Có rất nhiều ý kiến bất bình trước sự bất lực đến hèn nhát của ông Sinh, vì sao không nói hết ra sự thật, vì sao trước đây mang tiếng giang hồ mà giờ như một con rùa rụt đầu, để ông Tấn đè đầu cưỡi cổ, thì đến hôm nay, có lẽ họ cũng ít nhiều có câu trả lời cho mình.
Thứ nhất, quả thật trong quá khứ ông Sinh là “dân xã hội”, cũng là cánh tay phải đắc lực của “Thắng đại ca” nhưng bản tính dĩ hòa vi quý của ông được bộc lộ từ khi ông còn ở cái thời sung sức và ngông cuồng nhất. Khi Tuấn dê vì thương tình mà thả con nợ đi, gây thiệt hại cho băng đảng, đứng trước sự an nguy của người anh em, ông Sinh đã không màng đến thể diện mà quỳ xuống, xin ông Thắng tha mạng cho em mình. Vậy thì giờ đây, vì sự an toàn của con gái, người quan trọng nhất của cuộc đời, ông Sinh chịu đựng, nhẫn nhịn cũng là điều dễ hiểu.
Thứ hai, qua lời khẳng định của Chiến chó và biểu hiện có tật giật mình của ông Tấn, ông Sinh cũng lờ mờ đoán ra, mình đã bị tù oan, người đáng lẽ phải lĩnh án tù 20 năm là kẻ đang sống như một doanh nhân thành đạt kia. Tuy nhiên, khi không có bằng chứng chính xác, liệu ai sẽ tin ông Sinh? Ông Sinh nên nói ra sự thật này cho ai? Cho Long hay Nam? Án đã thụ xong, giờ muốn lật lại thì sẽ rất khó khăn mà liệu có thay đổi được gì không? Chưa kể việc chọc vào tổ kiến lửa là ông Tấn và bè lũ đứng sau ông ta, những kẻ sẽ không từ 1 thủ đoạn nào để giữ bí mật về vụ án, có thể sẽ khiến người thân của ông gặp nguy hiểm. Có lẽ vì không muốn các con liên lụy tới những ân oán của mình mà ông Sinh chọn cách im lặng trong bao lâu nay.
Thứ ba, khi thấy con gái phải chịu đựng điều tiếng, bất công vì quá khứ của mình, ông Sinh quyết định đến gặp ông Tấn để nói chuyện phải quấy. Chỉ bằng một số lời khiêu khích của ông Sinh mà ông Tấn đã “phun châu nhả ngọc” ra toàn bộ sự thật, từ Dũng là con trai mình, mối quan hệ bất chính với bà Sa đến việc chính y là thủ phạm gây ra cái chết của ông Thắng - bố của Thy. Tất cả những lời nói sẽ là “bằng chứng chống lại ông trước tòa” đó đã được thu trọn trong chiếc máy ghi âm nho nhỏ được ông Sinh mang bên mình. Chỉ tiếc là ông Sinh đơn thương độc mã vào hang cọp nên đã bị đánh cho 1 trận nhừ tử và tịch thu công cụ tác nghiệp. Biết đâu chiếc máy ghi âm chỉ là vật thế thân, còn trong chiếc điện thoại Iphone 6 plus kia mới là đoạn ghi âm đáng giá cả tuổi hưu an nhàn của ông Tấn trong trang phục pijama nền trắng sọc xanh.
Sau khi rời nhà ông Tấn với cơ thể bầm dập, ông Sinh nén đau trở về căn nhà, nơi cô con gái nhỏ với tâm hồn ăn uống nhưng vẫn quyết chờ bố về ăn cơm cùng. Sự yêu thương, chăm sóc, quan tâm và những giọt nước mắt xót xa của Nam là món quà vô giá đối với ông Sinh. Vậy thì dù có phải đối diện với bao nhiêu hậu duệ của Chí Phèo hay chịu thêm vài quả trứng vào đầu, ông Sinh vẫn có động lực để cùng Nam hưởng trọn hương vị tình thân mà 2 bố con phải vất vả mới có được.
