Nghệ sĩ Bạch Mai là ai? Danh ca, soạn giả tuồng cổ lừng danh đoàn Huỳnh Long
- Quyen Pham
- Đăng lúc: Thứ năm, 26/08/2021 11:56 (GMT +7)
Nghệ sĩ Bạch Mai được biết đến là danh ca, soạn giả tuồng cổ lừng danh đoàn Huỳnh Long, đã qua đời vào tối 25/8 sau thời gian chống chọi Covid.
Nội dung chính
1. Nghệ sĩ Bạch Mai là ai?
Bạch Mai được biết đến nghệ sĩ tuồng nổi tiếng của gia tộc cải lương lừng danh Huỳnh Long. Bà luôn xuất hiện với thần thái và chất giọng uy nghi trong các tác phẩm tuồng cổ. Ngoài biểu diễn, nghệ sĩ Bạch Mai còn có khả năng đạo diễn và viết tuồng với khoảng 50 kịch bản đã được các đơn vị dàn dựng. Ngày 25/8 vừa qua, nghệ sĩ Bạch Mai đã qua đời sau thời gian điều trị với Covid-19, hưởng thọ 73 tuổi.
2. Tiểu sử nghệ sĩ Bạch Mai
2.1. Nghệ sĩ Bạch Mai tên thật là gì?
Nghệ sĩ Bạch Mai có tên thật là Nguyễn Ngọc Mai.
2.2. Nghệ sĩ Bạch Mai sinh năm bao nhiêu?
Nghệ sĩ Bạch Mai sinh năm 1948.
2.3. Nghệ sĩ Bạch Mai qua đời, mất năm bao nhiêu?
Nghệ sĩ Bạch Mai mất ngày 25/8/2021, hưởng thọ 73 tuổi.
2.4. Nghệ sĩ Bạch Mai quê ở đâu?
Nghệ sĩ Bạch Mai sinh ra và lớn lên ở TP.HCM.
3. Sự nghiệp của nghệ sĩ Bạch Mai
3.1. Nghệ sĩ Bạch Mai xuất thân trong gia đình có truyền thống nghệ thuật cải lương
Bạch Mai sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật cải lương, cha mẹ của bà chính là đôi nghệ sĩ hát bội Bảy Huỳnh và Ngọc Hương, bầu của gánh hát Thanh Bình - Kim Mai và sau đổi tên bảng hiệu là gánh hát tuồng cổ Huỳnh Long. Ông bà Bảy Huỳnh có 5 người con theo nghề hát là Bạch Mai, Thanh Bạch, Kim Phượng (đã mất), Bạch Nga và Thanh Châu (đã mất).
Thuở mới vào nghề, Bạch Mai nhận thầy là nghệ sĩ Năm Thài - đào chính của gánh hát Chánh Thành. Từ năm 13 tuổi, nữ nghệ sĩ đã biểu diễn những vai đào con và bắt đầu được hát chính lúc mới 15 tuổi. Trong suốt sự nghiệp hát đào, Bạch Mai được khán giả yêu mến qua hàng loạt vai diễn, điển hình như Đường về núi Lam, Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu, Tấm Cám, Lá chắn biên thùy, Người đẹp trong tranh...
Nghệ sĩ Bạch Mai có thể hóa thân xuất sắc dù là vai đào mùi, đào độc hay đào võ, ở bà luôn toát lên thần thái và chất giọng uy nghi, bề thế. Có thể nói, nghệ sĩ Bạch Mai cũng là người góp phần công sức rất lớn trong việc thành lập Huỳnh Long - thương hiệu cải lương tuồng cổ cũng là cái nôi của nhiều thế hệ nghệ sĩ tuồng cổ nổi tiếng.
3.2. Nghệ sĩ đa tài Bạch Mai: Vừa biểu diễn, soạn giả, vừa đào tạo thế hệ trẻ
Không chỉ biểu diễn trên sân khấu tuồng, Bạch Mai còn có khả năng đạo diễn và viết tuồng, cho đến nay đã khoảng 50 kịch bản của bà vẫn được các đơn vị tái dựng điển hình như Xử án Phi Giao, Giang sơn và mỹ nhân, Tấm Cám, Mạnh Lệ Quân, Ngũ biến báo phu cừu...
Nghệ sĩ Bạch Mai còn nổi tiếng trong việc đào tạo và truyền nghề cho thế hệ nghệ sĩ trẻ gắn bó với đoàn Huỳnh Long. Bà cũng chính là người đã có công đào tạo ra những nghệ sĩ cải lương tuồng cổ xuất sắc như Kim Tử Long, Ngọc Huyền…
Theo nhận xét của các nhà chuyên môn, có đến 2/3 nghệ sĩ đoạt giải Huy chương Vàng Trần Hữu Trang đều đã từng nhận những bài học kinh nghiệm trong diễn xuất trên sân khấu tuồng cổ và biểu diễn các sáng tác của nghệ sĩ Bạch Mai.
