Mulan là tác phẩm chuyển thể người đóng gây tranh cãi nhất của Disney trong những năm gần đây.
Bộ phim với sự tập hợp của những ngôi sao Hoa ngữ hàng đầu như Lưu Diệc Phi, Chân Tử Đan, Lý Liên Kiệt, Củng Lợi đã tiêu tốn của Disney 200 triệu đô kinh phí sản xuất. Con số này biến Mulan trở thành bản live-action đắt đỏ nhất của Nhà chuột, cũng là phim do phụ nữ làm đạo diễn được Disney đầu tư lớn nhất.
5 lần 7 lượt lao đao vì phải rời xuất chiếu, cuối cùng Disney quyết định phát hành Mulan trên nền tảng trực tuyến của mình, thu thêm của người dùng 29.99 USD trên nền phí phải trả 7 USD.
Câu chuyện Mulan thay cha tòng quân lấy bối cảnh từ thế kỷ IV - VI được lưu truyền trong dân gian. Disney đã từng chuyển thể cốt truyện này thành phiên bản phim hoạt hình vào năm 1998. Tác phẩm thành công vang dội và trở thành một tượng đài ngợi ca khí chất kiên cường của người phụ nữ Á đông.
Hơn 20 năm sau, Disney-dường-như-đã-cạn-kiệt-ý-tưởng nên đã lôi Mulan ra khai thác lại. Mulan live-action 2020 bị giới chuyên môn lẫn khán giả đánh giá là một bộ phim chắp vá, góp nhặt - một nồi lẩu thập cẩm đúng nghĩa mà mỗi món nhúng, chẳng có món nào là đặc sắc. Đồng thời, bộ phim bị cho rằng mang trong nó một cái nhìn thiển cận của người da trắng về văn hóa châu Á.
Vượt qua bao nhiêu chỉ trích từ nội dung đến diễn xuất "đơ như trái bơ" của Lưu Diệc Phi, Mulan cuối cùng vẫn nhận được hai đề cử Oscar ở hạng mục Trang phục xuất sắc nhất và Kỹ xảo xuất sắc nhất.
Hãy tạm bỏ qua hạng mục Kỹ xảo xuất sắc nhất (dù nó cũng tạo ra làn sóng phản đối chả kém) và cùng tìm hiểu lý do vì sao Mulan không xứng đáng với hạng mục Trang phục xuất sắc nhất.
Bina Daigeler là người phụ trách trang phục cho tác phẩm live-action của Nhà Chuột. Cô là một người phụ nữ da trắng hoàn toàn, sinh ra tại Đức, làm việc phần lớn tại Tây Ban Nha, cũng chưa làm bất kỳ bộ phim nào có yếu tố châu Á.
Bina nghiên cứu lịch sử Trung Hoa bằng cách đến bảo tàng, sau đó bà dành 3 tuần ở quốc gia này để nghiên cứu về lịch sử trang phục.
Sara Li, phóng viên gốc Á của Teen Vogue đã nói rằng: "Cách nghiên cứu của Bina giống như một du học sinh trao đổi đến Trung Quốc vài tuần rồi tự nhận mình là chuyên gia Trung Quốc học."
Bên cạnh đó, trong đoàn làm phim Mulan không có cố vấn nào đến từ châu Á. Đây là một điều đi ngược lại thông điệp của Disney về tính đa văn hóa trong nền điện ảnh.
Như đã nói ở trên, câu chuyện Mulan thay cha tòng quân diễn ra khoảng thế kỷ IV-VI. Tuy nhiên, trang phục của phim lại rơi vào thời nhà Đường, khoảng thế kỷ VII.
Trang phục thời Đường thường có phần tay áo dài, eo quấn đai cao và gấu váy chạm đất. Thời kỳ này những màu sắc được ưa chuộng gồm tím, xanh lơ, xanh lá và đỏ.
Đối với đồng phục quân đội, áo giáp sẽ được thiết kế dài đến đầu gối, chân đi loại giày cao ngang gối. Mũ giáp che kín đến phần cổ. Trang phục thời này được thiết kế để bảo vệ hoàn toàn cơ thể binh lính.
Gong Pan Pan, blogger người Hoa gốc Singapore trả lời phỏng vấn với Vox nói rằng: "Disney đang muốn giành lấy thiện cảm của những thế hệ người Hoa thứ 2 sinh ra tại nước ngoài. Họ là những người không chưa có nhiều hiểu biết về văn hóa cội nguồn."
Ngoài ra, cô cũng nhận xét thêm rằng, trang phục đánh trận của Mulan không đại diện cho một thời kỳ nào cả. Màu đỏ đồng phục của Mulan chỉ mang ý nghĩa phân biệt cô với những giai tầng khác.
Nhiều người hâm mộ cho rằng việc đưa Mulan vào danh sách tranh giải 5 phim cuối cùng của Viện Hàn Lâm là một ván cờ chính trị để phim Mỹ dễ dàng thâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào tối ngày 25/4/2021 theo giờ Mỹ.
Bình luận