Để bà Xuân có thể chủ động trấn an cụ Dần vào những lúc cụ bỗng dưng muốn đi tìm con gái, Nam đã quay 1 video dặn dò cụ hãy yên tâm ở nhà, chờ cô đi “công tác” về. Cảm động trước tấm lòng của Nam, bà Xuân quyết định đến gặp người bạn thân cũng là thông gia của mình, hi vọng có thể hóa giải được mọi chuyện.
Một lần nữa, bà Sa lại thể hiện khả năng diễn sâu và nhập tâm “vô đối” khi vào vai nạn nhân đáng thương nhất quả đất. Nếu Thy tỏ ra căm tức thái quá do không biết nội tình, thì quả là đáng bái phục khi bà Sa là người hiểu tường tận toàn bộ sự việc nhưng vẫn có thể thốt lên những câu thật thê lương, đúng chất một bà quả phụ chịu quá nhiều đau thương, mất mát trước sự ra đi của chồng.
Trước mong muốn bà Sa có thể khuyên ngăn con gái bỏ qua những chuyện không vui trong quá khứ, bà Xuân bị bà Sa làm cho “hoa mắt chóng mặt” bởi những lời trách móc. Từ việc bà Xuân không phải chịu đựng những gì mình đã trải qua nên không thể thấu hiểu đến việc bà Xuân hắt hủi Thy vì thương Nam rồi việc Thy đang mang bầu, yếu tố tâm lý sẽ ảnh hưởng xấu đến đứa bé, cuối cùng chốt lại, bà Sa sẽ đón Thy về để dưỡng thai, bà Xuân chỉ biết đáp trả một cách yếu ớt và bất lực.
Quá trình đàm phán có vẻ không được suôn sẻ nhưng dù sao kết quả cũng được coi là thành công. Tới đây gia đình ông Khang sẽ có được một chút thời gian bình yên và biết đâu khi về nhà, Thy lại nhìn ra được những sơ hở và manh mối liên quan đến vụ án của bố mình.
Còn nhớ vụ bà Bích bị nghi oan ăn trộm kiềng vàng của cụ Dần, camera lại “vô tình” bị xóa đúng thời khắc gây án khiến Nam không thể không nghi ngờ có người nhúng tay vào. Bằng suy luận logic nhất có thể, người khả nghi nhất chính là Thy vì bà Sa cũng có mặt ngày hôm đó. Nam đã không ngần ngại mà hẹn gặp Thy để tuyên chiến nhưng hiện sự việc đã đi vào ngõ cụt và bị quên lãng.
Vụ việc dàn dựng người buộc tội ông Sinh rồi tung video lên mạng lần này, không ai khác chính là Thy làm. Nam cũng chọn cách như 3 năm trước, đối thoại trực tiếp với kẻ tình nghi. Nhưng lần này Thy đã thẳng thắn thừa nhận với lý do “ông Sinh xứng đáng phải chịu những việc như thế”. Thy cũng không ngần ngại tuyên bố mình chưa bao giờ hết ghét Nam vì những gì không hay trong cuộc sống của Thy đều có sự xuất hiện của Nam.
Kể cũng đúng, bị một người chứng kiến tất cả những khoảnh khắc xấu xa, hiểu rõ về con người mình thì người ta thường có xu hướng “giết người diệt khẩu”. Nhưng có lẽ Thy quên một điều rằng, muốn người khác không biết thì tốt nhất mình đừng làm. Thy nên biết ơn vì Nam hiểu hết về bản chất của Thy nhưng không đem chuyện đó “ngồi lê đôi mách” hay uy hiếp Thy mà chính Thy mới là người từ từ bộc lộ con người thật của mình.
Cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác thường có vẻ không cân sức vì những kẻ thủ ác thường trang bị trợ thủ đắc lực hay thủ đoạn nham hiểm để tạo vỏ bọc cho mình.
Bình luận