Một con người đàng hoàng, ngay thẳng luôn muốn đối diện và xử lý dứt điểm mọi vấn đề. Nhất là khi cảm thấy bản thân mình không có lỗi, họ sẽ không vì sự kỳ thị của người khác mà phải trốn tránh. Phương Nam là một cô gái như vậy.
Ngay tại thời điểm Thy đang dùng bữa sáng của mình, Nam đã có một chút ái ngại, lưỡng lự giữa việc ngồi xuống hay quay đi. Nhưng sau một phút đắn đo, có lẽ suy nghĩ “vì sao mình phải tránh mặt, cũng không thể làm thế cả đời, chi bằng cứ ngồi xuống nói chuyện thử xem sao” đã lóe trong đầu Nam và cô quyết định ngồi xuống, chủ động mở lời hỏi thăm Thy.
Tuy nhiên, Khánh Thy đang nhạy cảm như một con nhím, chạm khẽ là sẽ xù lông. Cô cho rằng mọi sự hỏi thăm, quan tâm của Nam đều là giả tạo, hoặc do cảm thấy có lỗi với những việc do bố của Nam đã làm. Thy dường như phát điên trước sự hiện diện của Nam, nói ra những lời lẽ khó nghe, thậm chí là lăng mạ, nguyền rủa bố con Nam. Đứng trên góc nhìn của Thy, đối diện với con của kẻ đã giết bố mình lại là người vừa uy hiếp đến tính mạng của mình, việc giữ được bình tĩnh có lẽ là quá sức đối với cô.
Nhưng đứng trên phương diện của Nam, “con giun xéo mãi cũng quằn”, khi mọi thứ vượt ngưỡng chịu đựng thì cô cũng không thể câm nín mãi trước sự buộc tội vô lý của Thy. Bản thân cô cũng đã cố gắng dĩ hòa vi quý, tội lỗi của bố cô đã bị pháp luật định đoạt và trừng phạt, bố con cô đã phải trả giá bằng việc hơn 20 năm xa cách. Chưa kể, Nam biết nguyên nhân ông Sinh giết bố của Thy là để cứu tính mạng của Nam, tức là bản thân cô cũng là nạn nhân của ông Thắng, nhưng cô chưa bao giờ nhắc đến như một lời biện minh cho bố mình. Vì cô biết, sau tất cả, sự mất mát của Thy là không gì có thể bù đắp.
Trước những lời nói của ông Khang, mong muốn Thy và Nam cùng bình tĩnh để giữ hòa khí, gia phong trong gia đình, thái độ và phản ứng của 2 người cũng hoàn toàn trái ngược. Trong khi Thy lạnh lùng, thậm chí xấc xược “con không làm được đâu ạ”, thì Nam xin lỗi bố mẹ chồng một cách chân thành vì đã để ông bà phiền lòng, thậm chí chứng kiến cuộc xô xát giữa 2 chị em dâu.
Quyết định chuyển sang ở với ông Sinh để tạm thời trong nhà chồng được bình yên, tránh kích động cho Thy quả thật là một hành động cao tay và cao thượng của Nam.
Cuộc sống không phải để phân biệt thắng thua, đúng sai, khi những người mà ta yêu thương được hạnh phúc, ta mới có thể hạnh phúc.
Dù mới về làm dâu trong một thời gian ngắn, nhưng căn nhà, đặc biệt là gian bếp nhà Long luôn ngập tràn hình ảnh, giọng nói, tiếng cười đùa của Nam. Vậy nên khi vắng bóng cô, mọi thứ trở nên vắng lặng và trống trải. Trong tâm trí của cụ Dần gần như không tồn tại bà Xuân và Long. Tất cả mọi thứ chỉ gắn liền với bác Quyên, Long là Sửu Nhi, bà Xuân là thông gia. Những câu hỏi, lời nói ngô nghê của cụ Dần càng làm mọi người nhớ tới sự hiện diện của Nam và chiếc ghế trống bên cạnh Long cũng như khoảng trống trong lòng mọi người, không ai có thể lấp đầy.
