Vệ sinh tủ bếp sạch sẽ từ trong ra ngoài để yên tâm đón Tết
- Thùy Linh
- Đăng lúc: Chủ nhật, 10/01/2021 18:54 (GMT +7)
Vệ sinh tủ bếp không đúng cách sẽ tiềm tàng nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe vì những vị trí tay nắm hay núm vặn của tủ chứa có rất nhiều vi khuẩn, vi trùng.
Bạn có thể lau mặt bàn, sàn bếp thường xuyên mỗi ngày, thế nhưng tủ bếp lại ít được chúng ta chú ý vệ sinh, mặc dù đó là công việc cần làm định kỳ. Bụi bẩn, dầu mỡ, thức ăn bắn tung tóe trong quá trình nấu nướng,... rất dễ bám vào tủ bếp. Theo thời gian, hỗn hợp này dính vào bề mặt tủ trở thành một “lớp keo” rất khó để loại bỏ. Bên cạnh việc mất thẩm mỹ thì tủ bếp bẩn cũng tiềm tàng nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, chẳng hạn như vị trí tay nắm hay núm vặn của tủ chứa vi khuẩn, vi trùng.
Hãy dành thời gian để vệ sinh kỹ lưỡng tủ bếp định kỳ hàng tuần, hoặc ít nhất là cách tuần. Và dưới đây là trọn bộ hướng dẫn để bạn vệ sinh món nội thất này sạch sẽ từ trong ra ngoài.
Bạn cần chuẩn bị:
- Xà phòng rửa bát
- Giấm trắng
- Nước ấm
- Dung dịch vệ sinh tủ bếp chuyên dụng
- Chất tẩy rửa đa năng
- Baking soda
- Khăn lau
- Bàn chải đánh răng
- Máy hút bụi (nếu cần)
Hướng dẫn thực hiện:
1. Chuẩn bị dung dịch làm sạch
Hầu hết các loại tủ bếp (bao gồm tủ nhựa laminate, nhựa vinyl, kim loại, gỗ,...) đều có thể được làm sạch bằng dung dịch xà phòng rửa bát pha với nước ấm. Xà phòng rửa bát hoạt động như một chất tẩy dầu mỡ, giải pháp đơn giản và nhẹ nhàng này đủ để loại bỏ các vết ố, bụi và dầu mỡ mới tích tụ trong tủ bếp không lâu.
2. Vệ sinh từ trên xuống dưới
Khi vệ sinh tủ bếp, hãy thực hiện theo vị trí từ trên xuống dưới. Bạn có thể xịt dung dịch xà phòng rửa bát pha với nước ấm trực tiếp lên bề mặt tủ hoặc xịt lên khăn rồi lau lên tủ. Đừng quên các vị trí đầu tủ, mặt bên và cạnh cửa tủ.
3. Lau lại bằng khăn sạch
Sau khi lau chùi bằng bằng dung dịch trên, hãy xả lại nhiều lần bằng khăn nhúng nước sạch. Dùng khăn khô lau lại lần cuối để tránh nước thừa đọng lại trên bề mặt tủ, nước đọng có thể làm phai màu và hư hỏng tủ.
4. Vệ sinh bề mặt kính/gương
Nếu tủ bếp sử dụng cửa kính, bạn xịt chất tẩy rửa đa năng lên miếng khăn, vải (loại không xơ) trước khi lau lên kính hoặc gương trong tủ bếp. Lưu ý không xịt trực tiếp lên kính vì chất tẩy rửa có thể văng sang đồ gỗ hoặc các bộ phận khác của tủ và gây đổi màu.
5. Làm sạch tay cầm, núm vặn
Đối với các chi tiết như tay cầm ngăn kéo, cửa tủ, núm vặn,... bạn hãy nhúng bàn chải đánh răng vào dung dịch bao gồm giấm trắng và nước ấm (tỷ lệ 1:1) rồi chà lên các chi tiết đó để làm sạch từng ngóc ngách, kẽ hở. Nếu thuận tiện, bạn có thể tháo rời các chi tiết này trước khi vệ sinh.
6. Loại bỏ vết dầu mỡ “cứng đầu”
Đôi khi, dầu mỡ tích tụ lâu ngày trên tủ bếp dày đến mức có thể nhìn thấy chúng màu vàng hoặc vàng cam và không dễ gì loại bỏ. Chất tẩy rửa chuyên dụng cho tủ bếp có thể xử lý giúp bạn, bằng cách để nó thấm vào vết dầu mỡ từ 2-4 phút và lặp lại một vài lần tùy mức độ.
Bạn cũng có thể chà nhẹ khu vực này bằng hỗn hợp baking soda và nước bằng bàn chải lông mềm. Lưu ý không cạo vết dầu mỡ vì sẽ dễ làm hỏng lớp sơn hoàn thiện trên bề mặt tủ.
7. Lấy đồ vật ra khỏi tủ
Bắt đầu làm sạch từ ngăn tủ cao nhất, lấy chai lọ, vật dụng trong ngăn tủ ra ngoài. Sau khi tủ đã trống, bạn dùng máy hút bụi mini để làm sạch bụi bẩn bên trong.
8. Vệ sinh bên trong
Hòa nước ấm với xà phòng rửa bát để tạo thành dung dịch vệ sinh bên trong tủ bằng khăn, tương tự như vệ sinh mặt ngoài tủ bếp.
9. Lau lại bằng vải ẩm
Chùi sạch dung dịch tẩy rửa còn sót lại bên trong bằng một miếng vải ẩm khác. Lau lại lần cuối bằng khăn khô để đảm bảo không còn nước đọng gây ẩm và hỏng tủ.
10. Lau chùi đồ dùng
Trước khi cất chai lọ và các vật dụng khác vào lại trong tủ, bạn kiểm tra hạn sử dụng của chúng. Lau chùi các loại chai lọ bằng khăn vải ẩm, để chúng khô ráo hoàn toàn trước khi lưu trữ.