Có người nói nước hoa chỉ là nước hoa, chẳng qua cũng chỉ là những giọt thơm phù phiếm. Tuy nhiên nếu đi sâu tìm hiểu, thì tên gọi của một chai nước hoa còn ẩn chứa những câu chuyện nhiều hơn thế.
Miss Dior là một chai nước hoa như vậy. Đó là chai nước hoa được lấy cảm hứng từ sự dũng cảm của một người phụ nữ. Là chai nước hoa đã song hành cùng lịch sử nước Pháp, khi những người yêu thời trang của quốc gia này đấu tranh sống còn để bảo vệ những di sản thời trang trăm năm của mình.
Miss Dior là Catherine Dior, em gái út của Christian Dior. Những người thân thiết gọi bà với cái tên trìu mến là Caro (nghĩa là "yêu dấu" trong tiếng Ý).
Cái tên Miss Dior nảy ra vô cùng tình cờ. Ngay trước thềm ra mắt BST đầu tay của mình, Christian Dior đã bổ sung thêm một chai nước hoa và danh sách. Tuy nhiên, gần sát ngày trình diễn, ông vẫn đau đầu vì không thể nghĩ ra một cái tên. Trong cuộc họp cuối cùng giữa Christian Dior với các cộng sự, khi em gái Catherine đẩy cửa bước vào, bỗng một người thốt lên: "Here comes Miss Dior" - tiểu thư Dior đây rồi.
Ngay lập tức Christian thấy rằng cái tên này quá hợp cho chai nước hoa của mình. Miss Dior đã trở thành chai nước hoa đầu tiên của nhà mốt. Không chỉ là một nàng thơ, đó còn là một người phụ nữ yêu nước can trường.
Catherine là một người phụ nữ dũng cảm, người đóng vai trò chủ chốt trong lực lượng tình báo Pháp. Đến tháng 7/1944, khi cuộc chiến đang đến hồi cao trào, Catherine bị Đức quốc xã bắt và tra khảo. Christian Dior lúc này đã nhờ vả tất cả những mối quan hệ để cứu em gái nhưng bất thành. Catherine bị đẩy ra đảo đi đày cùng 593 người phụ nữ khác. Tiểu thư của một gia tộc danh tiếng nay phải lao động như một người tù khổ sai. 10 tháng địa ngục đó đã lấy đi tất cả của Catherine, từ sắc đẹp tới một tâm hồn ngây thơ. Sau khi thế chiến kết thúc, Catherine mất một thời gian dài để đấu tranh với chứng rối loạn sang chấn hậu chiến tranh.
Chiến tranh đã để lại vết thương quá lớn cho nước Pháp nói chung và thời trang Pháp nói riêng. Những thương hiệu đầy tính biểu tượng và ngạo nghễ như Dior, Balmain cũng đã từng phải rơi vào tay người Đức. Những nhà thiết kế đã phải hi sinh và cố gắng kiên định, nhẫn nhịn qua cơn bĩ cực để gìn giữ linh hồn thời trang Pháp khỏi sự xâm lăng của Hitler.
Sau chiến tranh, nhà Dior còn phải đối mặt với sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929. Họ bị trục xuất khỏi căn biệt thự lâu đời tại Normandy.
Vào những năm 1930, chính quyền thành phố Granville Pháp mua lại căn nhà để quy hoạch thành công viên công cộng. Tuy nhiên, nó đã được chuyển đổi lại thành bảo tàng Christian Dior, như một sự tôn vinh cho người có đóng góp lớn đối với nền thời trang Pháp. Catherine giữ vai trò Chủ tịch danh dự của Bảo tàng đến khi qua đời.
Trong cuốn hồi ký của mình, Christian đã viết: “Điều khiến tôi nhớ nhất về những người phụ nữ là mùi nước hoa của họ. Nó sẽ mãi đọng lại trong ký ức của tôi”.
Bình luận