Vì bạn vẫn còn sống, hãy sống tử tế và ý nghĩa thêm cả phần của những người đã ra đi
- lê thuý
- Đăng lúc: Thứ bảy, 20/11/2021 02:17 (GMT +7)
Bởi thả vào dòng đời yêu thương và tử tế, đó mới chính là cách tri ân ý nghĩa nhất cho 23.476 đồng bào đã bị dịch bệnh cướp đi.
Khoảng gần 2 tháng trước, Q. một cộng tác viên của tôi bỗng dưng gửi bài trở lại sau một thời gian khá dài "mất tích". Thú thực Q. không phải cộng tác viên thường xuyên nên ban đầu tôi không để ý lắm. Chỉ khi em bắt đầu gửi bài liên tục, tôi mới hỏi nguyên do.
Đáp lại câu hỏi của tôi, ô hội thoại xuất hiện dòng tin nhắn "Dạ, em là F0 đã khỏi nên có nhiều động lực viết lại". Q. không chỉ là F0 mà là F0 đến 2 lần. Đọc tin em gửi, tôi lặng đi vài giây. Hoá ra cô gái trẻ đã vượt qua lưỡi hái tử thần đến 2 lần trong đợt dịch tại TP. HCM vừa qua.
Nhà Q. ở Gò Vấp, nơi bùng dịch nặng của TP. HCM ngay đợt đầu. Q kể chỗ em ở ai cũng nhiễm, khi mắc lần 1, em được chữa tại khu cách ly tập trung của phường, nhưng lần 2 em tự cách ly, điều trị tại nhà vì khi đó thành phố đã quá tải. Q. lạc quan "Bác sĩ nói đề kháng kiểu đó thì khó bị trở lại nữa á chị".
2 lần trở thành F0, hơn ai hết, Q. trân trọng sự sống của mình "Em nhìn thấy nhiều người mất vì Covid mới thấy bản thân còn may mắn quá". Đúng như Q. nói, cô gái trẻ đã rất may mắn khi nhiễm Covid-19 tới 2 lần mà vẫn bình phục để sống tiếp bởi nhiều người đã bị Covid-19 cướp đi sinh mạng.
20 giờ ngày 19/11, lễ cầu siêu tưởng niệm 23.476 đồng bào đã mất do đại dịch Covid-19 diễn ra đồng thời ở cả Hà Nội và Sài Gòn. Trên mạng xã hội và cả nơi không phải mạng xã hội, rất nhiều nước mắt đã rơi.
Bất chấp những chính sách hỗ trợ sát sao của Chính phủ từ những ngày đầu; bất chấp các y bác sĩ tuyến đầu đã cố gắng bằng 200% sức lực, thậm chí đánh đổi cả tính mạng; bất chấp việc mỗi người đều ý thức hơn, đều ít nhiều cố gắng đùm bọc, tương trợ lẫn nhau, Covid-19 vẫn lấy đi của chúng ta hơn 23 ngàn đồng bào.
Rất nhiều gia đình không còn tròn vẹn, có những đứa trẻ sinh ra đầy đủ cha mẹ vì Covid-19 thành trẻ mồ côi; có những người đàn ông, đàn bà bỗng nhiên chỉ còn lại trơ lại một mình bởi dịch bệnh đã lấy đi những người họ thương yêu nhất.
Việt Nam phát hiện ra ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào ngày 23/1/2020. Như mọi quốc gia bị Covid-19 càn quét, cuộc sống của người Việt thay đổi hoàn toàn. Chúng ta đã có những đợt giãn cách xã hội, ai ở đâu ở nguyên chỗ ấy, chúng ta đeo khẩu trang, rửa tay, hạn chế tiếp xúc tối đa giữa người với người, chúng ta học cách thích ứng dần với cuộc sống bình thường mới.
Thế nhưng trước loại virus biến chủng liên tục, biến chủng sau phức tạp, tinh vi hơn biến chủng trước, mọi sự ứng phó của con người dường như vẫn chưa là chưa đủ bởi chỉ cần chủ quan một tí thôi, cái giá phải trả chính là tính mạng.
Cuối tháng 4 năm 2021, Việt Nam ghi nhận những ca nhiễm Covid-19 mang biến chủng B.1.617.2 (chủng Delta) do đoàn chuyên gia Trung Quốc lây nhiễm từ chuyên gia Ấn Độ ở khu cách ly tại Yên Bái. Rất nhanh sau đó, biến chủng này xuất hiện ở nhiều tỉnh thành khắp Việt.
Ngày 18/5, ca nhiễm biến chủng Delta đầu tiên được ghi nhận tại một công ty ở TP.HCM và bắt đầu lan rộng đi nhiều tỉnh thành phía Nam. Cũng như Q., rất nhiều người không thể ngờ thành phố lại "bệnh nặng" đến thế.
Ngày 2/6, TP. HCM ghi nhận ca tử vong đầu tiên, ngày 15/7, tức 1 tháng 13 ngày sau ngày có người đầu tiên tử vong vì COVID, lần đầu tiên, TP. HCM ghi nhận số người tử vong bằng 2 con số. 11 ngày sau đó tức 26/7, con số tử vong đã tính bằng con số trăm. Suốt tháng 8 và đầu tháng 9 là chuỗi ngày căng thẳng, mỗi ngày có thêm cả trăm cả bệnh. Cá biệt ngày 1/9, thành phố ghi nhận tới 658 người tử vong do Covid-19.
Người nhiễm bệnh và tử vong không chỉ là người bệnh nền, người lớn tuổi mà còn là những người trong độ tuổi lao động, khoẻ mạnh, nhiều người còn là trụ cột gia đình. Tính đến hết 18/1, trong số 23.476 người qua đời vì Covid-19, có tới 17.175 người ở TP. HCM.
Vì Covid-19, rất nhiều những ước mơ, hoài bão dang dở bị bỏ lại, rất nhiều mảnh đời phải từ biệt thế gian mà chẳng có dấu hiệu báo trước. Dù TP. HCM và cả nước đang cố gắng để "khoẻ lên", dần thích ứng với cuộc sống mới, học cách sống chung với dịch nhưng những mất mát quá lớn của mỗi gia đình, của người ở lại có lẽ còn lâu lắm có thể lên da non.
Thương người ra đi, chúng ta còn đau hơn cho người ở lại. Nhưng cuộc chiến với Covid-19 vẫn còn tiếp diễn, dẫu có đau buồn mấy cũng hãy hứa với nhau lấy nỗi buồn ấy làm động lực sống tử tế hơn cho những ngày tháng phía trước. Vì chúng ta đã may mắn sống qua cơn bạo bệnh, hãy sống ý nghĩa và trách nhiệm thêm cả phần đời cho những người đã mất.
Nếu thù ghét ai đó, hãy dẹp đi, không phải vì họ mà vì bạn xứng đáng sống với những điều tốt đẹp, cuộc sống ngắn ngủi như thế, sao lại lãng phí thời gian để ghét một người? Nếu yêu ai đó, hãy tỏ bày, nếu muốn làm điều tử tế, muốn san sẻ, hãy làm ngay lập tức. Bởi thả vào dòng đời yêu thương và tử tế, đó mới chính là cách tri ân ý nghĩa nhất cho 23.476 đồng bào đã bị dịch bệnh cướp đi.