sử dụng và cố gắng sắp đồ khoa học một chút nhé. Nó sẽ tiết kiệm thời gian cho bạn hơn nhiều.
Hấu hết các sản phẩm mĩ phẩm đều có lưu ý hãy tránh ánh nắng trực tiếp, bởi ánh nắng có thể làm hư mỹ phẩm. Và tránh nắng không đồng nghĩa là đặt chúng trong phòng tắm. Phòng tắm khá bí và ẩm ướt sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển nhanh hơn. Đơn giản chỉ là để chúng ở nơi cao ráo, khô thoáng. Và cuối cùng, luôn đóng chặt nắp sản phẩm sau khi sử dụng để hạn chế sự tiếp xúc với không khí có thể làm oxy hóa sản phẩm.