Việc mua đi bán lại hàng hiệu không "nhanh giàu" như bạn tưởng
- Bánh bèo bồng bềnh
- Đăng lúc: Thứ ba, 22/03/2022 16:21 (GMT +7)
Nếu bạn không có đủ kiến thức và dành thời gian chăm chút thì hàng hiệu sẽ không thể hô biến tài sản của bạn lớn lên sau vài tháng như kỳ vọng.
Chanel, Dior, Louis Vuitton, Hermès là những thương hiệu thời trang nổi tiếng được giới mộ điệu khắp thế giới săn lùng. Khi mua những sản phẩm của các thương hiệu này, bạn không sở hữu tiêu sản, bạn đang sở hữu tài sản. Không những thế, còn là loại tài sản có khả năng tăng giá vài chục phần trăm chỉ trong vòng vài tháng. Chẳng hạn Chanel đã tăng giá hơn 5% chỉ trong 4 tháng, Louis Vuitton cũng mới công bố tăng giá lần đầu trong năm 2022, Hermès thì tăng giá khủng khiếp theo năm,... nên sở hữu những sản phẩm đến từ các thương hiệu này đồng nghĩa với việc bạn đang có những khoản đầu tư tích lũy mà giá trị tăng theo từng tháng.
Không chỉ những cửa hàng trực tiếp mà những thị trường mua bán đồ hiệu cũ cũng hoạt động vô cùng sôi nổi. Chỉ cần gõ tên những thương hiệu đắt đỏ trên khung tìm kiếm của Facebook hay Google, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những hội nhóm mua bán đồ cũ. Mức giá của những sản phẩm này cũng tăng theo giá của hãng.
Xem chừng, đầu tư vào hàng hiệu có vẻ là một món hơi. Bởi lẽ với cách làm này, bạn vừa được thỏa mãn đam mê sở hữu những món đồ mới, đồng thời lại có thể giúp “tiền đẻ ra tiền” chỉ sau vài tháng. Ngoài ra, nếu như những thị trường đầu tư khác gồm chứng khoán, vàng, tiền ảo, bất động sản sẽ lên xuống theo quy luật kinh tế thì đồ hiệu vận hành theo quy luật của những "con chiên đạo thời trang", chỉ có lên chứ không có xuống. Điều này không phải một suy luận viển vông mà đã được chứng minh thông qua thực tiễn.
Tuy nhiên, nếu suy nghĩ kỹ hơn một chút thì đây không phải là khoản đầu tư (toàn) màu hồng. Trước tiên, có thể thấy vốn ban đầu bạn phải bỏ ra để mua một món đồ hiệu là không hề rẻ. Ít thì cũng vài chục triệu mà nhiều hơn thì cả chục tỉ đồng.
Ngoài ra, để một món đồ hiệu có giá khi bán lại, chủ nhân cũng cần phải chăm sóc sản phẩm kĩ lưỡng, bảo quản cẩn thận, mang đi spa định kỳ. Những việc làm này cũng rất tốn chi phí chứ không thể qua loa.
Bên cạnh đó, chủ nhân chiếc túi hiệu cũng cần phải biết rõ được lịch sử thương hiệu, câu chuyện đằng sau mỗi chiếc túi. Nhờ vậy, khách mua sẽ cảm thấy được trân trọng, bị thuyết phục và thúc đẩy việc "xuống tiền" dễ dàng hơn.
Như vậy, có thể khẳng định: Nghề chơi cũng lắm công phu. Để có thể kiếm tiền nhờ mua đi bán lại đồ hiệu, bạn cũng phải bỏ công bỏ sức, trau dồi kiến thức và dành sự chăm sóc đặc biệt đến những món đô. Vậy nên, nghe thì đơn giản nhưng nếu chưa sẵn sàng, bạn hãy tìm một hình thức đầu tư khác đơn giản và dễ dàng hơn.