Những năm cuối đời, nghệ sĩ Bạch Mai hạn chế biểu diễn lại và dồn hết tâm sức để hỗ trợ con gái - nghệ sĩ Bình Tinh - gây dựng lại đoàn cải lương Huỳnh Long. Bà vừa làm đạo diễn, cố vấn nghệ thuật, vừa hỗ trợ Bình Tinh đào tạo thế hệ trẻ sau này.
3.3. Một số vở tuồng ấn tượng do nghệ sĩ Bạch Mai biểu diễn
- Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu
- Lá chắn biên thùy
- Tấm Cám
- Đường về núi Lam
- Người đẹp trong tranh
3.4. Một số vở tuồng ấn tượng do nghệ sĩ Bạch Mai làm soạn giả
- Xử án Phi Giao
- Giang sơn mỹ nhân
- Ngọc Kỳ Lân
- Thập tứ nữ anh hào
- Ngũ biến báo phu cừu
- Mạnh Lệ Quân
- Mặt trời đêm thế kỷ
- Trưng Nữ Vương
- Mai trắng se duyên
4. Chuyện đời tư của nghệ sĩ Bạch Mai
4.1. Chồng của nghệ sĩ Bạch Mai là ai?
Chồng của nghệ sĩ Bạch Mai là cố nghệ sĩ Đức Lợi sinh năm 1948, mất năm 2005, là một kép hát oai phong, sở hữu giọng ca trầm ấm, khảng khái trong nhiều vở tuồng của Đoàn Cải lương Sài Gòn 3 và Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long. Đức Lợi và Bạch Mai nên duyên và trở thành vợ chồng khi cùng nhau đóng cặp hàng trăm vai tuồng trên sân khấu Huỳnh Long.
Có thể nói, trong số các nghệ sĩ cải lương Hồ Quảng thành danh đợt đầu ở thập niên 60, Bạch Mai và Đức Lợi là đôi vợ chồng nghệ sĩ được đào tạo từ hai lò nghệ sĩ khác nhau nhưng lại là đôi nghệ sĩ biễu diễn ăn ý với nhau nhất, được khán giả khen hết lời là cặp diễn viên đẹp đôi nhất.
4.2. Các con của nghệ sĩ Bạch Mai là ai?
Nghệ sĩ Bạch Mai và cố nghệ sĩ Đức Lợi có 2 người con cũng theo nghề cải lương là nghệ sĩ Chinh Nhân (đã mất) và nghệ sĩ Bình Tinh (quán quân Sao nối ngôi 2016).
4.3. Nghệ sĩ Bạch Mai qua đời vì Covid-19
Vào giữa đêm ngày 25/8/2021, nghệ sĩ Bạch Mai đã trút hơi thở cuối cùng sau thời gian chống chọi với Covid-19, hưởng thọ 73 tuổi. Thông tin này đã khiến đông đảo khán giả vô cùng thương xót. Theo chia sẻ từ Bạch Nga - em gái nghệ sĩ Bạch Mai, nữ soạn giả đã trải qua một thời gian điều trị tại bệnh viện An Bình, với căn bệnh nền huyết áp, tim mạch.
Chỉ trong 1 tháng tròn, gia đình cải lương Huỳnh Long mất đi 3 chị em ruột là nghệ sĩ phục trang Kim Phượng (mất ngày 25/7 vì Covid-19), nhạc sĩ Thanh Châu (mất vào ngày 8/8 vì căn bệnh suy hô hấp) và nghệ sĩ Bạch Mai.
Sự ra đi của nghệ sĩ sân khẩu lừng danh đã khiến nhiều đồng nghiệp và khán giả bày tỏ thương tiếc. Nghệ sĩ Phương Hồng Thủy chia sẻ: "Người nghệ sĩ có đôi mắt to tròn thiệt đẹp mà em ngưỡng mộ từ hồi còn xem tivi trắng đen thập niên 1970. Kính tiễn biệt chị nghệ sĩ Bạch Mai".
Bên cạnh đó, đạo diễn Thanh Hiệp cũng tâm sự: "Nghệ sĩ Bạch Mai đã truyền nghề cho thế hệ nghệ sĩ trẻ gắn bó đoàn Huỳnh Long. Có lẽ đến hai phần ba nghệ sĩ đoạt huy chương vàng giải Trần Hữu Trang từng học kinh nghiệm diễn xuất tuồng cổ từ bà và biểu diễn các tác phẩm của bà".
5. Một số hình ảnh của nghệ sĩ Bạch Mai
Video ca nhạc của nghệ sĩ Bạch Mai