Nếu là một người quan tâm đến thời trang, bạn sẽ biết nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của con người trong lĩnh vực này luôn ngày một cao hơn. Để đáp ứng được nhu cầu đó, ngành công nghiệp thời trang đã đối mặt với những hệ quả nặng nề, đó chính là gây hại đến môi trường. Hàng năm, các nhà máy sản xuất quần áo luôn bị lên án với những vấn nạn về việc xử lý rác thải, xử lý chất thải hoá học từ thuốc nhuộm không triệt để,...
Nhiều người cho rằng, đối với môi trường sống của con người thì thời trang là một ngành công nghiệp không lành mạnh. Lợi ích về mặt doanh thu mà nó đem lại không là gì so với những tổn hại mà nó gây nên. Để có thể khắc phục được điều này, nhiều công ty thời trang đã ứng dụng phương án thời trang tái chế, biến đồ cũ thành đồ mới để tiết kiệm nguyên liệu và lượng rác thải ra môi trường. Dĩ nhiên, điều này có hiệu quả nhưng vẫn chưa đủ để cải thiện hoàn toàn những vấn nạn mà ngành công nghiệp này mang lại. Và như một tia sáng giữa đêm tối, công nghệ đã can thiệp vào quy trình sản xuất của ngành công nghiệp thời trang với hy vọng ứng dụng những kỹ thuật công nghệ tiên tiến vào việc bảo vệ môi trường khỏi những ảnh hưởng của ngành sản xuất may mặc.
Nhà sinh vật học, Natsai Chieza chia sẻ về việc sản xuất một chiếc áo thun sẽ tiêu thụ hơn 2500 lít nước, bao gồm lượng nước nuôi trồng sợi bông và nước nhuộm vải. Bên cạnh đó việc nhuộm màu bằng những chất độc hoá học là đang vô tình giết chết môi trường sống của các loài sinh vật dưới nước do việc xử lý chất thải không triệt để. Là một thành viên tham gia dự án Faber Futures, Natsai đang tiến hành nghiên cứu phương pháp biến vi khuẩn thành phẩm nhuộm thân thiện với môi trường. Phương pháp này sẽ giải quyết được hai vấn đề, tiết kiệm nguồn nước và bảo vệ môi trường. Natsai chia sẻ rất có niềm tin vào công trình nghiên cứu này, trở ngại lớn nhất bây giờ là cách thức để nó có thể hoạt động trên số lượng lớn.
Ứng dụng với tơ nhện đã xuất hiện nhiều năm về trước. Khác với vẻ ngoài mỏng manh, sợi tơ nhện có cấu trúc bền chắc, không thua kém bất cứ tổ hợp kim loại nào.
Khó khăn duy nhất là nhện không thể nuôi nhốt lấy tơ như tơ tằm vì chúng có bản năng ăn thịt đồng loại. Đó chính là lý do đến ngày hôm nay, nhiều công ty mới thành công trong quá trình phát triển sợi tơ nhện tổng hợp. Bolt Threads là công ty đi tiên phong trong kỹ thuật sản xuất sợi tơ nhện tổng hợp và thành công vào tháng 3 năm 2019. Sau đó nhiều công ty và NTK cũng bắt đầu kế thừa và phát huy thành công nền móng vững chắc mà Bolt threads đã tạo ra để phát triển chất liệu thân thiện với môi trường này.
H&M có thể nói là một trong những thương hiệu đi tiên phong trong định hướng thương hiệu thời trang bền vững. Họ đã tạo một thói quen lành mạnh cho người tiêu dùng bằng những chiến dịch đổi đồ cũ nhận voucher giảm giá. Với mong muốn ghi dấu ấn thương hiệu bằng việc tạo nhận thức tốt đối với bảo vệ môi trường trong lòng người tiêu dùng, H&M đã cho ra đời chất liệu độc quyền ECONYL, xoá nhoà khoảng cách giữa thời trang và môi trường.
Bình luận