Đồ si là viết tắt của Đồ sida - tên gọi của một số mặt hàng quần áo cũ được bày bán ở thị trường Việt Nam từ những năm cuối thập niên 1980. Chúng có nguồn gốc là các thùng quần áo cũ do Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (viết tắt tiếng Anh là SIDA) của Thụy Điển viện trợ cho một số nước kém phát triển trong đó có Việt Nam - nên được gọi là đồ si đa. Ngoài ra, chúng có một số các tên gọi khác như đồ si, hàng Sida, đồ thùng, hàng thùng.
Một thời gian dài, tổ chức SIDA đã quyên góp rất nhiều quần áo cũ của người dân Thụy Điển sau đó giặt giũ, làm sạch rồi đóng thùng gửi tới Việt Nam.
Tuy nhiên oái oăm là ở chỗ, không biết sai xót khâu nào mà khi tới Việt Nam, số quần áo này đã không được phân phát tới tay những người nghèo như dự định, mà lại được bày bán ngoài thị trường với giá tương đối rẻ.
Đồ si thường được bày bán tại vỉa hè hay những cửa hàng nhỏ. Một số nơi tập trung thành những chợ bán đồ si như Kim Liên, chợ Đông Tác, chợ Hoàng Hoa Thám,.... Những địa chỉ này được giới trẻ rất ưa chuộng nhờ chất lượng tốt và giá thành "hợp ví" người sử dụng.
Sau này, tổ chức SIDA không còn viện trợ cho Việt Nam nữa nhưng khái niệm "đồ Sida" vẫn được dùng để gọi những mặt hàng quần áo cũ của nước ngoài đã qua sử dụng bày bán trên thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, người ta hay dùng từ "second hand" để gọi chung cho cả quần áo và các mặt hàng cũ đã qua sử dụng. Chữ second hand xuất phát từ tiếng Anh, có nghĩa là "đã được dùng", "đồ cũ"...
Như vậy, có thể thấy quần áo si đa không liên quan gì đến căn bệnh si-đa như lầm tưởng của nhiều người. Đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng trong thời gian dài đã gây ra nhiều ngộ nhận.
Hiện nay, tuy tổ chức SIDA không còn viện trợ quần áo cho Việt Nam nữa, nhưng quần áo si đa hay còn gọi là quần áo second hand vẫn có chỗ đứng nhất định trong nhu cầu mua sắm của người Việt, thậm chí trở thành một dòng thời trang riêng biệt được yêu thích, khi mà đặc điểm nổi bật nhất của đồ si là tính "duy nhất", nghĩa là mỗi món đồ si chỉ có một, không có chiếc thứ hai.
Bình luận