Vợ Đăng Khôi đáp trả hình ảnh bị nhận xét khêu gợi: "Chồng muốn tôi mặc như vậy"

Thủy Anh - bà xã Đăng Khôi - khẳng định, cô ý thức được ranh giới giữa “gợi cảm” và “phản cảm” và mong mọi người không đánh giá phụ nữ qua trang phục.

Hashtag: Sao Việt

Mới đây, Thủy Anh - bà xã Đăng Khôi đăng tải trên trang cá nhân dòng trạng thái dài bàn về chuyện ăn mặc của phụ nữ khi nhận phải nhiều lời bình tiêu cực rằng cô ăn mặc quá sexy, gợi cảm.

Theo đó, Thủy Anh cho hay, hình ảnh bị nhận xét "khêu gợi" của cô là do chính ông xã Đăng Khôi chụp khi cả hai đi ăn tối với bạn bè. "Anh ấy muốn mình mặc như vậy vì anh thấy đẹp, và mình cũng thế", cô viết. 

Cựu người mẫu giải thích, làm đẹp là nhu cầu chính đáng của phụ nữ, nhất là trong xã hội phát triển, phụ nữ đẹp hơn để tự tin với chính bản thân mình, đẹp để người bên cạnh ngắm nhìn mình, những người xung quanh ngắm nhìn và dành lời khen tặng. Những lời khen sẽ giúp phụ nữ hạnh phúc hơn mỗi ngày. 

Thủy Anh nhận phải bình luận tiêu cực khi diện đồ sexy.

Thủy Anh khẳng định, cô luôn ý thức được ranh giới giữa “gợi cảm” và “phản cảm” nên lựa chọn trang phục phù hợp với hoàn cảnh. Vì thế, cô cảm thấy bất công khi phụ nữ chịu đựng "tiêu chuẩn kép": Ăn mặc tuềnh toàng thì bị chê cẩu thả; ăn mặc đẹp, gợi cảm thì nhận phải những lời bình phẩm mang tính xúc phạm. 

"“Vật thể hóa phụ nữ” (sexual objectification) là khi người ta coi phụ nữ chỉ có một mục đích gắn liền với nhu cầu tình dục mà bỏ qua suy nghĩ, tính cách, nhân phẩm người phụ nữ. Khi người ta coi phụ nữ “mặc đẹp chỉ để trai ngắm”, đó là khi người ta cho rằng việc mặc đẹp của phụ nữ không xuất phát từ mong muốn cá nhân của người phụ nữ ấy - là được mặc đẹp cho bản thân, mà chỉ để cho những người xung quanh chiêm ngưỡng, ngắm nhìn.

Coi phụ nữ như đồ vật không phải thứ gì quá xa lạ với các chị em - đó là khi phụ nữ bị bình phẩm “ngon thế” như một món ăn, đó là khi phụ nữ bị đem ra bình luận công khai về sắc đẹp như thể đó là tất cả những gì người ta quan tâm về một cô gái", Thủy Anh viết.

Đăng Khôi bên bà xã Thủy Anh.

Cựu người mẫu cũng bày tỏ, việc đánh giá phụ nữ qua trang phục là một vấn đề không dễ giải quyết khi nó liên quan tới rất nhiều thứ: bất bình đẳng giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ, văn hóa Á Đông, thái độ coi thường phụ nữ…

Tuy nhiên, cô mong muốn mọi người tôn trọng và tán dương những người phụ nữ xung quanh. Nam giới cần học cách tôn trọng phụ nữ, bản thân những người phụ nữ phải tự tin hơn, yêu bản thân hơn, hiểu được giá trị của mình. 

"“Cái mặc” của phụ nữ không phải là vấn đề của cộng đồng, “cái mặc” của phụ nữ nên là chuyện riêng của phụ nữ, giống như rất nhiều các vấn đề khác. Nếu không thể nói một lời lịch sự với người phụ nữ mặc đẹp, tốt nhất bạn không nên nói gì!", cô viết.

Chia sẻ của Thủy Anh nhận được sự ủng hộ và đồng tình của đông đảo khán giả. Cư dân mạng bình luận: "Bài viết của chị rất hay, rất văn minh. Không nên đánh giá người khác qua quần áo đâu ạ", "Chị nói đúng nỗi niềm của bao chị em. Nhiều người cứ nghĩ phụ nữ mặc đẹp cho ng khác ngắm. Thời buổi nào rồi. Mình ngắm mình, vui là đủ chị nhỉ. Mà Đàn ông hay đàn bà thì ai mà chẳng thích ăn mặc đẹp. Kì cục", "Câu nói nói lên trình độ và nhân cách"...

Nguyên văn dòng trạng thái của Thủy Anh:

“Nhìn khêu gợi quá chắc để nhiều chàng trai ngắm?”

Đây là một comment mà đối với mình là rất khiếm nhã khi mình đăng tấm hình này lên. Đây là tấm hình chồng mình chụp cho khi đi ăn tối với bạn bè, anh ấy muốn mình mặc như vậy vì anh thấy đẹp, và mình cũng thế. Mình có vài điều muốn chia sẻ.

Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của phụ nữ, người ta nói “Không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ ko biết làm đẹp”. Với công nghệ tiên tiến và thời đại số ngày nay, phụ nữ dễ dành tiếp cận với các xu hướng làm đẹp, và họ đẹp lên mỗi ngày. Nhưng đẹp để làm gì? Để họ tự tin với chính bản thân mình, đẹp để người bên cạnh ngắm nhìn mình, những người xung quanh ngắm nhìn và dành lời khen tặng. Ai chẳng thích được khen phải không? Mà nhất là phụ nữ, lời khen giúp họ hạnh phúc hơn mỗi ngày.

Bộ trang phục trên đối với mình nó hoàn toàn phù hợp vào hoàn cảnh (đi ăn riêng tư, toàn người trẻ với nhau), phù hợp thời thế khi giới trẻ hiện nay ăn mặc phóng khoáng hơn ngày xưa, nhưng vẫn giữ được phép lịch sự trong từng hoàn cảnh. Mình là người luôn ý thức được ranh giới giữa “gợi cảm” và “phản cảm”!

Phụ nữ có thể khác nhau về dung mạo, tính cách nhưng có những điều chắc chắn giống nhau: Trong cuộc đời sẽ đôi lần nhận được các câu bình phẩm về bề ngoài mang tính xúc phạm tương tự: “Mặc thế này để trai ngắm?”, “mặc đẹp để thả thính?”, “mặc đẹp để trai nó thèm?”...

“Tiêu chuẩn kép” dường như là thứ gắn liền với cuộc đời phụ nữ, một sự bất công mà Thủy Anh nhận ra dù bạn có là ai, nó vẫn cứ hiện hữu. Khi bạn ăn mặc tuềnh toàng, người ta chê bạn là một người phụ nữ cẩu thả, “phụ nữ mà không biết chăm chút bề ngoài”. Khi bạn ăn mặc đẹp, người ta sẽ hỏi bạn “Mặc đẹp để trai ngắm à?”. Người ta mong đợi gì ở phụ nữ với những tiêu chuẩn như vậy?

“Vật thể hóa phụ nữ” (sexual objectification) là khi người ta coi phụ nữ chỉ có một mục đích gắn liền với nhu cầu tình dục mà bỏ qua suy nghĩ, tính cách, nhân phẩm người phụ nữ. Khi người ta coi phụ nữ “mặc đẹp chỉ để trai ngắm”, đó là khi người ta cho rằng việc mặc đẹp của phụ nữ không xuất phát từ mong muốn cá nhân của người phụ nữ ấy - là được mặc đẹp cho bản thân, mà chỉ để cho những người xung quanh chiêm ngưỡng, ngắm nhìn. Coi phụ nữ như đồ vật không phải thứ gì quá xa lạ với các chị em - đó là khi phụ nữ bị bình phẩm “ngon thế” như một món ăn, đó là khi phụ nữ bị đem ra bình luận công khai về sắc đẹp như thể đó là tất cả những gì người ta quan tâm về một cô gái.

Nam giới có bị thế không? Có, nhưng rất ít, và khi nam giới ăn mặc đẹp hay “ít vải” (theo cách định nghĩa ít nhiều của công chúng), người ta cho rằng người nam giới đó khỏe khoắn, sức vóc, tự nhiên, còn nếu phụ nữ mặc đẹp, cô ta có thể bị coi là lẳng lơ, “mặc đẹp để thả thính”, “cho trai ngắm” hay những ngôn từ phản cảm khác.

“Ăn cho mình, mặc cho người”, câu nói đã quen thuộc ấy nên hiểu theo cách rằng chúng ta mặc đẹp là để tôn trọng người khác, chứ không phải chỉ để thỏa mãn sự hiếu kỳ của mọi người xung quanh, đặc biệt là nam giới. Mình tin rằng, mỗi người phụ nữ mặc đẹp đều mong muốn nhận được sự tán dương của người xung quanh nhưng điều họ cần trước hết là sự tôn trọng. Và mọi người nên hiểu rằng, việc phụ nữ mặc đẹp xuất phát trước tiên từ việc họ yêu bản thân, trân trọng chính mình, mong muốn thể hiện tính cách của bản thân qua trang phục chứ không phải chỉ để làm hài lòng người khác trước tiên.

Đánh giá phụ nữ qua trang phục là một vấn đề không dễ giải quyết khi nó liên quan tới rất nhiều thứ: bất bình đẳng giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ, văn hóa Á Đông, thái độ coi thường phụ nữ… Nhưng Thủy Anh luôn tin rằng, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi dần dần. Bản thân những người nam giới cần học cách tôn trọng phụ nữ, bản thân những người phụ nữ phải tự tin hơn, yêu bản thân hơn, hiểu được giá trị của mình. Nếu có con gái, đừng dạy con bằng những câu “mặc như thế này thì ma yêu” - miễn là con thấy tự tin, thoải mái và yêu bản thân mình trong trang phục phù hợp. Nếu có con trai, hãy dạy con hạn chế bình phẩm về cơ thể phụ nữ, hãy đặt mình vào vị trí của phụ nữ trước khi con đưa ra bất cứ nhận xét gì vì lời nói có thể tổn thương rất nhiều.

“Cái mặc” của phụ nữ không phải là vấn đề của cộng đồng, “cái mặc” của phụ nữ nên là chuyện riêng của phụ nữ, giống như rất nhiều các vấn đề khác. Nếu không thể nói một lời lịch sự với người phụ nữ mặc đẹp, tốt nhất bạn không nên nói gì!

Bài liên quan

News feed