Ở một căn nhà khác nhỏ hơn, ít người hơn nhưng lại có sự ấm áp, có tiếng cười đùa của hai bố con ông Sinh. Kể từ sau khi nhận lại nhau, đây là bữa ăn đoàn viên đầu tiên của 2 bố con. Dù lúc đầu ông Sinh cảm thấy rất đau đớn, xót xa khi con gái phải xách vali, rời khỏi nhà chồng, nhưng sau đó, ông cũng trân trọng và tận hưởng những giây phút được ở bên con gái. Hai bố con đã chuẩn bị mâm cơm thật thịnh soạn với những món ăn theo công thức của bố Tuấn và chiếc ghế trống kia dường như được dành cho người bố thứ 2 của Nam. Hai bố con cùng hoài niệm về quá khứ bằng lòng biết ơn dành cho người đã khuất, ánh mắt chan chứa tình cảm và hạnh phúc khi tìm thấy gia đình thực sự của mình.
Vì vậy, nên chăng, hãy sống làm sao để khi không có sự hiện hiện của chúng ta, mọi người vẫn luôn nhớ về những điều tốt đẹp, bằng sự yêu thương và dành cho chúng ta một vị trí trong trái tim họ.
Sau cuộc họp gia đình và chứng kiến thái độ của mọi người trong nhà khi Nam ra đi, Thy cảm nhận được tình cảm của mọi người dành cho Nam. Phải chăng Thy hiểu mọi người chỉ đang nhượng bộ cô, có thể hiểu và thông cảm nhưng không ủng hộ cách cô cư xử với Nam. Có lẽ vì thế mà Thy quyết định trở về “nơi sản xuất” để yên tĩnh và tập trung gặm nhấm sự thù hận trong lòng cô.
Long và Huy phải phân công nhau để mắt tới bà và giữ cho ngôi nhà đỡ trống trải. Ông Khang và bà Xuân quả là có 2 người con trai "cực phẩm".
Tuy mỗi người đã có gia đình riêng và hai người vợ không mấy hòa thuận nhưng tình cảm hay lập trường của Long và Huy không hề thay đổi.
Ở Long luôn có sự tôn trọng, lắng nghe và trao đổi bình đẳng với Huy. Khi anh đang nhớ “khúc giò” của mình và hớn hở sang gặp Nam, bắt gặp Huy cũng trong tâm trạng tương tự thì anh rất ra dáng anh cả, nhường em trai vì ưu tiên vợ đang có bầu. Một hành động nhỏ nhưng thể hiện con người bao dung của Long đối với 2 em, đặc biệt là sau tất cả những việc Thy đã làm với Nam.
Còn Huy, anh luôn là một người bình tĩnh, không bị tác động bởi cảm xúc hay câu chuyện của người khác khi anh không tận mắt chứng kiến, kể cả đó là Thy. Đứng trước mọi chuyện, anh rất thương và lo cho vợ mình, nhưng bằng trực quan, anh có sự tin tưởng nhất định đối với Nam. Không chỉ nhìn ra sự nhẫn nhịn của Nam, anh còn thấy vợ mình có phần vô lý và bất công khi trút mọi tội lỗi lên đầu chị dâu. Bản thân Huy rất muốn khuyên ngăn nhưng anh biết, vợ anh đang có bầu lại phải chịu cú shock rất lớn, đây không phải thời điểm thích hợp để “đổ thêm dầu vào lửa”.
Khi hai người đàn ông vô cùng thông minh, sáng suốt ngồi lại, họ cùng nhau mổ xẻ, phân tích và nhìn thấu những bất thường của câu chuyện. “Không có ai đi khống chế một người sau đó lại xưng tên của mình”. Vậy nên, từ lỗ hổng “ngây thơ” này của ông Tấn mà Long sẽ "xé toạch" tấm màn đã phủ lên sự trong sạch của ông Sinh trong suốt thời gian qua. Nam hãy cứ yên lòng ở bên bố, mọi chuyện đã có Shark Long lo.
Bình luận